Tự thân con tôm không thể một bước "từ nhà ra cao tốc"

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 29/08/2019 21:17 PM (GMT+7)
Hiệp định EVFTA được ví như "đường cao tốc" rộng mở cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam, trong đó có con tôm. Nhưng bản thân ngành tôm không thể tự mình đi một bước từ nhà lên ngay được cao tốc này.
Bình luận 0

Với tư cách khách mời danh dự, ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam đánh giá như thế tại Hội nghị Cơ hội và thách thức cho ngành tôm Việt Nam khi tham gia EVFTA, tổ chức tại TP.HCM, chiều ngày 29/8.

img

Thị trường EU nhập khẩu 23% tôm từ Việt Nam

Hiện EU chiếm khoảng 31% tổng nhập khẩu tôm thế giới và 23% xuất khẩu tôm Việt Nam. Nếu biết tận dụng ưu đãi thuế quan, áp dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU sẽ có cơ hội gia tăng từ năm 2020.

Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường này trong nửa cuối năm 2019 chưa thể phục hồi sớm như kỳ vọng.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 40% mục tiêu đặt ra. Sự sụt giảm sâu của ngành tôm là 1 thách thức cho tăng trưởng toàn ngành thủy sản.

Có nhiều nguyên nhân được nêu ra, trong có đề cập đến chi phí đầu vào tăng cao như giá điện, nước, xăng dầu, môi trường; lương tối thiểu vùng tăng liên tục; các qui định về giờ lao động chưa hợp lý… Thêm vào đó, thủy sản Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm chủ lực nên lệ thuộc rất nhiều vào biến động thị trường, lợi nhuận thấp và chịu sức ép cạnh tranh lớn.

img

Ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam

Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Hiệp định WTO lúc trước cũng được dự báo sẽ mang lại vận hội mới. Nhưng thực tế, quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn. Có ngành hàng tăng nhưng cũng có ngành chậm. Tỷ lệ bứt phá trong ngành tôm hiện vẫn chưa cao.

Ông Thắng cho rằng để con tôm bứt phá nhanh hơn, các doanh nghiệp phải làm cho tôm có giá tốt thay vì hy vọng giá tôm thế giới tăng cao. Ngành tôm cần tập trung cho các vấn đề xuất xứ và truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy áp dụng công nghệ vào hoạt động nuôi tôm, tận dụng tốt các cơ hội thuế quan các hiệp định thương mại thế hệ mới.

img

Ngành tôm cần thêm sự phối hợp của nhiều ngành liên quan để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu

“Tuy nhiên, thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng còn nhiều việc phải giải quyết. Nỗ lực của nông dân cũng gần như tới hạn. EVFTA sẽ sớm được phê chuẩn nhưng nội lực của một ngành không thể gánh vác hết được trách nhiệm”, ông Thắng nói.

Đồng tình, ông Matthieu Penot - Đại diện Liên minh châu Âu cho biết ngay cả khi miễn thuế, thị trường châu Âu vẫn đặt yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm. 

“Vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt mong muốn đưa 2 bên xích lại gần nhau hơn, đảm bảo nhu cầu của người dùng châu Âu”, ông Mathew nói.

img

Giá tôm nguyên liệu và giá tôm xuất khẩu không còn giảm mạnh như những tháng đầu năm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo thông tin từ VASEP, 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1,8 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2018. Tốc độ giảm đã chậm lại nhờ xuất khẩu tăng trưởng dương trong tháng 7, đạt trên 334 triệu USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Giá tôm nguyên liệu và giá tôm xuất khẩu không còn giảm mạnh như những tháng đầu năm và đã có chiều hướng tăng, nhu cầu thị trường đã sôi động hơn là một trong những yếu tố giúp xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng tích cực trong tháng 7/2019.

Năm 2019, ngành tôm đặt mục tiêu đạt kim ngạch khoảng 4,2 tỷ USD. Để làm được việc này, trước mắt lẫn dài hạn các yếu tố cấp bách cần giải quyết đó là phải tạo ra nguồn tôm sạch, truy suất nguồn gốc, giá bán cạnh tranh với các thị trường khác như: Ấn Độ, Ecuador…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem