Vì sao các liên minh đồng loạt đề xuất dừng phát triển nhiệt điện than?
Theo đó, ba liên minh gồm: Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) và Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã đóng góp ý kiến vào Dự thảo Quy hoạch điện Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (quy hoạch điện VIII).
Cụ thể, các liên minh đồng loạt kiến nghị "không phát triển thêm các dự án điện than mới trong giai đoạn 10 năm tới". Thay vào đó, các liên minh đề xuất ngành chức năng có các giải pháp để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió.
Nội dung dự thảo Quy hoạch điện VIII đã cho thấy xu hướng giảm dần tốc độ phát triển điện than và tăng dần tốc độ phát triển năng lượng tái tạo theo các giai đoạn.
Tuy nhiên, cũng theo nội dung dung dự thảo, trong vòng 10 năm tới (2021-2030) nhiệt điện than vẫn được ưu tiên tăng mạnh. Cụ thể, khoảng 17 GW điện than mới sẽ được bổ sung vào hệ thống.
Cũng theo các liên minh nhận định, bài học phát triển nhiệt điện than ở giai đoạn trước (2016-2020) cho thấy loại hình này gặp rất nhiều khó khăn về huy động vốn.
Nguyên nhân là do, người dân và chính quyền địa phương không ủng hộ nên huy động chỉ đạt được khoảng 57,6% kế hoạch theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, khoảng 7 GW điện than vào vận hành. Trong đó, riêng năm 2020, chỉ 1 tổ máy (0,6 GW) vào vận hành. Bên cạnh đó, 86% công suất nguồn than mới phải sử dụng nhiên liệu nhập khẩu cho thấy sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung bên ngoài. Trong khi đó, khả năng nhập khẩu từ các nguồn đang được xác định trong dự thảo dự báo gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia.
Ngoài ra, theo Thỏa thuận Paris về thực hiện mục tiêu khí hậu, việc tiếp tục phát triển điện than mới sẽ đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế của thế giới. Cụ thể, mục tiêu chậm nhất đến năm 2040, tất cả nhà máy điện than toàn cầu phải đóng cửa. Nhưng với nội dung dự thảo hiện nay, các nhà máy điện than sẽ tiếp tục vận hành ít nhất đến năm 2050, thậm chí 2070.
Cũng theo kịch bản chọn trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, với cơ cấu nguồn điện đề xuất thì tổng lượng phát thải bụi ô nhiễm tăng liên tục từ 9.500 tấn vào năm 2020 tới trên 42.000 tấn năm 2035 (tăng khoảng 4 lần).
Lượng phát thải này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm không khí, tác động đến môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Theo thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), 16 dự án điện than mới (với tổng công suất khoảng 22GW) nếu được xây dựng và vận hành theo dự thảo Quy hoạch điện VIII sẽ gây ra gần 1.000 ca tử vong sớm ở Việt Nam.
Cụ thể, CREA chỉ ra, tổn thất kinh tế cho xã hội do chi phí y tế, giảm năng suất lao động và tuổi thọ ước tính là khoảng 270 triệu USD hàng năm. Tính theo vòng đời 30 năm của những dự án trên, tổng số ca tử vong sớm ước tính khoảng 46.000. Tổn thất kinh tế cộng dồn sau 30 năm lên tới 8 tỷ USD.