Vấn đề của Eximbank
Eximbank (EIB) vừa công bố quyết định của Tòa án nhân dân TP HCM (TAND) về việc không chấp nhận kháng cáo của CTCP Rồng Ngọc liên quan đến yêu cầu đình chỉ thực hiện nghị quyết HĐQT ngân hàng.
Trước đó, TAND quận 1 đình chỉ giải quyết khiếu nại của CTCP Rồng Ngọc, cổ đông sở hữu gần 2% vốn Eximbank về yêu cầu dừng các nghị quyết HĐQT Eximbank liên quan đến bầu chủ tịch HĐQT và đề cử chức danh quyền tổng giám đốc Eximbank.
Đây cũng là vấn đề khiến họp đại hội thường niên tổ chức lần 2 của ngân hàng không thể tiến hành. Ngay khi mở đầu phiên họp, một cổ đông đã có ý kiến về việc lãnh đạo ngân hàng không tôn trọng cổ đông, và nêu ý kiến có nhóm lợi ích. Một đại diện từ Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), đơn vị sở hữu 15% vốn của Eximbank, cho biết không chấp nhận và đề nghị xem xét tư cách chủ toạ của ông Cao Xuân Ninh, Chủ tịch HĐQT, người được bầu thay ông Lê Minh Quốc vào cuối tháng 5.
Vị này cho rằng các chức vụ quan trọng gồm chủ tịch ảnh hưởng rất lớn đến Eximbank, và riêng SMBC thời gian qua có nhiều văn bản gửi đến HĐQT không đồng ý những nghị quyết bầu nhưng không được trả lời thấu đáo.
Họp đại hội không thể tiến hành do tỷ lệ 55% cổ đông biểu quyết không đồng ý thông qua quy chế. Đến nay, phiên họp thường niên của Eximbank vẫn chưa thể thực hiện. Ngân hàng chưa có thông báo mới về kế hoạch triển khai.
Chỉ tính riêng trong 2 tháng trước họp đại hội, ngân hàng này đã 3 lần thay vị trí Chủ tịch HĐQT, từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú và sau đó là ông Cao Xuân Ninh. Vào tháng 7, ông Cao Xuân Ninh đã xin từ chức và để trống “ghế nóng” của nhà băng.
Diễn biến nhân sự của Eximbank gặp nhiều cản trở và xáo trộn một phần lớn do cơ cấu cổ đông của ngân hàng.
Trong báo cáo của Chứng khoán Bản Việt (VCSC), đơn vị này đề cập Eximbank là một trường hợp hiếm trong ngành ngân hàng Việt Nam với cổ đông biến động trong 9 năm qua. Cho tới cuối 2017, Eximbank chỉ có 2 cổ đông lớn là SMBC và Vietcombank lần lượt giữ 15% và 8,19% vốn. Năm 2018, Vietcombank thoái toàn bộ vốn, để lại duy nhất SMBC là cổ đông lớn. Ngân hàng không có số liệu về các cổ đông nhỏ.
Tại phiên họp thường niên 2019, danh sách nhóm cổ đông nhỏ giữ 30% vốn đã được tiết lộ bởi ông Nguyễn Chấn, người sáng lập NamABank và tập đoàn Hoàn Cầu, cha của cổ đông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch NamABank giữ 4,49% vốn Eximbank.
Theo VCSC, tình trạng không có cổ đông kiểm soát rõ ràng tiếp tục là điểm thu hút đối với các nhà đầu tư trong nước. Trên thị trường, giao dịch cổ phiếu EIB có đặc điểm là khối lượng thấp thông qua khớp lệnh nhưng khối lượng giao dịch thỏa thuận trong 6 tháng đầu 2019 gần 48% cổ phiếu lưu hành.
Chia sẻ về việc chưa can thiệp vào việc tổ chức họp đại hội cổ đông của Eximbank, một nguồn tin từ NHNN cho biết cơ quan quản lý muốn các cổ đông và nội bộ nhà băng tự vận động, tháo gỡ và giải quyết các vấn đề. NHNN hiện không sở hữu tại Eximbank, do đó cơ quan này cũng hạn chế can thiệp vào các vấn đề của ngân hàng.
Mất lợi thế kinh doanh vàng, định hướng kinh doanh “mờ mịt”
7 năm trước, bên cạnh ACB, Eximbank từng là một trong những ngân hàng dẫn đầu lợi nhuận khối ngân hàng tư nhân. Eximbank từng chiếm lĩnh thị phần ở các nghiệp vụ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, đồng thời cũng là đơn vị hoạt động kinh doanh ngoại tệ và vàng. Năm 2011, ngân hàng báo lãi hơn 3.000 tỷ đồng, chỉ xếp sau ACB trong nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân.
Tuy nhiên, 4 năm sau đó, lợi nhuận ngân hàng liên tục giảm và xuống đáy năm 2015 chỉ đạt 40 tỷ đồng. Trong 3 năm gần đây, kết quả kinh doanh hồi phục nhưng chưa thể quay trở lại thời “đỉnh điểm”.
Trong 3 năm qua, mạng lưới chi nhánh của Eximbank không thay đổi, là tín hiệu cho thấy việc mở rộng chậm của ngân hàng.
Nửa đầu 2019, ngân hàng lãi trước thuế 762,5 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do chi phí hoạt động tăng và lãi từ góp vốn cổ phần giảm từ 521 tỷ đồng xuống còn hơn 4 tỷ đồng.
Thu nhập lãi thuần trong kỳ đạt 1.663 tỷ đồng, chỉ cao hơn 10% so với 6 tháng 2018. Hoạt động dịch vụ tăng nhẹ gần 1 tỷ đồng lên 158,5 tỷ đồng. Các mảng khác đóng góp phần nhỏ.
Tín dụng 6 tháng của Eximbank chỉ tăng hơn 1%, thấp nhất hệ thống (nếu loại các đơn vị tăng trưởng âm).
Theo VCSC, thu nhập lãi thuần của Eximbank bị ảnh hưởng do tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) thấp. Trong khi đó, thu nhập phí gặp khó khăn do môi trường cạnh tranh đối với dịch vụ thanh toán quốc tế và không có yếu tố khác kích thích tăng trưởng.
Giai đoạn 2015-2018, tốc độ tăng trưởng kép dư nợ hàng năm của Eximbank thấp, chỉ 7,1%, VCSC đề cập trong báo cáo. NIM trong 2 năm 2017 và 2018 đều dưới 2,5%, thấp hơn ít nhất 1 điểm phần trăm so với các ngân hàng tư nhân thông thường do chi phí huy động tương đối cao. Mặt khác, ngân hàng vẫn còn dư địa nâng lợi suất tài sản sinh lời bằng cách tối ưu hóa danh mục chứng khoán đầu tư.
Về thu nhập phí, dịch vụ thanh toán chiếm 82% thu nhập phí ròng năm 2018 và 84% cho 6 tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, khối lượng thanh toán quốc tế của Eximbank đạt tăng trưởng kép hàng năm là 3,6% giai đoạn 2013-2018, trong khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam tăng trưởng kép hàng năm là 12,7%. VCSC nhận định cạnh tranh trên thị trường đang gia tăng và thị phần của ngân hàng đi xuống.
Eximbank đã ký hợp đồng bancassurance độc quyền kỳ hạn 5 năm với Generali năm 2016 nhưng thị phần vẫn nhỏ, chỉ đạt 1,3% vào 6 tháng đầu 2019 và đà tăng trưởng không nổi trội hơn so với các ngân hàng khác.
Trong khi nhân sự của ngân hàng vẫn đang biến động, HĐQT chưa đạt được thống nhất, những định hướng kinh doanh của Eximbank bị bỏ ngỏ, gần nhất là năm 2019, họp đại hội thường niên vẫn chưa thể tiến hành.