VAMC dự kiến thu hồi 50.000 tỷ đồng nợ xấu

31/05/2020 10:41 GMT+7
Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đặt mục tiêu năm nay xử lý 50.000 tỷ đồng dư nợ gốc và mua 5.000 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường.

Theo báo cáo mới công bố, dư nợ gốc VAMC đã xử lý năm ngoái khoảng 69.780 tỷ đồng. Công ty đã mua 381 khoản nợ xấu của 9 tổ chức tín dụng bằng trái phiếu đặc biệt. Tổng dư nợ gốc nội bảng hơn 20.500 tỷ đồng, trong khi giá mua nợ xấp xỉ 19.850 tỷ đồng.

VAMC còn mua 37 khoản nợ theo giá trị thị trường và giúp các tổ chức tín dụng xử lý hơn 2.130 tỷ đồng nợ xấu.

Ban lãnh đạo công ty cho biết sắp tới sẽ tập trung mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt của các tổ chức tín dụng yếu kém, có thể gây rủi ro cho hệ thống, các tổ chức có tỷ lệ nợ xấu trên 3%. Mục tiêu năm nay xử lý 50.000 tỷ đồng dư nợ gốc, mua 5.000 tỷ đồng dư nợ xấu theo giá trị thị trường và 15.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu đặc biệt.

VAMC dự kiến trình Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền duyệt tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn và nâng cao năng lực tài chính để mua nợ xấu theo giá thị trường. Công ty cũng xúc tiến việc thành lập sàn giao dịch nợ VAMC nhằm quản lý, khai thác thông tin về các khoản nợ.

VAMC dự kiến thu hồi 50.000 tỷ đồng nợ xấu - Ảnh 1.

Nhân viên ngân hàng VIB kiểm đếm tiền mặt. Ảnh: Giang Huy.

Trong phiên họp đầu tháng 4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng lo ngại nợ xấu sẽ tăng do những tác động của Covid-19. Theo đánh giá sơ bộ của cơ quan điều hành thị trường, khoảng 23% dư nợ toàn ngành (tương đương 2 triệu tỷ đồng) bị ảnh hưởng và tiềm ẩn rủi ro tới hoạt động ngân hàng. Trong đó, dư nợ của một số ngành kinh tế bị ảnh hưởng chiếm tỷ trọng lớn như công nghiệp chế biến - chế tạo; khoáng sản, nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng, kinh doanh ôtô phụ tùng...

Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận tỷ lệ nợ xấu chắc chắn tăng trong bất kỳ trường hợp nào. Kịch bản tốt nhất là dịch được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại sẽ ở mức 2,9-3,2% vào cuối quý II và 2,6-3% vào cuối năm.

Nếu dịch được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ tăng lên 4% và 3,7% tương ứng cuối quý II và cuối năm. Thậm chí, nợ xấu có thể còn cao hơn, ảnh hưởng đến tiến độ cơ cấu, xử lý của các ngân hàng và khả năng phục hồi các nhà băng yếu kém.

Phương Đông/Vnexpress
Cùng chuyên mục