Vì sao Bộ NNPTNT đề xuất loại bỏ 57 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, đưa ra khỏi diện quy hoạch?

Khương Lực Thứ hai, ngày 21/12/2020 09:56 AM (GMT+7)
Trong số 87 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng của 31 tỉnh, thành phố, sau khi rà soát, lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) đã báo cáo Bộ để đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối 30 dự án với tổng diện tích 725,3 ha.
Bình luận 0

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), từ 1/1/2020 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận, tham mưu rà soát, thẩm định 87 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng của 31 tỉnh, thành phố với tổng diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng là 13.865 ha, gồm 7.909 ha rừng tự nhiên, 5.956 ha rừng trồng.

Sau khi rà soát, lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Tổng cục Lâm nghiệp đã báo cáo Bộ để đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối 30/87 dự án với tổng diện tích 725,3 ha (gồm 357 ha rừng tự nhiên, 368,3 ha rừng trồng), chiếm 5,2% tổng diện tích địa phương đề nghị. Còn lại 57 dự án, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị thu hồi, đưa ra khỏi quy hoạch.

Xuất khẩu gỗ và lâm sản bứt phá, đạt 13 tỷ USD

Ngày 21/12, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động lâm nghiệp năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT dự và chủ trì hội nghị.

Năm 2020, cùng với đại dịch Covid-19, ngành lâm nghiệp còn chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu gây ra do bão, mưa lớn, sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của nhân dân và tác động sâu sắc đến sản xuất lâm nghiệp.

Loại bỏ 57 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, không cho phép lợi dụng chuyển đổi để phá rừng tự nhiên - Ảnh 1.

Hơn 79.000ha của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bị bão số 9 làm bật gốc và gãy đổ rất nghiêm trọng.

Về thiên tai, lũ lụt, qua tổng hợp của 13 tỉnh, có 8 tỉnh bị thiệt hại về rừng với tổng diện tích là 116.954 ha. Tuy nhiên, hoạt động lâm nghiệp tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương quan tâm, chỉ đạo sâu sát với quyết tâm khôi phục, bảo vệ và phát triển diện tích rừng hiện có. 

Các địa phương đã quyết liệt, chủ động triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, nhờ đó công tác lâm nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực. Nổi bật là các chỉ tiêu của ngành đều hoàn thành, đặc biệt là giá trị xuất khẩu ước đạt trên 13 tỷ USD. 

Ước cả năm tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 42%, đạt mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 (42%), đạt chỉ tiêu Chính phủ giao năm 2020. Khai thác rừng trồng tập trung đạt 30 triệu m3 , thu dịch vụ môi trường đạt gần 2.500 tỷ đồng. Diện tích rừng trồng mới của cả nước ước đạt hơn 220.000 ha. 

Trong năm 2020, công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giảm so với năm 2019. Trong năm, Tổng cục Lâm nghiệp đã hoàn thành chỉ tiêu giảm 10% số vụ vi phạm và giảm 20% diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2019. 

Các địa phương đã xác định các điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, tập trung triển khai xử lý, kiểm tra giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản. Đồng thời, phát hiện, xem xét trách nhiệm, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định pháp luật.

Tính đến 30/11/2020, đã phát hiện 9.637 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp, giảm 402 vụ (tương ứng giảm 4%) so với cùng kỳ năm 2019. Diện tích rừng bị thiệt hại là 1.469 ha (trong đó cháy rừng 645 ha, phá rừng 824 ha) giảm 1.191 ha (tương ứng giảm 45%) so với cùng kỳ 2019.

Đáng chú ý, trong năm 2020, cả nước xảy ra 179 vụ cháy rừng, giảm 92 vụ (giảm 35%) so với cùng kỳ năm 2019; diện tích thiệt hại do cháy là 645 ha, giảm 1.331ha (giảm 68%) so với cùng kỳ năm 2019.

Khi có cháy rừng xảy ra, Cục Kiểm lâm cùng các địa phương đã tổ chức huy động hàng nghìn lượt người tham gia chữa cháy gồm các lực lượng: Kiểm lâm, Công an, Quân đội, Dân quân tự vệ, chủ rừng và người dân tại địa phương.

Loại bỏ 57 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, không cho phép lợi dụng chuyển đổi để phá rừng tự nhiên - Ảnh 2.

Những cây bạch tùng có đường kính từ 60 - 100cm, tuổi đời hàng trăm năm tại lô b2, khoảnh 2, tiểu khu 249 (xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) bị các đối tượng khai thác trái phép. Ảnh: Văn Long

Tuy nhiên, các hành vi phá rừng, khai thác, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật lại có chiều hướng tăng so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, hành vi phá rừng trái pháp luật xảy ra 2.502 vụ, tăng 1.005 vụ so với cùng kỳ 2019. Diện tích rừng bị phá là 824 ha. Các hành vi phá rừng chủ yếu là lấy đất sản xuất nương rẫy.

Đối với hành vi khai thác lâm sản trái pháp luật, có 1.005 vụ, tăng 34 vụ so với cùng kỳ năm 2019. Hành vi vận chuyển, tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật xảy ra 4.036 vụ, tăng 824 vụ so với cùng kỳ năm 2019.

Ngăn chặn lợi dụng chuyển đổi để "phá" rừng

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, từ 1/1/2020 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận, tham mưu rà soát, thẩm định 87 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng của 31 tỉnh, thành phố với tổng diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng là 13.865 ha (gồm: 7.909 ha rừng tự nhiên, 5.956 ha rừng trồng). 

Sau khi rà soát, lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Tổng cục Lâm nghiệp đã báo cáo Bộ để đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối 30 dự án. 

Các dự án này có đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên (chiếm 35,6% tổng số dự án), với tổng diện tích 725,3 ha (gồm 357 ha rừng tự nhiên, 368,3 ha rừng trồng), chiếm 5,2% tổng diện tích địa phương đề nghị.

Đối với những dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng nhưng hoạt động không hiệu quả, để xảy ra tình trạng phá rừng, mất rừng, xâm lấn đất rừng, tạo thành điểm nóng kéo dài thì cương quyết đề xuất thu hồi, đưa ra khỏi quy hoạch.

Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT)

Việc chuyển mục đích sử dụng rừng đã được các Bộ, ngành và chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ, rà soát, thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đúng quy định của pháp luật, không để lợi dụng việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên để phá rừng (đặc biệt đối với các dự án về thủy điện). 

Hạn chế tối đa việc phá vỡ quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế, góp phần giữ vững và ổn định diện tích rừng tự nhiên hiện có, đảm bảo tăng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc theo hướng tăng dần hàng năm.

Từ năm 2017 đến nay, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tổ chức rà soát hồ sơ, kết hợp với kiểm tra thực địa đối với 3.630 dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng. Theo đó, tổng diện tích đề nghị là 183.740 ha; trong đó rừng tự nhiên 39.133 ha, rừng trồng 74.242 ha, đất chưa có rừng 13.816 ha, diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng 56.550 ha.

Trong số 3.630 dự án, qua rà soát, lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Bộ NNPTNT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng 133 dự án, chiếm 3,66% dự án đề xuất; với diện tích 3.325 ha, chiếm 1,81% diện tích đề xuất (rừng tự nhiên 1.581 ha, rừng trồng 1.582 ha, đất chưa có rừng 164 ha), trong các dự án này, không có dự án mở mới xây dựng công trình thủy điện.

Như vậy, việc kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng đã góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có, nhất là rừng tự nhiên. Tất cả các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng đều phải thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Các vi phạm được dư luận quan tâm trong năm 2020

Các vi phạm được dư luận quan tâm trong năm 2020 vẫn tập trung hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Điển hình là tình trạng khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật tại các huyện Kon Rẫy, Đắk Tô, Đắk Glei, tỉnh Kon Tum vào tháng 4/2020.

Tình trạng phá rừng, khai thác trái pháp luật tại huyện Tây Hòa, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên vào tháng 5/2020. Tình trạng phá rừng tại Khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vào tháng 10/2020. Tình trạng phá rừng phòng hộ tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng vào tháng 11/2020...

Các vụ việc trên được Cục Kiểm lâm chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý kịp thời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem