Từ chiếc iPad ngẫm chuyện sáng tạo ở Việt Nam

Thứ tư, ngày 20/11/2013 14:31 PM (GMT+7)
Trong chiếc iPad trị giá 499 USD, chi phí nhân công sản xuất chỉ có 33 USD, và khâu lắp ráp cuối cùng tại Trung Quốc chỉ chiếm 8 USD trong đó.
Bình luận 0
Sáng tạo nhìn từ chiếc iPad

Thế hệ chiếc iPad đầu tiên xuất hiện đã chính thức đánh dấu một cuộc cách mạng nhỏ, với sự chuyển dịch mạnh mẽ của người sử dụng từ chiếc máy tính để bàn sang thiết bị cá nhân mạng theo mình. Nhưng ít người biết nó còn mang trong mình những dấu hiệu của cuộc cách mạng khác lớn hơn nhiều.

Trong chiếc iPad trị giá 499 USD này, chi phí nhân công sản xuất chỉ có 33 USD, và khâu lắp ráp cuối cùng tại Trung Quốc chỉ chiếm 8 USD trong đó. Các dây chuyền gia công thuê ngoài đang có xu hướng chuyển ngược lại các nước giàu, không phải vì giá nhân công Trung Quốc tăng, mà vì hãng muốn về gần với khách hàng của mình, để có thể phản ứng nhanh nhạy với những nhu cầu luôn thay đổi của khách hàng.

Chi phí lao động đang trở nên ít quan trọng hơn, và việc di chuyển sản xuất đến các nước có nguồn nhân công giá rẻ trong quá khứ có thể không còn là xu hướng tăng trưởng mạnh trong tương lai nữa. Đó là một phần trong những tác động đầu tiên của Cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 3 - cuộc cách mạng của đổi mới và sáng tạo, mà các chuyên gia dự đoán đang xảy ra.

imgChiếc iPad nhỏ bé của Apple ẩn chứa sức mạnh sáng tạo to lớn bên trong.

Kinh tế Việt Nam vừa trải qua giai đoạn đi xuống khá dài sau một thời kỳ tăng trưởng nóng. Một giai đoạn tăng trưởng dựa vào tài nguyên và các nguồn vốn bên ngoài bơm vào có lẽ đã đi đến đoạn cuối cùng với cuộc khủng hoảng kéo dài suốt thời gian qua. Nền kinh tế, để chuẩn bị cho một giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, cần tìm kiếm động lực mới. Với các nước mới nổi, động lực mới này có thể là cải tiến và sáng tạo. Mấu chốt của sáng kiến là cải thiện năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, điều cũng là cốt lõi bền vững của tăng trưởng.

Việc làm cần thiết hiện nay là kiến tạo một môi trường khuyến khích sáng tạo tại Việt Nam. Nếu nhìn vào những nước đang đi đầu về đổi mới sáng tạo, có thể thấy môi trường khuyến khích sáng tạo cần đảm bảo hai yếu tố đầu tiên là nguồn lực tài chính và khả năng kết nối giữa những người sáng tạo với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất.

Nguồn lực tài chính cho sáng tạo

Điểm thiết yếu đầu tiên cần có để tạo nên môi trường kích thích cho phát kiến và sáng tạo là nguồn lực tài chính thích hợp. Nguồn lực tài chính này phải có tính chất thích hợp. Một môi trường khuyến khích sáng tạo là một môi trường có sự khuyến khích khả năng mạo hiểm.

Theo chuyên viên cao cấp của WB, Trưởng nhóm công tác dự án FIRST – tiến sĩ Suhas Parandekar – thập kỷ vừa qua, danh mục đầu tư của WB cho đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới vào khoảng 18,7 tỷ USD, trong đó nhiều nhất là dành cho khu vực Mỹ Latin. Tuy nhiên, có đến 1/3 số dự án đổi mới sáng tạo này đã thất bại và lý do chính là không tận dụng được hết các khoản tài trợ; quá trình xử lý và thủ tục bồi hoàn phức tạp đối với các khoản tài trợ; quy trình đấu thầu và lập kế hoạch không linh động; không tạo ra ảnh hưởng mang tính hệ thống về đổi mới sáng tạo mà chỉ có các ảnh hưởng ngắn hạn cho các doanh nghiệp được tiếp nhận tài trợ, ông Parandekar cho biết.

Riêng tại Việt Nam, khả năng tiếp cận nguồn vốn của những người sáng tạo thực sự là một vấn đề cần đặt ra.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) hoạt động tại Việt Nam suốt thời gian qua đã làm được một việc là thúc đẩy các công ty internet non trẻ ở Việt Nam bùng phát. Tuy nhiên nếu tìm kiếm ở đó nguồn lực thúc đẩy sáng kiến, sáng tạo thì chưa. Ngoài những mô hình thương mại điện tử hay “clone”, nhân bản hàng loạt của nhau trên thị trường, quá hiếm hoi để có thể tìm thấy những dự án dựa trên những phát kiến hoặc cải tiến về mặt công nghệ để tạo ra lợi thế cạnh tranh với thị trường. Và ngoài ra rất khó thấy, hoặc thậm chí có thể nói là không thấy, những dự án đầu tư vào công nghệ khác ngoài lĩnh vực công nghệ thông tin.

Cũng không thể trách các VC khi mà mục tiêu của họ vẫn chỉ là thu hồi vốn thật nhanh. Người tiêu dùng sẽ không mấy khó khăn để thích nghi với các sản phẩm thế hệ mới, chất lượng cao. Nhưng, tiếc thay các nhà đầu tư thì không như vậy. Bản năng của họ là tìm đến những mô hình an toàn, đã thành công ở các thị trường lớn. Trong khi ngược lại, tại Mỹ, giữa các công ty lớn như Google, Yahoo, hay Microsoft là cuộc đua tìm kiếm những công nghệ và phát kiến mới.

