Vì sao cần hàng trăm tỷ đồng nâng cấp đường ngang qua đường sắt?

13/08/2024 10:55 GMT+7
Bộ GTVT đã báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc giao Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, bổ sung hệ thống tín hiệu tại 184 đường ngang có gác.

Theo đó, Bộ GTVT đã giao Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rà soát, xác định danh mục các đường ngang cần thiết phải sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu để đảm bảo ATGT, thuộc Dự án sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu đối với 566 đường ngang.

Bộ GTVT cho biết, qua rà soát, các đường ngang trùng lặp với các dự án đầu tư được thực hiện bằng các nguồn vốn khác, các đường ngang thuộc tuyến đường nhánh có tốc độ khai thác, mật độ chạy tàu và lưu lượng phương tiện đường bộ tham gia giao thông thấp đã được đưa ra khỏi danh mục.

Qua đó, Cơ quan chức năng cũng cập nhật bổ sung các đường ngang hiện tại đã được mở rộng còn thiếu tín hiệu, thiết bị xuống cấp, lạc hậu và có lưu lượng người, phương tiện đường bộ tham gia giao thông tăng cao. Bổng sung các đường ngang phát sinh đường nhánh, lối đi vào đường ngang có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông (thay thế các đường ngang đã đưa ra khỏi danh mục).

Vì sao cần hàng trăm tỷ đồng nâng cấp đường ngang qua đường sắt?- Ảnh 1.

Hệ thống đường sắt quốc gia. Ảnh: VNR

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT xác định danh mục 184 đường ngang thực sự cần thiết phải sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu nhằm đảm bảo ATGT, nâng cao hiệu quả đầu tư, tiết kiệm ngân sách nhà nước, đảm bảo việc đi lại thuận lợi cho người dân.

Dự kiến, nguồn kinh phí thực hiện là 400 tỷ đồng, trong đó hơn 361,8 tỷ đồng để hoàn thành toàn bộ việc sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu đối với 184 đường ngang có người gác này và hơn 38 tỷ đồng để thanh toán, quyết toán kinh phí đối với số đường ngang đã thực hiện từ năm 2023 trở về trước.

Để đảm bảo hoàn thành việc sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu đối với đường ngang trong năm 2025, Bộ GTVT kiến nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét bố trí 50 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chi hoạt động kinh tế Ngân sách Trung ương năm 2024 để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 184 đường ngang và thanh quyết toán các công trình đã hoàn thành từ năm 2023 trở về trước.

Trong năm 2025, bố trí bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh tế đường sắt là 350 tỷ đồng để thực hiện hoàn thành toàn bộ 566 đường ngang theo quy định.

Trước đó, vào năm 2021, Dự án sửa chữa, bổ sung đầy đủ tín hiệu đối với 566 đường ngang có người gác được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện; tiến độ thực hiện từ năm 2022, hoàn thành toàn bộ trong năm 2023.

Trong hai năm 2022 và 2023, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thực hiện, hoàn thành việc sửa chữa, bổ sung tín hiệu tại 382/566 đường ngang, còn 184 đường ngang chưa thực hiện do chưa được bố trí vốn. Bộ GTVT đã báo cáo, kiến nghị Chính phủ bố trí vốn để thực hiện với 184 đường ngang còn lại.

Cuối tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát, lập danh mục và dự kiến kinh phí thực hiện.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan bố trí đủ nguồn kinh phí để hoàn thành việc sửa chữa toàn bộ 566 đường ngang chậm nhất trong năm 2025.



Thế Anh
Cùng chuyên mục