Vì đâu Bộ Tài chính đề xuất không gia hạn nộp thuế với các ngân hàng?
Không lùi thời hạn nộp thuế cho ngân hàng
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, đối tượng được lùi thời hạn nộp thuế được quy định tại điều 3 nghị định số 34 năm 2022, nhưng loại trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Nguyên nhân do năm 2022, kết quả hoạt động kinh doanh các Ngân hàng thương mại nhà nước và Ngân hàng thương mại cổ phần khá thành công.
Bộ Tài chính dẫn chứng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đạt lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39% so với năm 2021.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) có lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 20.500 tỉ đồng;
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận 20.000 tỉ đồng được Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước giao năm 2022, tăng khoảng 40% so với năm trước.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỉ đồng, tăng đến 70% so với năm 2021…
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 5.690 tỉ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ và hoàn thành 118% kế hoạch năm.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đạt 7.828 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế cho năm 2022, tăng khoảng 30% so với năm 2021…
Đề xuất gia hạn hơn 11.200 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt với xe ô tô nội địa
Đối với thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 6 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 3/2023 đến tháng 5/2023 và quý I/2023, gia hạn 5 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 6/2023 và quý II/2023, gia hạn 4 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 7/2023 và gia hạn 3 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 8/2023.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với phương án này thì tổng số thuế giá trị gia tăng gia hạn từ tháng 3 đến tháng 8 và quý I, quý II/2023 là khoảng 64.000 - 65.000 tỉ đồng.
Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý I, quý II kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023. Thời gian gia hạn là 3 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2023 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn tại khoản này chậm nhất là ngày 30/12/2023. Số thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn là khoảng 272 tỉ đồng.
Về tiền thuê đất, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh cá nhân. Thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2023 đến ngày 30/11/2023. Dự kiến số tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn khoảng 3.500 tỉ đồng.
Bộ Tài chính đưa ra hai phương án gia hạn hoặc không gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với xe sản xuất, lắp ráp trong nước, đồng thời phân tích mặt được, hại.
Trong phương án 1, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 năm 2023 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Thời hạn nộp thuế sau gia hạn muộn nhất ngày 20/11/2023. Tổng số Thuế TTĐB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn trong 4 kỳ tính thuế như phương án đề xuất khoảng 10.400 - 11.200 tỷ đồng.
Trong trường hợp Chính phủ cho phép phương án 1, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2023 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đối với phương án không gia hạn thời gian nộp Thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính phân tích ưu điểm là sẽ giúp Việt Nam đảm bảo tuân thủ quy định về đối xử quốc gia của WTO và các Hiệp định FTA mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, phương án này sẽ khiến thị trường sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước gặp khó khăn, thách thức.
Cuối cùng, Bộ Tài chính đề xuất phương án gia hạn thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, trong đó gia hạn kỳ tính thuế đối với số thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8, 9 năm 2023 sang tháng 11/2023.
Tổng số thuế TTĐB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn trong 4 kỳ tính thuế thuế như phương án đề xuất là khoảng 10.400 tỷ đồng đến 11.200 tỷ đồng.