Trong năm nay, Việt Nam đang có một loạt những tín hiệu thay đổi mạnh mẽ. Bộ Khoa học Công nghệ đang xây dựng đề án thí điểm quỹ đầu tư mạo hiểm vào năm 2014, nhằm giúp “Đề án Thung lũng Silicon của Mỹ” thực hiện thành công ở Việt Nam.

Mới đây là dự án FIRST, được World Bank tài trợ là điều rất đáng chú ý. Không phải ngẫu nhiên mà dự án có tên là FIRST – đầu tiên. Có rất nhiều thứ đầu tiên trong dự án này. Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Thắng cho biết, dự án lần này là dự án đầu tiên có sự cởi mở cao cho doanh nghiệp tư nhân, dự án đầu tiên có cơ chế chấp nhận rủi ro, tài trợ đến 70% kinh phí cho các phát kiến... Không kỳ vọng vào việc thay đổi hoàn toàn, nhưng dự án đang kỳ vọng tạo ra những thay đổi đầu tiên để tạo ra một môi trường khuyến khích sáng tạo.

Kết nối để thúc đẩy sáng tạo

Mọi nguồn lực không phải là vô hạn. Do tính chất phải chấp nhận rủi ro cao, nên việc đầu tư cho sáng kiến cũng cần có những phương thức hạn chế rủi ro riêng của mình. Cần nhớ rằng sự rủi ro của việc đầu tư không chỉ đến từ các nhà đầu tư mà còn đến từ chính sự đầu tư công sức và thời gian của những nhà phát kiến.

Môi trường kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp sử dụng sáng kiến sẽ giúp rút ngắn vòng đời của quá trình đầu tư, nhanh chóng đưa sáng kiến vào thực tiễn. Hơn nữa chỉ có cọ sát với thực tiễn sản xuất, các sáng kiến, phát minh mới có thể nhanh chóng hoàn thiện và tạo ra lợi nhuận cho xã hội.

Môi trường kết nối chặt chẽ giữa các nhà sáng kiến, các nhà nghiên cứu sẽ tạo một mặt bằng công nghệ cao, cắt bớt chi phí mạo hiểm dư thừa khi có thể chia sẻ và sử dụng lại những tri thức đã có.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB Việt Nam, tại buổi lễ khởi động dự án FIRST hôm 7.11 bày tỏ kỳ vọng vào việc kết nối mạng lưới các nhà khoa học Việt Nam vào mạng lưới các nhà khoa học toàn cầu như một trọng tâm của dự án.

Tiến sĩ Suhas Parandekar, chuyên gia đổi mới sáng tạo của Ngân hàng thế giới, trong một tham luận của mình có nhận xét, không thể có đổi mới sáng tạo nếu không có đổi mới trong cơ chế chính sách, và vai trò của kết nối cũng quan trọng như vai trò của đầu tư.

Cho đến thời điểm này, có vẻ như mọi thứ đã đi đúng lộ trình cần có. Tuy nhiên ngay cả như vậy, cũng cần thấy đây mới chỉ là bước khởi đầu. Còn cần rất nhiều nỗ lực cho đến lúc thực sự có một môi trường hiệu quả sản sinh ra các sáng kiến và phát minh. Mục tiêu đầu tiên đặt ra lúc này có lẽ là cần tạo ra được một môi trường kết nối đầu tiên, để ít nhất, những người làm công nghệ ở Việt Nam có niềm tin đang nằm trong cùng một “industry”, nói cùng một thứ ngôn ngữ với những người làm công nghệ trên thế giới.

Theo ông Trần Quốc Thắng, Giám đốc Dự án, FIRST trị giá 110 triệu USD, trong đó 100 triệu USD là vốn vay ưu đãi từ IDA (Hiệp hội Phát triển Quốc tế) của WB với thời hạn 20 năm.

FIRST sẽ kéo dài 5 năm, đến tháng 6.2019 với ba hợp phần lớn trong đó hợp phần hỗ trợ các đơn vị và tổ chức nghiên cứu KH&CN công lập chuyển đổi mô hình hoạt động, tiếp cận với nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn. Ngoài ra, dự án có tiểu hợp phần thúc đẩy liên kết đổi mới công nghệ giữa doanh nghiệp và cộng đồng KH&CN sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp (spin-off, start-up) tối đa 500 nghìn đô la Mỹ/doanh nghiệp để phát triển ý tưởng và nâng cao năng lực đổi mới công nghệ.Các nhóm hợp tác nghiên cứu và đổi mới trong đó doanh nghiệp là hạt nhân liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học hoặc các nhà nghiên cứu cũng sẽ được hỗ trợ lên tới 1,5 triệu đô la Mỹ (đối với các nhóm hợp tác bao gồm 5 thành viên) và 3 triệu đô la Mỹ (đối với nhóm hợp tác bao gồm 10 thành viên).

Đây là lần đầu WB hỗ trợ một dự án trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo ở Việt Nam với mục đích xây dựng và thí điểm triển khai một số chính sách góp phần hoàn thiện khung chính sách quốc gia khuyến khích phát triển KH&CN; nâng cao năng lực của các tổ chức KH&CN theo hướng chủ động gắn kết với nhu cầu của thị trường và các doanh nghiệp; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo công nghệ trong doanh nghiệp, thúc đẩy sự hình thành và phát triển các doanh nghiệp KH&CN.

Quý Trần (Quý Trần)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem