Vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, người làm mộc ở Vân Hà phát triển nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ cao cấp

Thu Hà Thứ sáu, ngày 22/07/2022 12:18 PM (GMT+7)
Liên kết các hộ nông dân thành lập các mô hình chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, đồng thời hỗ trợ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để hội viên nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả là những hoạt động của các cấp Hội Nông dân Hà Nội tích cực triển khai trong 6 tháng đầu năm 2022.
Bình luận 0

Phát triển nghề truyền thống khắc gỗ mỹ nghệ

Cùng cán bộ Hội Nông dân TP Hà Nội về xã Vân Hà, huyện Đông Anh, chúng tôi thấy rõ hiệu quả vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân thực hiện các dự án sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ nơi đây. 

Đến thăm cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Lưu Liễu của anh Nguyễn Thành Lưu (ở thôn Thiết Ứng, xã Vân Hòa) khi anh cùng các công nhân đang hối hả làm việc để kịp đơn hàng cho khách. Tiếng đục đẽo, tiếng máy hòa lẫn tiếng cười nói và những chuyến xe ra tấp nập càng làm cho không khí sản xuất ở thôn Thiết Ứng trở nên sôi động.

Vay vốn quỹ, người làm mộc liên kết phát triển nghề - Ảnh 1.

Lãnh đạo Hội ND TP.Hà Nội thăm cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Lưu Liễu của anh Nguyễn Thành Lưu (ở thôn Thiết Ứng, xã Vân Hoà, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Thu Hà

6 tháng đầu năm 2022, các cấp Hội Nông dân TP Hà Nội đã giải ngân 419 dự án Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền 180 tỷ đồng cho hơn 6.000 hộ vay vốn. Bình quân đạt xấp xỉ 430 triệu đồng/dự án, 30 triệu đồng/hộ vay.

Anh Lưu chia sẻ: "Đến nay, tôi đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Đặc thù của nghề này cần rất nhiều vốn đầu tư để mua nguyên liệu đầu vào và đầu tư máy móc. Đầu năm 2022 vừa qua, được vay 50 triệu đồng từ nguôn Quỹ Hỗ trợ nông dân TP Hà Nội, tôi rất phấn khởi. Với số tiền được vay, tôi đầu tư mua thêm nguyên liệu gỗ để mở rộng sản xuất".

Không riêng anh Lưu mà 10 hội viên nông dân khác là thành viên của Chi hội nông dân nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ cao cấp xã Vân Hà cũng được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Với tổng số tiền giải ngân là 500 triệu đồng, trung bình mỗi hộ được vay từ 40 - 50 triệu đồng để đầu tư sản xuất, phát triển nghề mộc.

Vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, người làm mộc ở Vân Hà phát triển nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ cao cấp - Ảnh 3.

Cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Lưu Liễu của anh Nguyễn Thành Lưu ở thôn Thiết Ứng, xã Vân Hoà, huyện Đông Anh tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Thu Hà

Bà Đào Thị Thanh Vân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Hà cho biết: Nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ là nghề truyền thống của xã Vân Hà. Hiện, Hội Nông dân xã đã thành lập được 4 tổ hội và 1 chi hội nông dân nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ cao cấp xã Vân Hà. Nhằm hỗ trợ cho các hộ nông dân phát triển nghề mộc truyền thống, Hội Nông dân xã đang quản lý gần 1,6 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đầu tư cho hơn 50 hộ vay.

Ông Ngô Văn Lệ - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Anh cho biết: Hằng năm, căn cứ đặc điểm thực tế, thế mạnh mỗi xã, Hội Nông dân huyện Đông Anh hướng dẫn các cơ sở hội lập dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân bảo đảm tính khả thi, đồng thời xét duyệt kỹ lưỡng, công khai, minh bạch để vốn sớm đến với hội viên.

Hiện, tổng dư nợ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trên địa bàn huyện Đông Anh đạt hơn 39,4 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn T.Ư Hội Nông dân  ủy thác 600 triệu đồng, nguồn vốn thành phố ủy thác là 34,7 tỷ đồng, ngân sách huyện và vận động huyện đạt hơn 2 tỷ đồng, nguồn vốn do các cơ sở Hội vận động đạt hơn 2 tỷ đồng.

Vay vốn quỹ, người làm mộc liên kết phát triển nghề - Ảnh 3.

6 tháng đầu năm, Hội Nông dân huyện Đông Anh đã tổ chức giải ngân 40 dự án với tổng số tiền gần 19 tỷ đồng cho 770 hộ vay. Hiện tổng số hộ vay vốn Quỹ HTND trên địa bàn huyện Đông Anh là 1.726 hộ.

Đánh giá về hiệu quả các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Anh- Ngô Văn Lệ khẳng định: "Các nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân đều được hội viên sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt và đặc biệt là không có nợ quá hạn, nợ xấu. Điển hình như dự án sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp tại xã Vân Hà, hay dự án trồng rau an toàn ở xã Vân Nội, trồng quất cảnh ở xã Tàm Xá...".

Cũng theo ông Lệ việc tạo điều kiện và giải ngân vốn vay kịp thời cho nông dân là hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên thêm nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tăng doanh thu; đồng thời, góp phần vào quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Tăng trưởng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân

Theo báo cáo Hội Nông dân TP Hà Nội: Từ đầu năm đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn TP.Hà Nội tăng trưởng trên 41,8 tỷ đồng, đạt 209% chỉ tiêu Trung ương giao. Trong đó, Quỹ Hỗ trợ nông dân ấp thành phố tăng hơn 33 tỷ đồng. Ngân sách cấp huyện bổ sung tăng trưởng quỹ cấp huyện tăng hơn 7,4 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn thành phố đang quản lý 712,3 tỷ đồng. Hà Nội hiện là địa phương có tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân lớn nhất cả nước, với 23.239 hộ vay vốn tham gia 1.439 dự án.

Bà Phạm Hải Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội nhấn mạnh: "Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Hà Nội tăng trưởng ấn tượng, lớn nhất cả nước, khẳng định hiệu quả và sự tin tưởng của Trung ương Hội, Thành ủy, UBND TP.Hà Nội các cấp ủy, chính quyền địa phương và hội viên nông dân trên địa bàn thành phố đối với hoạt động của quỹ".

Theo bà Phạm Hải Hoa, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân  các cấp Hội Nông dân TP Hà Nội đã chỉ đạo, xây dựng và triển khai hàng nghìn dự án hỗ trợ hội viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ các cơ sở hội vận động thành lập, xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp; vị thế, vai trò của tổ chức Hội ngày càng được nâng cao, thu hút hội viên tham gia vào tổ chức Hội, nông dân phấn khởi gắn bó với tổ chức Hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem