Vì sao bảo hiểm xe máy bắt buộc chưa thiết thực?
Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong 60 triệu xe máy hiện tại, 30% đã tham gia bảo hiểm bắt buộc xe máy.
Đồng thời, tỷ lệ bồi thường trên tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy trong năm 2019 chỉ 6% - thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân 40-70% của các loại bảo hiểm phi nhân thọ khác. Riêng với ôtô, tỷ lệ tham gia bảo hiểm là 90% và tỷ lệ chi trả bồi thường là 33%.
Tỷ lệ bồi thường thấp, được ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), thừa nhận do quy trình, hồ sơ bồi thường vẫn còn khó khăn khiến người mua ngại đòi bảo hiểm khi gặp sự cố.
Theo quy định, để được bồi thường cho loại bảo hiểm bắt buộc, giấy tờ cần có gồm xác nhận công an về vụ tai nạn và xác minh tổn thất, hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm. Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả cho nạn nhân trong tối đa 15 ngày làm việc.
"Có những vụ tai nạn không nghiêm trọng, người dân gọi công an thì được bảo tự thoả thuận, còn gọi doanh nghiệp thì có bên nào đến không", ông Khánh nói trong một buổi trao đổi với báo chí mới đây.
Trước những bất cập này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa yêu cầu Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm khẩn trương soạn dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới ngay trong tháng 5, theo hướng đơn giản hoá thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để chi trả cho người dân và tăng giám sát hậu kiểm để tránh trục lợi bảo hiểm.
Đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nói thêm, có thể không nhất thiết 100% hồ sơ cần tới chứng nhận của cơ quan chức năng và doanh nghiệp bảo hiểm phải chủ động hơn trong việc lo hồ sơ bồi thường cho khách hàng.
Với việc tỷ lệ bồi thường thấp, người dân chủ yếu mua để đối phó dấy lên ý kiến nên chuyển từ "bắt buộc" sang "tự nguyện" với loại hình bảo hiểm này. Tuy nhiên, chuyên gia Trần Nguyên Đán, Viện trưởng Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính cho rằng vẫn nên quy định bắt buộc.
Ông cho biết, các nước có tỷ lệ xe máy nhiều như Thái Lan, Campuchia, Lào đều bắt buộc loại bảo hiểm này. Nhiều nước đã phát triển (phần lớn là ôtô) cũng bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
"Nhưng ở các nước khác làm gì có chuyện người dân phải ngược chạy xuôi kiếm đủ thứ giấy tờ như ở Việt Nam", ông Đán nói. Việc thu thập các giấy tờ chứng minh tai nạn và thiệt hại là do doanh nghiệp bảo hiểm phụ trách, người tham gia chỉ có trách nhiệm hỗ trợ.
Doanh nghiệp bảo hiểm cần thay đổi, từ việc trả hoa hồng cao ngất ngưởng cho đại lý khiến khâu bán trở nên qua loa, cho đến sự thiếu chủ động hỗ trợ người dân hoàn thiện thủ tục bồi thường như hiện nay.
Ngoài ra, ông cho rằng cần cho phép người bị nạn khiếu nại trực tiếp từ doanh nghiệp bảo hiểm nếu họ có thông tin về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người gây ra tai nạn.
Ông chia sẻ thêm, Việt Nam cũng đang đi ngược lại với các nước trong cách sử dụng quỹ bảo hiểm xe cơ giới. Trong khi các nước dùng tiền phạt người tham gia giao thông sai luật để bỏ vào quỹ bảo vệ nạn nhân thì ở Việt Nam, quỹ này lại trích tới tối đa 20% số tiền để chi thưởng cho lực lượng công an có thành tích "bắt phạt".