Vay 1 đồng vốn nuôi heo được 4 đồng lời

Công Tâm Chủ nhật, ngày 31/01/2016 06:48 AM (GMT+7)
Nhiều người dân ở thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) khen chị Đỗ Thị Huyền, ở tổ 1 là người giỏi làm cho đồng tiền sinh lời. Từ 15 triệu đồng vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), chị đã trở thành bà chủ chăn nuôi heo với số tiền lãi mỗi năm gần 80 triệu đồng.
Bình luận 0

Yên tâm vì có vốn đầu tư

Hơn 10 năm trước, vợ chồng chị Huyền sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy. Thu hoạch từ rẫy phụ thuộc rất nhiều vào nước trời. Gặp thời tiết thuận lợi thì kiếm vài triệu đồng/vụ,  còn thiên tai hạn hán coi như mất trắng. “Hồi đó chật vật lắm vợ chồng tui cũng chỉ kiếm đủ gạo nuôi mấy đứa nhỏ. Cũng muốn nuôi bầy heo tăng gia, nhưng cả năm không để được đồng nào, vay nóng bên ngoài thì lãi lớn, làm không kịp trả…” - chị Huyền thổ lộ.

Vốn vay ưu đãi và hoạt động hỗ trợ, tư vấn, dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn của các đoàn thể, trong đó Hội ND đã giúp bà con đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả, trong đó tập trung vào trồng keo nguyên liệu, cây ăn quả, chăn nuôi…”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lý

Đầu năm 2005, chị Huyền được Ngân hàng CSXH cho vay 15 triệu đồng. Có vốn, vợ chồng chị xây chuồng và mua 6 con heo giống về thả. Cả nhà tập trung vào chăm sóc nên bầy heo lớn nhanh. Bán hết lứa đầu, vợ chồng chị lại dồn vốn nuôi lứa kế tiếp. “Vợ chồng an ủi nhau rằng, bây chừ còn khó khăn, chi tiêu tiết kiệm, dành tiền mở rộng chăn nuôi, phần khác trả nợ dần cho ngân hàng. Cứ thế, từ vài con/lứa, vợ chồng tôi nâng dần lên mỗi lứa nuôi vài chục con heo…”- chị Huyền nhớ lại.

Trong 3 năm gần đây, bình quân, mỗi năm gia đình chị Huyền xuất bán 80 con heo thịt, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 80 triệu đồng. Từ nuôi heo, mỗi năm chị tích góp được một ít, dần dần mua được 5ha đất trồng keo, thu nhập bình quân mỗi đợt bán keo hơn 30 triệu đồng. Vợ chồng chị đã xây được ngôi nhà kiên cố trị giá hàng trăm triệu đồng. Từ một hộ nghèo khó, nhờ vốn vay ưu đãi đến năm 2012, chị Huyền xung phong  thoát nghèo.

img

Vườn sầu riêng của anh Thân Nhân Tòng (tổ 1, thị trấn Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) gây dựng từ vốn vay ưu đãi. Ảnh: VÕ VĂN CÔNG

Khai thác hiệu quả tiềm năng

Cách gia đình chị Huyền chưa đầy 100m là hộ anh Thân Nhân Tòng cũng vượt qua khó khăn nhờ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH. Anh Tòng kể, tích cóp được chút tiền, vợ chồng anh mua được đám rẫy nhưng phải bỏ hoang gần 1 năm trời vì không có tiền mua cây giống. Năm 2000, thông qua Hội ND thị trấn, anh vay 3 triệu đồng của Ngân hàng CSXH. Dùng tiền vốn, anh mua 20 gốc chôm chôm. Qua năm thứ 3, chôm chôm cho trái, mỗi vụ vợ chồng anh có lãi 40 triệu đồng. Dư chút tiền, anh trồng thêm gần 200 cây sầu riêng. Đến nay, vườn sầu riêng đang vào thời kỳ cho trái.

“Vụ sầu riêng năm nay, gia đình tôi thu hoạch  1 tấn quả, bán được 40 triệu đồng. Chỉ 2 năm nữa thôi, vườn sầu riêng sẽ cho năng suất trái cao nhất, khi đó doanh thu chắc chắn cả trăm triệu đồng…”-anh Tòng vui vẻ khẳng định.

Như anh Tòng, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đã đầu tư vốn ưu đãi vào trồng các loại cây ăn trái như chôm chôm, sầu riêng, mít, xoài… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giờ đây, nhiều khu rẫy của nông dân Khánh Vĩnh đã trở thành những vườn cây ăn trái trù phú.

Trao đổi về hiệu quả của nguồn vốn, bà Nguyễn Thị Ngọc Lý – Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Khánh Vĩnh cho biết, qua công tác tuyên truyền, các hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số bước đầu đã mạnh dạn vay vốn và biết cách làm ăn. Đa số các hộ sử dụng nguồn vốn phát triển tiềm năng, thế mạnh của địa phương về đất đai, lao động. Mấy năm gần đây, đời sống của người dân Khánh Vĩnh đã được cải thiện đáng kể, trong đó có sự tác động hiệu quả của nguồn vốn ưu đãi...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem