Từ vụ Louis Holdings: Thanh lọc cổ phiếu “rác” và kiến nghị sửa luật
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa kết luận điều tra bổ sung vụ án thao túng chứng khoán đối với 8 bị can liên quan đến Công ty cổ phần Louis Holdings.
Theo kết luận điều tra, ông Đỗ Thành Nhân – cựu Chủ tịch HĐQT Louis Holdings đã cấu kết, thông đồng với Đỗ Đức Nam (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt – mã TVB) để thực hiện hành vi thâu tóm, thổi giá cổ phiếu BII và TGG.
Các bị can thực hiện việc thao túng thông qua việc sử dụng nhóm 20 tài khoản chứng khoán đứng tên Nhân và các cá nhân là người thân, nhân viên của Nhân.
Nhân và Nam thống nhất về việc khớp lệnh giao dịch, số lượng, khối lượng, thời gian, nguồn tiền, dòng tiền luân chuyển vào các tài khoản để mua, bán theo diễn biến giá cổ phiếu.
Theo thỏa thuận, Nam là người lo nguồn vốn và được Nhân trả 4% ngoài hợp đồng vay vốn từ Công ty Quản lý tài sản Trí Việt.
Vào tháng 8/2021, Nhân lập group Facebook Louis Family để hô hào, đưa ra mục tiêu giá cổ phiếu nhằm lôi kéo nhà đầu tư, tăng thanh khoản cho cổ phiếu. Giá cổ phiếu BII liên tiếp tăng trần và lập đỉnh với giá 33.800 đồng/cp (gấp 10 lần giá mua vào) vào ngày 18/9/2021. Tương tự, giá cổ phiếu TGG lập đỉnh với giá 74.800 đồng/cp (gấp 37 lần giá mua vào) vào ngày 22/9/2021. Các bị can đã chốt lời, thu lợi bất chính hơn 154,7 tỷ đồng.
Đơn vị thu xếp vốn cho nhóm ông Nhân là Công ty Quản lý tài sản Trí Việt (mã TVC). Từ năm 2021, TVC giải ngân cho nhóm ông Nhân vay hơn 1.213 tỷ đồng, trong đó có hơn 748 tỷ đồng mua bán các mã chứng khoán, trong đó có BII, TGG.
Xác minh tại TVB và TVC, ông Phạm Thanh Tùng (cựu Chủ tịch HĐQT của TVB, TVC) là người chỉ đạo định hướng đi sâu một số mã chứng khoán loại 2, loại 3 (cổ phiếu rác) và phê duyệt danh mục cho vay, tỷ lệ cho vay đối với 300 mã trong đó có mã BII và TGG. Ông Tùng cũng chỉ đạo bộ phận kinh doanh báo cáo giao dịch 30 phút một lần hàng ngày trên ứng dụng skype…
LỖ HỔNG PHÁP LÝ VÀ KIẾN NGHỊ SỬA LUẬT
Theo cơ quan điều tra, qua công tác điều tra, xử lý vụ án trên thấy một số sơ hở, thiếu sót trong quy định pháp luật về hoạt động chứng khoán để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.
Theo đó, việc mở tài khoản chứng khoán dễ dàng, không kiểm soát nên các đối tượng đã lợi dụng thuê, nhờ người khác mở tài khoản để sử dụng các tài khoản này để mua, bán tạo cung cầu giả, đẩy giá lên cao để thu lợi bất hợp pháp.
Việc kiểm soát vay vốn theo hình thức vay hợp tác đầu tư còn nhiều sơ hở, pháp luật chưa kịp điều chỉnh. Các đối lượng đã lợi dụng sử dụng Công ty chứng khoán và Công ty thứ ba để lách luật ký hợp đồng cho khách hàng vay (dưới dạng hợp tác đầu tư/hình thức góp vốn khác) với lãi suất cố định để thu lợi, từ đó các đối tượng có nguồn tiên giao dịch, mua bán, đẩy giá, thao túng tăng tính thanh khoản các mã cổ phiếu “rác”, thu lời bất chính.
Tội phạm về thao túng thị trường chứng khoán diễn ra rất tinh vi, có tính tổ chức, gây ảnh hưởng và thiệt hại rất lớn đến nhà đầu tư và chính sách quản lý nhà nước đối với thị trường tài chính nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng. Tuy nhiên Bộ luật Hình sự đang quy định mức hình phạt liên quan đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán còn rất thấp (phạt tiền cao nhất là 04 tỷ đồng, hình phạt tù cao nhất là 07 năm; hình phạt tiền bồ sung cao nhất là 250.000.000 đồng) không đảm bảo sự răn đe, phòng ngừa.
Việc thiếu kiểm soát hoạt động của các mạng xã hội, để các đối tượng lợi dụng thành lập các hội, nhóm kín để hô hào, kích động, lôi kéo nhà đầu tư; để điều khiển và thao túng thị trường, thu lợi bất chính cho cá nhân và gây thiệt hại cho các nhà đầu tư bị lôi kéo và thiếu thông tin.
Hiện nay chưa có các quy định, hướng dẫn làm cơ sở pháp lý trong việc xác định thiệt hại cho các khách hàng tham gia mua bán các mã chứng khoán trong giai đoạn bị thao túng để có căn cứ xác định thiệt hại.
Từ đó, Bộ Công an kiến nghị đối với Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán nhà nước:
Thứ nhất là nghiên cứu, tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật (Bộ luật hình sự, Luật Chứng khoán, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành) liên quan đến hoạt động của thị trường chứng khoán để bịt kín sơ hở, bất cập; tăng tính răn đe và phòng ngừa chung theo hướng:
Tăng hình phạt, tăng mức xử phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán;
Quy định mỗi số điện thoại/email chỉ được sử dụng để mở duy nhất 01 tài khoản chứng khoán/Công ty chứng khoán;
Quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, quy trình, hạn mức, tỷ lệ cho vay đối với các mã chứng khoán thuộc diện kiểm soát, có thanh khoản thấp, không thuộc diện cho vay margin đối với Công ty chứng khoán và Công ty tài chính;
Quy định giải pháp kỹ thuật để kiểm soát giao dịch của các cổ đông nội bộ theo hướng gắn trách nhiệm kiểm soát cho Công ty chứng khoán chỉ cho phép cổ đông nội bộ giao dịch khi đã công bố thông tin đúng quy định; đồng thời nghiêm cấm người nội bộ bình luận về giá cổ phiếu của doanh nghiệp mà họ đang quản lý và quy định chế tài xử lý nghiêm khắc;
Thứ hai là phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sớm ban hành quy định, hướng dẫn làm cơ sở pháp lý trong việc xác định thiệt hại cho các nhà đầu tư bị thiệt hại do hành vi thao túng dế có căn cứ xác định cấu thành tội phạm của các tội phạm về chứng khoán;
UBCKNN và các Sở Giao dịch chứng khoán cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, ổn định thị trường chứng khoán; đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động minh bạch, lành mạnh;
Kịp thời phát hiện các giao dịch của các mã cổ phiếu nghi vấn, đáng ngờ được lôi kéo, hô hào thông qua các hội nhóm online, các diễn đàn, mạng xã hội, biến động giá bất thường có dấu hiệu nghi vấn thao túng; để kịp thời hoặc phối hợp với Cơ quan quản lý Nhả nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động chứng khoán, đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung;
Thứ ba, cơ quan điều tra đề nghị UBCKNN xem xét xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho mượn tài khoản chứng khoán dẫn đến hành vi thao túng chứng khoán.