Tuyến cao tốc từ Tân Phú đến Liên Khương: Ước mơ của người dân và chính quyền qua 4 nhiệm kỳ

Văn Long Thứ tư, ngày 13/07/2022 06:00 AM (GMT+7)
Tuyến cao tốc từ Tân Phú đến Liên Khương là ước mơ của người dân và chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng trong nhiều năm qua, tuyến đường sẽ thúc đẩy, phát triển kinh tế-xã hội, đổi mới toàn diện địa phương.
Bình luận 0

Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc theo phương thức đối tác công tư sau khi cập nhật, bổ sung hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Trong khi đó, tuyến cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai theo hình thức đối tác công tư. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang hoàn tất các thủ tục, hồ sơ để tiến hành khởi công xây dựng hai tuyến cao tốc trên. Dự kiến, trong năm 2025 hoặc chậm nhất năm 2026 sẽ thi công xong toàn tuyến và đưa vào khai thác, sử dụng.

Tuyến cao tốc từ Tân Phú đến Liên Khương: Ước mơ của người dân và chính quyền qua 4 nhiệm kỳ - Ảnh 1.

Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương sẽ kết nối với cao tốc Liên Khương-Prenn hiện hữu. Ảnh: Văn Long.

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Hữu Hiệp – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương là ước mơ của người dân và chính quyền địa phương trong 4 nhiệm kỳ qua. Đến nay với tinh thần quyết liệt của UBND tỉnh và sự thống nhất của Chính phủ thì dự án này cần được triển khai càng sớm càng tốt.

Quốc lộ 20 theo thiết kế chỉ có 14.000 xe/ngày đêm, nhưng hiện nay đã vượt trên 20.000. Kẹt xe cục bộ thường xuyên nên đã kìm hãm sự phát triển kinh tế của Lâm Đồng. Khi cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương được hình thành sẽ giải quyết được bài toán trên. Hiện, tỉnh Lâm Đồng đang quyết tâm sớm triển khai dự án trên, đến tháng 12/2022 sẽ hoàn tất các thủ tục để thực hiện đấu thầu, tháng 6/2023 sẽ khởi công".

Tuyến cao tốc từ Tân Phú đến Liên Khương: Ước mơ của người dân và chính quyền qua 4 nhiệm kỳ - Ảnh 2.

Ông Trương Hữu Hiệp trao đổi với phóng viên về quy trình thực hiện các bước để hoàn thiện hồ sơ trước khi khởi công hai tuyến cao tốc tại Lâm Đồng. Ảnh: Văn Long.

Trong khi đó, ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Tuyến cao tốc trên được hình thành và đi vào hoạt động sẽ định hình tương lai phát triển của tỉnh, thay đổi toàn diện bộ mặt tỉnh Lâm Đồng.

"Khi cao tốc đi vào hoạt động, điều đầu tiên phải ghi nhận đó là thời gian vận chuyển hàng hóa. Hiện nay, từ Đà Lạt đi TP. Hồ Chí Minh hết 8-9 tiếng, thậm chí ngày lễ, Tết sẽ mất đến 10 tiếng. Cao tốc hoàn thành chỉ còn chậm nhất 4 tiếng, tiết kiệm rất nhiều nhiên liệu. Tuyến đường này kết nối Lâm Đồng với các tỉnh Đông Nam Bộ, vận chuyển rau hoa, nông sản, nguyên vật liệu, máy móc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Ngoài ra, chúng ta có thể phát triển được quỹ đất 2 bên đường. Quy hoạch gắn với đường cao tốc, đặc biệt là ở những điểm gần các nút giao. Chúng ta có thể làm khu đô thị, các khu điểm công nghiệp hay các dự án kinh tế khác. Từ đó, giá trị đất đai, dự án...sẽ tăng lên rất nhiều", ông Hiệp nhận định.

Tuyến cao tốc từ Tân Phú đến Liên Khương: Ước mơ của người dân và chính quyền qua 4 nhiệm kỳ - Ảnh 3.

Ông Trần Văn Hiệp trao đổi với phóng viên về tuyến đường cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương. Ảnh: Văn Long.

Cũng theo ông Hiệp, tuyến cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc có chiều dài 66km, dự tính tuyến đường sẽ được làm với chiều rộng 17m để đồng bộ với các dự án thành phần khác trong toàn tuyến cao tốc từ Dầu Giây đến Liên Khương.

Tuyến cao tốc thành phần Tân Phú-Bảo Lộc có kinh phí thực hiện dự án khoảng 16.220 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm 6.500 tỷ đồng. Tỉnh Lâm Đồng cam kết bố trí kinh phí trong chu kì 2022-2025 là 4.500 tỷ đồng.

Hiện nay, dự phòng ngân sách của tỉnh Lâm Đồng để thực hiện dự án này có khoảng 3.700 tỷ đồng. Ngoài ra, Trung ương cũng thống nhất bố trí 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ Lâm Đồng giải phóng mặt bằng và thi công.

Tuyến cao tốc từ Tân Phú đến Liên Khương: Ước mơ của người dân và chính quyền qua 4 nhiệm kỳ - Ảnh 4.

Dự đoán lượng xe tham gia giao thông trên tuyến cao tốc Tân Phú - Liên Khương qua các năm. Ảnh: CTV.

"Cái vướng lớn nhất của chúng ta hiện nay là chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Cơ bản Bộ NNPTNT đã trình và được thẩm định, hiện đang xin ý kiến các bộ, ngành lần cuối trước khi Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, các cấp, các ngành đặc biệt tỉnh Lâm Đồng phải cố gắng để khởi công chậm nhất vào tháng 6/2023.

Tỉnh Lâm Đồng sẽ cố gắng rút gọn những điều kiện, thủ tục để khởi công sớm hơn so với thời gian mà Thủ tướng quy định. Tuy nhiên, các hồ sơ, thủ tục phải được thực hiện đúng quy định", ông Hiệp thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem