Từng là nông dân sản xuất giỏi, "thủ lĩnh" nông dân An Giang sẽ làm gì nếu trở thành đại biểu HĐND tỉnh?

Hồng Cẩm Thứ tư, ngày 12/05/2021 07:59 AM (GMT+7)
Trưởng thành từ công tác đoàn thể, từng là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, ông Nguyễn Văn Nhiên - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang đề ra nhiều nhiệm vụ thiết thực từ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, giúp hội viên nông dân tỉnh nhà nếu được trúng cử đại biểu HĐND tỉnh.
Bình luận 0

Lợi thế từ kinh nghiệm nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Chia sẻ với phóng viên, ông Nhiên cho biết, ông xuất thân từ bộ đội, nhưng trưởng thành từ công tác đoàn thể. Ông từng làm công tác đoàn Thanh niên, rồi Liên đoàn lao động, đến năm 2019 ông được phân công làm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang.

Từng là nông dân sản xuất giỏi "thủ lĩnh" nông dân An Giang sẽ làm gì nếu trở thành đại biểu HĐND tỉnh? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Nhiên (áo xanh) - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang từng là nông dân giỏi cấp tỉnh.

Kể về câu chuyện từng là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, ông Nhiên cho biết, quê ông ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Giai đoạn những năm 1987-1989, lúc ông còn công tác Đoàn thanh niên, địa phương của ông bà con chủ yếu canh tác lúa, nhưng hiệu quả không cao. Bản thân được đi tham quan các mô hình mới, được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xem báo đài… nên ông mạnh dạn chuyển đất ruộng gia đình đang canh tác lúa sang làm vườn và nuôi cá.

Loại cây ông chọn thí điểm thời điểm ấy là cây táo và ông đã thành công. Mô hình mới, không cạnh tranh, trúng mùa, trúng giá. Và mô hình vườn của gia đình ông được địa phương chọn làm mô hình điểm nhân rộng cho bà con nông dân. Năm 1989 ông được Xã đoàn giới thiệu đăng ký nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và ông vinh dự đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

"Từ kinh nghiệm của bản thân, kinh nghiệm gần 30 năm làm công tác vận động quần chúng, tôi rút ra kinh nghiệm, đối với nông dân muốn thành công thì phải luôn luôn sáng tạo, phải nhạy bén với cái mới. Trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực nhưng lợi nhuận không cao thì nông dân phải thích ứng với xu thế thị trường, thích ứng với mô hình mới, nắm bắt và thực hiện.

Ngày nay bà con nông dân phải xác định sản xuất theo nhu cầu thị hiếu của thị trường, sản xuất để bán thì phải theo nhu cầu của người mua, chứ không phải sản xuất theo ý mình, sản xuất để ăn. Nên bà con nông dân phải chuyển tư tưởng sản xuất hàng hoá, sản xuất phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; ứng dụng khoa học kỹ thuật để giảm giá thành đầu vào, nâng giá trị sản phẩm đầu ra, mới mang lại lợi nhuận cao.

Từng là nông dân sản xuất giỏi "thủ lĩnh" nông dân An Giang sẽ làm gì nếu trở thành đại biểu HĐND tỉnh? - Ảnh 2.

Ông Nhiên (người thứ 3 từ trái sang) luôn gần gũi và lắng nghe ý kiến của hội viên nông dân.

Qua đi thực tế nhiều, tôi nhận thấy hầu hết những nông dân sản xuất giỏi đều rất sáng tạo, đi theo hướng mới, đi đầu cũng có khi thất bại nhưng đa phần đều thành công do sản phẩm mới, lợi nhuận cao"- ông Nhiên chia sẻ.

Từ kinh nghiệm đó, trong hơn 2 năm là "thủ lĩnh" nông dân An Giang, trong chương trình hoạt động của mình, ông Nhiên luôn hướng đến chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, hướng nông dân sản xuất quan tâm đến chất lượng và an toàn thực phẩm; hướng nông dân tham gia vào tổ hợp tác, dần nâng lên HTX để nông dân hợp tác với nhau mới đủ mạnh, có điều kiện cạnh tranh, ký kết với doanh nghiệp.

Để có mô hình mới, Hội Nông dân An Giang đã sử dụng nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân để hỗ trợ. Nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh luôn được ưu tiên đầu tư những mô hình mới để lấy đó nhân rộng. Sau đó sẽ giới thiệu cho các cấp chính quyền địa phương để các cấp chính quyền tiếp tục lãnh đạo địa phương triển khai nhân rộng mô hình đó bằng các nguồn vốn khác.

Từ cách làm đó mà An Giang có nhiều mô hình hay mang lại hiệu quả cao, như: nhãn cơm vàng của Khánh Hòa (Châu Phú), bưởi da xanh, sầu riêng, xoài, đặc biệt xoài cát hòa lộc vùng núi (Tri Tôn), tổ nghề nghiệm ương giống cá lóc…

Qua các mô hình thực tiễn, hỗ trợ vốn, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân phát triển sản xuất… công tác vận động quần chúng vào tổ chức Hội cũng thuận lợi hơn, chất lượng hơn. Hàng năm bình quân Hội Nông dân tỉnh An Giang phát triển mới 2.000 hội viên, vượt 10- 15% chỉ tiêu kế hoạch. Qu đó tỷ lệ nông dân tham gia phong trào thi đua sản xuất giỏi cũng cao, hàng năm toàn tỉnh có khoảng 80.000 nông dân giỏi, trong đó có khoảng 8.000 nông dân đạt nông dân giỏi cấp tỉnh.

Sẽ cố gắng hết sức mình vì hội viên nông dân

"Tính đến nay đã gần 30 năm tôi công tác ở lĩnh vực đoàn thể nên công tác vận động quần chúng cũng trở nên quen thuộc. Đặc biệt bản thân tôi từng là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nên tôi có nhiều kinh nghiệm, thuận lợi để giúp bà con hội viên nông dân hơn. Chính từ đó mà sau 2 năm công tác Hội Nông dân tôi luôn gần gũi nông dân, lắng nghe nông dân để hỗ trợ nông dân nên được cấp ủy chính quyền địa phương, các cấp Hội và nông dân quý mến.

Từng là nông dân sản xuất giỏi "thủ lĩnh" nông dân An Giang sẽ làm gì nếu trở thành đại biểu HĐND tỉnh? - Ảnh 3.

Từng là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nên ông có nhiều kinh nghiệm thiết thực đễ giúp hội viên nông dân.

Được sự giới thiệu của UBMTTQ tỉnh và cử tri nơi cư trú tín nhiệm, tôi rất vinh dự và vui mừng được ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, đơn vị bầu cử số 16 - huyện Chợ Mới. Nếu trúng cử, tôi sẽ có cơ hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân quê nhà, có điều kiện hơn đóng góp phần nhỏ bé của mình cùng bà con xây dựng quê hương Chợ Mới ngày thêm phát triển.

Nếu được cử tri tin tưởng tín nhiệm, bầu làm đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026 tôi sẽ luôn bám sát nhiệm vụ, quyền hạn pháp luật quy định, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người cán bộ trên cương vị công tác và nhiệm vụ của người đại biểu HĐND tỉnh"- ông Nhiên chia sẻ

Cụ thể ông Nguyễn Văn Nhiên cho biết, sẽ luôn gần gũi, giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; lắng nghe, thường xuyên nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của nhân dân. Tiếp thu, phản ánh trung thực với HĐND, mạnh dạn đề đạt các ý kiến tại các diễn đàn kỳ họp về những vấn đề mà cử tri bức xúc và quan tâm với cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết và đôn đốc, theo dõi, giám sát việc giải quyết các kiến nghị và báo cáo lại cho cử tri tại những kỳ họp.

Với trách nhiệm là "thủ lĩnh" nông dân tỉnh nhà. ông Nhiên sẽ thường xuyên đi cơ sở để nắm bắt thực trạng tình hình nông nghiệp, nông thôn, nông dân; những băn khoăn, trăn trở, bức xúc của nông dân; những vấn đề bất cập hoặc chưa phù hợp trong thực hiện một số cơ chế chính sách của tỉnh để báo cáo với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.

Đồng thời, chỉ đạo các cấp Hội Nông dân thường xuyên quan tâm tới quyền, lợi ích của hội viên, nông dân, nắm bắt tình hình, kịp thời phản ánh với cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan hữu quan các cấp khi phát hiện biểu hiện vi phạm pháp luật về quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.

"Với vai trò là người đứng đầu tổ chức đại diện cho giai cấp nông dân của tỉnh, lại xuất thân từ gia đình nông dân, nông thôn, tôi luôn thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Bản thân luôn trăn trở, suy nghĩ để đề đạt đến các cơ quan Trung ương và địa phương cần có các chính sách và giải pháp hợp lý để thúc đẩy phát triển nông nghiệp một cách bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân, nhất là vùng nông thôn"- ông Nhiên chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem