Từ đại tỷ phú thành con nợ khủng: Chuyện li kì của “vua rừng” xứ Quảng

Công Xuân (Dòng đời) Thứ tư, ngày 20/08/2014 14:22 PM (GMT+7)
Chỉ sau 1 đêm, gần 650 ha rừng bạch đàn và keo đang chuẩn bị thu hoạch, với trị giá ước trên 46 tỷ đồng “tan theo” gió bão, đẩy ông Phạm Trung Trường (65 tuổi), ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), trở thành “con nợ khủng”. Tưởng chừng “vua rừng” đã quỵ ngã thì bất ngờ dự án chăn nuôi khủng của ông Trường ra đời. Và rồi trên những cánh rừng xác xơ vì gió bão quật ngã hôm nào, giờ 2/3 diện tích đã được phủ xanh trở lại. 
Bình luận 0

Chúng tôi trở lại thôn Thọ An, xã Bình An, huyện Bình Sơn, "đại bản doanh" của ông Trường vào một ngày gần giữa tháng 7. Dù đang là đỉnh điểm của mùa hạ, thế nhưng trước những rừng cây keo, bạch đàn đang vươn cao tỏa bóng; những hồ, ao nuôi cá vây quanh cái nắng nóng như đổ lửa của trời xứ Quảng như dịu lại.

Vẫn sự chân tình, cởi mở và nồng nhiệt như hôm nào, ông Trường đã làm cho chúng tôi có cảm giác như không phải đang trò chuyện với người đang mang món nợ khủng trên vai vì trận thiên tai cách đây chưa đầy 5 năm-cơn bão số 9, năm 2009.

Trắng tay sau cơn bão

Còn nhớ cách đây mấy hôm, trong lúc "trà dư tửu hậu" ở thành phố Quảng Ngãi, nghe chúng tôi nói chuẩn bị lên gặp ông Trường, một số người từng quen biết với “vua rừng" lắc đầu: Giờ thì ông này ngày càng “điên nặng". Ngẫm lại thì lời nhận xét đó không sai, nhưng chưa đủ.

Bởi lẽ dù đang gánh món nợ tính cả gốc lẫn lãi đến thời điểm này đã lên trên 30 tỷ đồng nhưng nếu bán đi khối tài sản đang có trong tay để trả nợ, thì ông Trường vẫn còn thừa ra nhiều tỷ đồng, đủ để sống sung túc cả phần đời còn lại của mình.

Tuy nhiên không chọn cách sống đó, gần 2 năm qua, ông Trường còn "bỏ" cả ngôi nhà nằm ngay trung tâm thị trấn Châu Ổ, để lên ở hẳn tại khu rừng của mình nơi "khỉ ho, cò gáy" cách đó gần 20km. Mà đây đâu phải lần đầu ông Trường có quyết định khác người như vậy.

img Ông Trường đang kiểm tra trứng gà nuôi tại trang trại của mình.

 Tham gia cách mạng và hoạt động tại địa phương từ năm 1966, cho đến khi đất nước độc lập và thống nhất ông trở về sinh sống tại thị trấn Châu Ổ, với nhiều công việc làm khác nhau, như: Cán bộ thôn, HTX Nông nghiệp....Đến năm 1985,  ông trở thành "cai thầu" các công trình xây dựng trên địa bàn huyện và vùng lân cận. Vào thời điểm trên thì thầu khoán là công việc "ăn nên làm ra".

Vào giữa năm 1992, vì cám cảnh trước việc đi lại quá khó khăn của người dân thôn Thọ An do chưa có đường, ông Trường đã bỏ tiền giúp làm con đường với bề rộng khoảng 4m và tổng chiều dài khoảng 7,5km.

Thấy số tiền mà ông Trường bỏ ra trên 160 triệu đồng là quá lớn, nên người dân và chính quyền xã Bình An, đã "trả ơn" bằng cách đồng ý cho ông Trường vùng đồi trọc, hoang hóa nằm dọc theo trục đường mới mở từ chân đèo đến trung tâm thôn, với tổng diện tích gần 150ha. Lúc đó không riêng gì vùng đất xa xôi như Thọ An, đất lâm nghiệp ở gần hơn cũng bị bỏ hoang nhiều lắm, chứ không có giá như sau này.

Thật tình lúc đó, ông cũng chưa nghĩ hay có dự tính sẽ làm gì với hàng trăm ha đồi núi trọc đã được cho. Tuy nhiên thấy bỏ trống cũng phí, nên ông đã thuê người trồng bạch đàn, với mục đích là lấy gỗ, làm củi, ông Trường cho biết.

Đến năm 1997, UBND tỉnh mới ra quyết định cấp toàn bộ số diện tích trên cho ông Trường. Tuy nhiên sau khi Chính phủ có chủ trương trồng 5 triệu ha rừng vào năm 1999 và đề nghị cấp thêm khoảng 500ha nữa cũng ở Thọ An vào năm 2002, được UBND tỉnh chấp nhận, ông Trường mới quyết định bỏ nghề thầu để trồng rừng và xây trang trại.

Từ đại tỷ phú trở thành con nợ triệu đô

Trong số khoảng 650ha đất lâm nghiệp đã được cấp để trồng cây nguyên liệu là bạch đàn và keo lai, ông Trường đã quy hoạch khoảng 90ha, là những khu vực đầm lầy, nơi bằng phẳng... để làm trang trại. Cùng với trồng rừng, ông Trường đầu tư để làm các dự án chăn nuôi lớn. Từ năm 2005 đến nay, ông có khoảng 5 dự án vật nuôi trị giá "tiền tỷ” được triển khai. Đầu tiên là nuôi bò lai sin, số lượng khoảng 100 con, tổng số vốn khoảng 1,2 tỷ đồng.

Năm 2009, sau nhiều tháng trời "ăn dầm nằm dề" ở các trại nuôi rắn các tỉnh phía bắc để tìm hiểu và học kinh nghiệm; rồi tham khảo ý kiến của các cán bộ chuyên môn, tìm hiểu thị trường đầu ra... ông Trường đầu tư trên 500 triệu đồng để xây 200m2 chuồng nuôi rắn hổ mang, với số lượng giống là 320 con.

Cũng vào thời gian trên, ông Trường đã đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng, xây 5 hồ bằng xi măng, mỗi hồ rộng 4.000m2, cao khoảng 2m, để nuôi khoảng 10.000 con ba ba... Số lao động thường xuyên cho ông Trường khoảng 200 người/ngày, với lương từ 1,1 - 2 triệu đồng/người/tháng.

Ông Trường tâm sự: “Làm kinh tế thì được mất là chuyện bình thường và đó cũng là quy luật. Làm càng lớn thì lợi nhuận nhiều và rủi ro càng lắm. Tôi chưa thấy có người nào trên đời này tài giỏi đến mức có thể tính hết những rủi ro và bất trắc sẽ xảy ra.

Và bản thân tôi cũng không phải ngoại lệ: 2/5 mô hình thực hiện đã bị thất bại và không mang lại hiệu quả như ý muốn. Với rắn hổ mang, tuy đã thành công trong việc ấp nở con giống, nhưng tỉ lệ sống quá ít.

Rồi cơn bão số 9, năm 2009, chỉ sau 1 đêm, ông bị cuốn trôi gần như hết sạch số baba đã hơn 6 tháng tuổi, trị giá hơn 2 tỷ đồng; hơn 90% tổng diện tích rừng keo, bạch đàn chỉ còn 3-6 tháng nữa là thu hoạch cũng bị gió bão làm ngã đổ và hư hỏng sạch, gây thiệt hại hơn 46 tỷ đồng đẩy ông Trường từ chỗ "đại tỷ phú"  trở thành con nợ khủng, với số tiền trên 20 tỷ đồng.

“Làm kinh tế thì được mất là chuyện bình thường và đó cũng là qui luật. Làm càng lớn thì lợi nhuận nhiều và rủi ro cũng lắm. Tôi chưa thấy có người nào trên đời này tài giỏi đến mức ai cũng có thể tính hết những rủi ro và bất trắc sẽ xảy ra. Và bản thân tôi cũng không phải ngoại lệ: 2/5 mô hình thực hiện đã bị thất bại và không mang lại hiệu quả như ý muốn”. - Ông Phạm Trung Trường

“Đã sợ thì đừng làm”

Một thời gian khá dài sau đó, thấy ông Trường “im hơi, lặng tiếng", dư luận Quảng Ngãi đã nghĩ, người đàn ông đang bước về đoạn cuối của cuộc đời, từng được mệnh danh là "vua rừng" ở Quảng Ngãi đã quỵ ngã vì "đại nạn". Để rồi không ít người lại bất ngờ khi thấy hàng loạt dự án chăn nuôi khủng của ông Trường ra đời.

Vào đầu năm 2011, ông Trường liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (gọi tắt là C.ty C.P)-Tập đoàn C.P Thái Lan, xây trại rộng khoảng 30ha, trong đó diện tích xây dựng khoảng 10ha, thả nuôi 50.000 con gà đẻ và 50.000 con gà thịt; 3.000 heo thịt và nái.

Theo đó ông Trường bỏ tổng số tiền xây dựng cơ sở hạ tầng và chuồng trại là khoảng 37 tỷ đồng. Còn phía C.P thì cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật, thức ăn và bao tiêu sản phẩm. Theo đó mỗi trứng gà thành phẩm ông sẽ được hưởng lợi đối với loại 1 là 200 đồng/quả và loại 2 là 150 đồng/quả.

Nói về thu nhập của 2 vật nuôi này, ông Trường không giấu giếm: mỗi lứa heo khoảng 6 tháng, thu về khoảng 500 triệu đồng. Còn với gà, thì tỉ lệ đẻ bình quân đạt khoảng 90%, mang lại lợi nhuận khoảng 5 triệu đồng/ngày, tương đương 180 triệu đồng/tháng, khoảng 2,16 tỷ đồng/năm.

Từ số tiền này, ông Trường tái đầu tư vào khôi phục lại diện tích rừng đã hư hỏng trước đó. Và đến nay gần 2/3 tổng diện tích rừng được cấp, ước khoảng gần 400ha đã được trồng lại, với tuổi đời hiện từ 1-3 tuổi.

img 

Nói về mình, ông Trường tâm sự: “Mỗi người có một suy nghĩ riêng. Người khác sao thì không biết, thế nhưng với tôi "sợ thì đừng làm", mà một khi đã làm thì phải "ra tấm, ra miếng", chứ làm nhỏ, vụn vặt thì tốn công, mất thời gian. Còn việc nhiều người nói tôi liều, hay điên cũng không sai.

Thế nhưng, cái liều, cái điên của tôi không phải là cái liều của "Chí Phèo", mà là có sự tính toán và đã tìm hiểu trên cơ sở thực tiễn cụ thể. Hơn nữa ông bà ta đã từng nói "có gan mới làm giàu" đó sao. Vì vậy, tôi quyết bám rừng đến khi nào kiệt sức mới thôi”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem