Từ giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp, trai vùng cao thành ông chủ của đàn gà Mông cả nghìn con

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 11/02/2021 09:58 AM (GMT+7)
Từ bệ phóng là cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp, Nguyễn Thanh Bình ở xã Cát Thịnh (Văn Chấn, Yên Bái) đã thành công với mô hình nuôi gà Mông. Bình chỉ là một trong số nhiều sinh viên thành công từ chương trình do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức.
Bình luận 0

Từ dự án khởi nghiệp nông nghiệp thành chủ trại gà Mông nổi tiếng

Là một trong những cựu sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trưởng thành từ cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp do Học viện tổ chức, hiện anh Nguyễn Thanh Bình sinh năm 1996, trú tại thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh (Văn Chấn, Yên Bái) đã trở thành chủ một trại nuôi gà Mông nổi tiếng.

Được biết, Nguyễn Thanh Bình học khóa 59, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn (Học viện Nông nghiệp Việt Nam). 

Năm 2017, tại cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, Bình cùng một nhóm 4 bạn sinh viên khác đã hình thành ý tưởng Dự án chăn nuôi và bảo tồn giống gà Mông. 

Được đánh giá cao bởi tính thực tiễn và ý nghĩa xã hội, dự án của Bình đã giành giải Ba cuộc thi.

Mang dự án đến với Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI tổ chức, cùng với sự giúp đỡ của thầy cô giáo trong Học viện và thành viên trong Câu lạc bộ Khởi nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, dự án của Bình đã xuất sắc giành được giải Nhất chung cuộc.

Từ bệ phóng này, đầu năm 2018, Bình đầu tư 70 triệu đồng xây dựng chuồng trại để nuôi gà Mông.

Từ giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp, trai vùng cao thành ông chủ của đàn gà Mông cả nghìn con - Ảnh 1.

Từ một cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp, Nguyễn Thanh Bình ở Cát Thịnh (Văn Chấn, Yên Bái) đã trở thành chủ một trại nuôi gà Mông nổi tiếng. Ảnh: Báo Yên Bái.

Đến nay, đàn gà Mông của Bình đã sinh sôi nảy nở trên 1.000 con. Hàng tháng, Bình xuất ra thị trường khoảng 200 - 500 con giống, đáp ứng nhu cầu của bà con chăn nuôi trên địa bàn huyện cũng như một số tỉnh lân cận. 

Hiện, gà Mông thường dao động từ 200.000 - 250.000 đồng/kg và mỗi tháng mô hình của Bình cho thu nhập khoảng 6 - 7 triệu đồng đã trừ hết chi phí.

Địa chỉ tin cậy về khởi nghiệp nông nghiệp

Học viện Nông nghiệp Việt Nam rất quan tâm đến các dự án khởi nghiệp nông nghiệp. Từ rất sớm – năm 2014, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã khởi xướng và tổ chức cuộc thi "Khởi nghiệp nông nghiệp". 

Một số dự án từ chương trình "Khởi nghiệp nông nghiệp" đã đạt thành tích cao trong các cuộc thi "Khởi nghiệp quốc gia"; không ít dự án đã phát triển thành các doanh nghiệp, mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Từ giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp, trai vùng cao thành ông chủ của đàn gà Mông cả nghìn con - Ảnh 2.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) luôn ưu tiên hỗ trợ các dự án khởi nghiệp nông nghiệp.

Trong 2020, Chương trình "Khởi nghiệp nông nghiệp" trong sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận được sự đồng hành tổ chức của Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu - VCIC (Bộ Khoa học và Công nghệ), sự giúp đỡ của Chương trình khởi nghiệp quốc gia cùng nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế. 

12 dự án xuất sắc nhất, có tính sáng tạo, khả thi cao, khai thác các tiềm năng, lợi thế hoặc giải quyết các vấn đề cụ thể, thực tiễn của xã hội được lựa chọn tham dự vòng chung kết. 

Tham gia tranh tài tại vòng chung kết đầy kịch tính và hấp dẫn này, dự án Vibale - Nâng cao giá trị lá chuối Việt giành chiến thắng chung cuộc. Dự án Cải tiến và phát triển sản phẩm truyền thống từ gạo và hoạt chất thiên nhiên của nhóm sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam giành giải Nhì.

Để hỗ trợ các sinh viên tham gia khởi nghiệp nông nghiệp, năm 2015, Học viện Nông nghiệp Việt Nam còn thành lập Trung tâm Ươm tạo công nghệ nông nghiệp (Cati). 

Sau 5 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã xây dựng được danh mục hơn 120 công nghệ, sản phẩm khoa học công nghệ tiềm năng, trong đó có 30 công nghệ được Trung tâm hỗ trợ và ươm tạo, hỗ trợ hoàn thiện công nghệ, đăng ký bảo hộ và các tiêu chuẩn tương đương đồng thời phối hợp với doanh nghiệp tổ chức sản xuất, quảng bá thương hiệu….;

Từ những thành công ban đầu của Cati, trên cơ sở hợp nhất hai đơn vị Trung tâm Ươm tạo Công nghệ Nông nghiệp và Trung tâm chuyên gia, ngày 24/03/2020 Trung tâm Đổi mới sáng tạo nông nghiệp (Agrinnovation) được thành lập.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đây sẽ là nơi để các nhóm nghiên cứu và chuyên gia triển khai các hoạt động nghiên cứu và hợp tác quốc tế cụ thể, đóng góp về mặt khoa học và tham vấn chính sách trong các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, nghiên cứu chiến lược và xây dựng mạng lưới tổ chức. 

"Một trong những mục tiêu được Trung tâm Đổi mới sáng tạo nông nghiệp ưu tiên là thúc đẩy chuyển giao và thương mại hóa công nghệ nông nghiệp; xây dựng các dự án đổi mới sáng tạo và thu hút đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo; ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp spin – off mang thương hiệu Học viện và cung cấp các dịch vụ đăng ký và thương mại hóa các sở hữu trí tuệ", GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem