Vì sao bảo hiểm lúa, tôm, trâu bò... chưa hút doanh nghiệp, người dân tham gia?

Khương Lực Thứ sáu, ngày 24/07/2020 14:06 PM (GMT+7)
Hiện, mới có 9/19 địa phương công bố địa bàn hưởng hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg trong khi chỉ có 5 loại sản phẩm được hỗ trợ là: lúa, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, trâu, bò. Đáng chú ý, đến nay chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp theo hình thức thương mại.
Bình luận 0

Bộ NNPTNT cho biết, tính đến tháng 6/2020, Bộ đã nhận được Quyết định công bố địa bàn hưởng hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp của 9/19 tỉnh theo Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg, gồm: Thái Bình, Nam Định, Bến Tre, Bình Thuận, Nghệ An, An Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hà Giang.

Vì sao bảo hiểm lúa, tôm, trâu bò... chưa hút doanh nghiệp, người dân tham gia? - Ảnh 1.

Từ tháng 7/2020, người chăn nuôi trâu, bò ở Hà Giang sẽ được hỗ trợ mua phí bảo hiểm nông nghiệp với đàn gia súc của gia đình. Ảnh: Lê Hoàn.

Cụ thể, với cây lúa, có 5/7 tỉnh (Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Bình Thuận, An Giang) đã phê duyệt cho 31 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. 

Riêng tỉnh An Giang hỗ trợ cho 100% huyện thị trong tỉnh và tổng hợp được 1.919 hộ với diện tích 12.397 cho cây lúa (chỉ có 7 hộ nghèo) đăng ký tham gia.

Về trâu bò, 2/8 tỉnh phê duyệt địa bàn triển khai tại 9 huyện của Nghệ An và Hà Giang. Với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, có 2/5 tỉnh (Trà Vinh, Bến Tre) đã phê duyệt triển khai cho 9 huyện, thị xã.

Qua khảo sát cho thấy, một số doanh nghiệp đã tham gia bảo hiểm nông nghiệp theo hình thức thương mại (không được hỗ trợ phí bảo hiểm từ ngân sách Nhà nước) như: Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC), MIC. Tổng hợp giai đoạn 3 năm 2018-2020, ABIC đã triển khai ở 17 tỉnh, thành phố.

Trong đó, bảo hiểm vật nuôi (bò sữa, trâu bò thịt, trâu bò giống) với 182 hộ, 20 tổ chức tham gia số lượng 18.192 con, doanh thu bảo hiểm đạt 2.653,62 triệu đồng, giá trị bảo hiểm là 516.352,22 triệu đồng. 

Bảo hiểm cây trồng (chủ yếu cho cây cao su, keo) với diện tích được bảo hiểm là 5.706,73 ha của 10 hộ, 13 tổ chức tham gia. Giá trị bảo hiểm cho cây trồng đạt 253.934,31 triệu đồng và doanh thu bảo hiểm là 998,54 triệu đồng.

Bộ NNPTNT đánh giá, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp theo hình thức trên tạo nhân tố bước đầu để triển khai nhân rộng thời gian tới, đặc biệt là cho đối tượng là những tổ chức, doanh nghiệp sản xuất lớn, hướng tới các sản phẩm hàng hóa chủ lực có giá trị kinh tế cao.

Tuy vậy, thực hiện bảo hiểm nông nghiệp còn gặp một số khó khăn như: người dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ các quy trình sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; công tác giám định bồi thường thiệt hại giữa doanh nghiệp và cơ quan chuyên môn tại địa phương chưa thống nhất nên còn tranh chấp, gây khó khăn trong việc bồi thường.

Bên cạnh đó, tỷ lệ phí bảo hiểm và mức khấu trừ đối với bảo hiểm nông nghiệp (đặc biệt là bảo hiểm trâu, bò) tương đối cao so với các loại hình bảo hiểm khác; cây trồng, vật nuôi không được coi là tài sản đủ điều kiện bảo đảm tiền vay nên các hộ chăn nuôi vẫn phải thế chấp bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Lý giải về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp, Bộ NNPTNT cho rằng,  chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg còn hạn chế, chưa thực sự thu hút người sản xuất do mức hỗ trợ phí thấp hơn so với giai đoạn thí điểm.

Hiện nay, hộ nghèo được hỗ trợ 90%, hộ cận nghèo, hộ thường và tổ chức 20% trong khi giai thí điểm hộ nghèo được hỗ trợ 100%, cận nghèo 80%, hộ thường 60%, tổ chức 20%.

 Cùng với đó, loại sản phẩm được hỗ trợ ít,  chỉ có 5 loại (lúa, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, trâu, bò), trong khi nhiều sản phẩm có nhu cầu như cây ăn trái, rau màu... Loại rủi ro được bảo hiểm hạn chế như: tôm không bảo hiểm dịch bệnh, trâu bò chỉ bảo hiểm với 2 loại bệnh đã được tiêm phòng.

Ở địa phương, nhận thức của một số cán bộ và người dân về bảo hiểm nông nghiệp còn hạn chế. Một số địa phương còn chưa chủ động, việc phê duyệt địa bàn, triển khai còn chậm (miền Bắc đã gieo cấy xong, miền Nam đã chuẩn bị gieo sạ; tôm hiện là mùa mưa và cần tới chu kỳ 120 ngày, trong khi chỉ còn 6 tháng để triển khai).

Về phía doanh nghiệp, bảo hiểm nông nghiệp có tính thời vụ, rủi ro cao và thủ tục để tham gia chính sách hỗ trợ còn phức tạp; thu thập số liệu về sản xuất nông nghiệp để thiết kế sản phẩm bảo hiểm khó nên không nhiều doanh nghiệp đăng ký.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem