Vào TPP: Chất lượng thấp đừng mơ cơ hội vàng

Đăng Thúy (thực hiện) Thứ sáu, ngày 18/12/2015 10:18 AM (GMT+7)
“Chỉ có sản phẩm tốt thì mới có thể tồn tại trong sân chơi TPP” - Đó là chia sẻ của Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản Nagai Katsuro với PV Dân Việt bên lề Hội thảo quốc tế “Nâng cao hiệu quả hợp tác nông nghiệp trong giai đoạn mới của hội nhập quốc tế” tổ chức tại Hà Nội sáng 17.12.
Bình luận 0

Thưa ông, những loại nông sản nào của Việt Nam sẽ rộng cửa vào thị trường Nhật Bản khi TPP có hiệu lực?

- Thị trường Nhật Bản cần đến những loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam như xoài và thanh long. Thực tế cũng cho thấy, kể cả khi TPP chưa có hiệu lực thì  Hiệp định Đối tác kinh tế Việt - Nhật cũng đã mở rộng cánh cửa cho nông sản của Việt Nam vào thị trường Nhật, đặc biệt là đối với hai loại trái cây tôi đề cập ở trên.

Thị trường Nhật cũng rất ưa chuộng một số sản phẩm thủy sản của Việt Nam như tôm, mực, cá… Sau khi TPP có hiệu lực, cánh cửa cho nông sản Việt Nam vào Nhật sẽ rộng hơn, nhưng điều này không chỉ phụ thuộc vào chúng tôi mà chìa khóa vẫn là chất lượng sản phẩm của các bạn.

img

Thu hoạch cá basa tại Châu Đốc, An Giang. LHT

Vậy theo ông, rào cản lớn nhất để gạo Việt Nam vào thị trường Nhật là mức thuế mà Nhật áp dụng đang ở mức rất cao, khi có TPP, thuế suất sẽ giảm đáng kể, liệu đó có phải là “cơ hội vàng” cho gạo Việt Nam vào Nhật hay không?

- Gạo là một lĩnh vực đầy tiềm năng đối với thị trường Nhật Bản do tỷ lệ nông nghiệp ngày càng thu hẹp trong cơ cấu GDP của chúng tôi. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, nhập khẩu gạo vào Nhật Bản vấn đề chính không phải là thuế.

Nếu nói rằng có 2 hình thức nhập khẩu gạo, dài hạn và ngắn hạn thì với gạo Việt Nam chúng tôi chỉ mới đặt ra hạn mức ngắn hạn và vấn đề về chất lượng gạo và kiểm soát dư lượng hóa chất trong gạo của Việt Nam vẫn là vấn đề mà cơ quan chức năng Nhật Bản rất quan tâm.

Khi đàm phán TPP, chúng tôi đã cam kết với Thái Lan, Indonesia một số vấn đề về thuế và chất lượng. Tôi hy vọng rằng, Việt Nam sẽ tham gia “liên minh” lúa gạo chất lượng cao, một khi gạo của Việt Nam đạt chuẩn vượt trội, không có lý do gì để có rào cản ở đây cả.

Như vậy vấn đề lớn nhất vẫn là ở chất lượng nông sản. Phải chăng giải quyết được vấn đề chất lượng, nông nghiệp Việt Nam mới có thể “bơi” thoải mái trong sân chơi rộng lớn này?

- Đúng vậy! Nông nghiệp Việt Nam vẫn nặng về số lượng hơn chất lượng, trong khi chúng tôi nhìn nhận vấn đề rằng, không cần nhiều, mà cần phải “tinh”. Các bạn có thế mạnh trong một số lĩnh vực, các bạn phải chú trọng vào thế mạnh của mình để tạo sự khác biệt.

Ví dụ các mặt hàng nông sản sạch được sản xuất theo mô hình VietGAP, Việt Nam phải nhân rộng mô hình và phát triển nhiều hơn nữa, song song với đó phải có sự kiểm tra sát sao. Bạn có nghe nói đển các sản phẩm “giả” VietGAP chưa? Chúng tôi đã nghe đến, điều này cũng phần nào làm mất niềm tin ở nông sản Việt Nam.

Hạn chế của nông nghiệp Việt Nam là tỷ lệ nông dân sản xuất nhỏ lẻ cao nên rất khó để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình. Chưa kể đến là các đối tượng trung gian giữa nông dân và thị trường lại thu lợi quá nhiều nên người nông dân bị thiệt hại. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, với những nông dân sản xuất quy mô nhỏ, họ có thể cùng nhau nhập khẩu thiết bị để chia sẻ chi phí sản xuất mà lại có những sản phẩm chất lượng cao. Theo tôi, nông dân Việt Nam cũng nên học cách làm này.

Xin cảm ơn ông!

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Thị trường rộng mở

  Việt Nam tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng với việc tham gia đàm phán, ký kết thêm nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và liên khu vực. Bối cảnh hội nhập sâu rộng này đã tạo thêm nhiều cơ hội và cả thách thức cho nền kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành nông nghiệp. Cụ thể, hàng nông sản Việt Nam có cơ hội tiếp cận nhiều thị trường mới, được hưởng các ưu đãi về thuế quan, nhưng cũng phải chịu sức ép cạnh tranh ngày càng lớn ở cả thị trường trong và ngoài nước.

TS Trần Công Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn: Nông sản lợi thế

  TPP sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam như: Rau quả, thủy sản, mía đường, chăn nuôi… do phần lớn đều được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu hoặc sơ chế nên có mức thuế suất thấp. Tuy nhiên, các mặt hàng này cũng sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ những sản phẩm cùng loại có ưu thế về công nghệ chế biến, giá thành và nguồn gốc xuất xứ của các nước khác.

 Trần Quang- Thúy Đăng (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem