Tuyển sinh lớp 10 năm 2021 ở TP.HCM có gì mới?

Bạch Dương Thứ ba, ngày 02/03/2021 14:46 PM (GMT+7)
Năm 2021, dự kiến kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của TP.HCM vẫn diễn ra vào đầu tháng 6 với 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ.
Bình luận 0
Năm 2021: Thi vào lớp 10 ở TP.HCM có gì mới? - Ảnh 1.

Học sinh dự thi vào lớp 10 năm 2020 tại TP.HCM

Tuyển sinh lớp 10 năm 2021 có thay đổi nhỏ

Dự kiến, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2021 của TP.HCM diễn ra như mọi năm vào đầu tháng 6, với 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Học sinh thi vào trường chuyên hoặc lớp chuyên phải dự thi một môn chuyên tương ứng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết, mặc dù ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhưng kế hoạch năm học 2020-2021 không có nhiều thay đổi, kể cả trường có học sinh cần phụ đạo, do có 2 tuần dự phòng để ôn tập và củng cố cho học sinh.

Tuy nhiên, năm nay có thay đổi nhỏ trong kỳ thi vào lớp 10 ở môn thi Tiếng Anh, dự kiến tăng thêm 4 câu hỏi, nâng tổng số lên 40 câu hỏi trong đề thi. Lãnh đạo Sở GDĐT TP.HCM cho hay, tăng số lượng câu hỏi nhưng về cơ bản đề vẫn giống mọi năm.

Đề thi tuyển sinh lớp 10 gồm những gì?

Đề đảm bảo mức độ đáp ứng nhu cầu tuyển sinh, theo khuynh hướng đổi mới để học sinh sử dụng kỹ năng tiếng Anh vào thực tế cuộc sống nhưng vẫn bám sát chương trình. Đề thi tăng cường từ vựng, ngữ nghĩa của câu. Việc tăng câu hỏi trong đề không làm cho đề thi khó hơn, mà mục đích để đánh giá bao quát việc học của học sinh.

Đề thi môn Toán gồm các dạng toán cơ bản thuần túy về đồ thị, hàm số, phương trình, các dạng toán thực tế, toán hình học. Các câu hỏi kiến thức cơ bản sẽ chiếm 5,5 điểm, còn lại là những bài toán từ thực tế.

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn sẽ gồm ba phần: Đọc hiểu (3 điểm), Nghị luận xã hội (3 điểm) và Nghị luận văn học (4 điểm).

Phần Đọc hiểu, các văn bản được chọn là văn bản thông tin, nghị luận xã hội, văn bản khoa học… Câu hỏi được tổ chức theo mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận. Câu hỏi có thể yêu cầu phát hiện, nhận diện, giải thích từ ngữ; câu hỏi nêu nội dung văn bản; câu hỏi yêu cầu phân tích, đánh giá, liên hệ, so sánh, sáng tạo nội dung mới… Khi làm phần này, học sinh phải đọc toàn bộ văn bản để nắm nội dung, trả lời ngắn gọn, rõ ràng theo đúng yêu cầu của đề, tránh lan man, dài dòng không cần thiết.

Phần Nghị luận xã hội trong bài thi vào lớp 10 phải đảm bảo đủ ba phần mở bài, thân bài, kết bài. Cần vận dụng phối hợp các thao tác lập luận vào bài làm, đặc biệt là thao tác giải thích, chứng minh, bình luận. Khi bàn luận, học sinh cần rút ra bài học cho chính mình.

Phần Nghị luận văn học sẽ có hai lựa chọn. Đề 1 là phân tích, cảm nhận tác phẩm thơ, truyện trong chương trình. Từ đó đặt ra yêu cầu sáng tạo, mở rộng (liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống, làm sáng rõ một ý kiến…). Đề 2 có cách hỏi mới hơn, gợi mở hơn. Học sinh nên căn cứ vào việc nắm vững kiến thức và kỹ năng khi lựa chọn đề để làm. Để làm tốt câu nghị luận văn học trong kỳ thi lớp 10, học sinh cần nắm vững nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm được học. Cần vận dụng thành thạo thao tác phân tích khi làm câu này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem