Nuôi thứ chim hay hót ở Bình Phước, thi tài mà rinh giải cao giá bán tăng lên đến mấy chục triệu đồng

Thứ hai, ngày 30/05/2022 13:45 PM (GMT+7)
Mấy năm gần đây, thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) thành lập nhiều câu lạc bộ (CLB) chim chào mào và thu hút số lượng lớn người yêu thích. Giữa nhịp sống hối hả, thú nuôi chim đã góp phần nuôi dưỡng và giữ gìn những thanh âm trong trẻo của thiên nhiên như một thú chơi tao nhã.
Bình luận 0

Phong trào chơi chim chào mào ở Đồng Xoài (Bình Phước) nở rộ từ năm 2009, đến nay, khá nhiều gia đình ở Đồng Xoài có trong nhà ít nhất một con chim chào mào. 

Anh Nguyễn Đình Tài, Chủ nhiệm CLB sinh vật cảnh Anh Tài cho biết: “Ở Đồng Xoài hiện có 3 CLB chim chào mào thu hút hàng trăm nghệ nhân và người chơi không chuyên. Mỗi CLB thường có một quán cà phê quen thuộc để họ mang chim đi “dợt” được gọi là trường chim. 

Đây là nơi người chơi chim tụ họp để cùng chia sẻ niềm đam mê và trao đổi kinh nghiệm chăm nuôi chim cảnh. Hiện trên địa bàn có 5 cửa hàng bán chim cảnh, chủ yếu là chim chào mào, đáp ứng nhu cầu của người chơi chim”.

Quán cà phê 679 QL14, phường Tân Bình (Đồng Xoài) là một trong những điểm hẹn của những người yêu thích chim chào mào. Vào mỗi sáng thứ bảy và chủ nhật, quán tấp nập hơn hẳn vì tập trung đông khách thích nghe chim hót cùng với hội viên mang chim đến “dợt”. 

Người thì tỉ mỉ vặt chân cào cào làm thức ăn cho chú chào mào yêu của mình. Người lại lo kiếm chỗ treo chim tốt nhất để vừa uống cà phê vừa ngắm chim phô diễn giọng hót... Anh Nguyễn Văn Phước chia sẻ: “Tôi chơi chim chào mào đã nhiều năm vì mê giọng hót của nó. 

Vào những ngày cuối tuần tôi mang chim đến quán để nó học hót vừa nghe những chú chào mào khác hót để dạn dĩ, nhanh “lên lửa” hơn. Chim chào mào cũng như các loài chim khác, chỉ cần cho ăn uống đầy đủ, tắm và nghỉ ngơi để chim khỏe mạnh. Một chú chim có giá phải là chim trống, hót hay, dáng chuẩn, bộ lông mượt, màu sắc đẹp có thần thái riêng và sức hót phải bền”.

Nuôi thứ chim hay hót ở Bình Phước, qua cuộc thi mà rinh giải cao giá bán tăng lên đến mấy chục triệu đồng - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Đình Tài giới thiệu cách để chọn một chú chào mào bổi tốt

Một chú chào mào bổi mua về chỉ vài trăm ngàn đồng, nhưng khi đã thuần, thành chim tốt thì có thể có giá hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, người chơi chim chào mào phải có niềm đam mê mới nuôi được những chú chim mang đặc tính riêng biệt, nổi trội. 

Thường một con chào mào hay phải luôn giữ được “lửa”. Muốn vậy người nuôi phải tốn nhiều công chăm sóc và thức ăn cho chim khá tốn kém. Anh Phước chỉ vào bịch cào cào khoảng 15 con có giá 5.000 đồng cho biết: “Nuôi một con chim tốn khoảng 200 ngàn đồng thức ăn/tháng. Mình nuôi chủ yếu vì yêu thích chứ bán đi lỗ tiền nuôi và công chăm sóc”.

Theo anh Lý Thế Học, chủ quán cà phê 679 thì chim chào mào là loại dễ nuôi và có lượng người chơi đông. Người nuôi chim đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi, nghề nghiệp, nhưng đều có chung một niềm đam mê với loài chim được mệnh danh là “bậc đế vương”. 

“Mình mở quán cà phê này cũng từ đam mê chim chào mào. Khách đến quán chủ yếu là người chơi chim ở địa bàn thị xã Đồng Xoài. Bình quân mỗi ngày cuối tuần có khoảng 30-40 lồng chim do người nuôi mang đến quán để vừa uống nước, trò chuyện vừa nghe chim hót. 

Để tạo điều kiện cho nghệ nhân cũng như người nuôi chim chào mào không chuyên có dịp giao lưu, đánh giá mức độ tiến bộ cho chú chim chào mào yêu quý của mình, CLB trường chim 679 cứ 2 tuần lại tổ chức một giải thi đấu nội bộ. Từ đó, anh em chọn ra chú chim hay nhất để chăm sóc nuôi dưỡng thêm chuẩn bị cho những giải thi lớn hơn và mọi người cũng đánh giá mức độ đạt được đối với chim chào mào của mình” - anh Học nói.

Lý giải về “sức hút” của loài chim này, anh Tài phân tích thêm: Chào mào được ưa chuộng không chỉ bởi dễ nuôi mà còn vì tiếng hót hay với nhiều âm tiết và giọng điệu biến chuyển liên tục có nhạc có điệu. Mỗi giọng hót đều thể hiện rõ nguồn gốc, vùng miền của chim. 

Chim chào mào ở Bình Phước có hình dáng nhỏ nhưng lại có thể hót được nhiều giọng khác nhau, còn ở vùng Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi thì chim chào mào lại có giọng hót dài từ 6-7 âm, giọng cao và oai dũng như mang hơi thở núi rừng nên rất được chuộng. Thức ăn cho chào mào chủ yếu là cám được làm từ trứng gà, đậu, gạo... nhưng cần tuân thủ một chế độ ăn không đổi.

Dễ nuôi là ưu điểm nhưng khi chim thi đấu đạt giải lại càng nâng tầm giá trị của chim nên càng có nhiều người tìm đến với thú vui này. 

“Hằng năm, ở tỉnh đều có các hội thi tiếng hót chim chào mào nội bộ và giải mở rộng, thu hút nhiều tỉnh, thành về tham gia. Sau mỗi hội thi lớn, chim đạt giải thường được những tay buôn chim hay người chơi chim hỏi mua với giá hàng chục triệu đồng. Thậm chí có chú chim chào mào lông trắng đã được trả giá đến cả trăm triệu đồng” - anh Tài cho biết.

Phong trào nuôi chim chào mào ở Đồng Xoài không chỉ kết nối những người có chung niềm đam mê nuôi chim cảnh mà đây còn là nơi để mọi người gặp gỡ, trò chuyện, gác lại sau lưng những bộn bề của cuộc sống, cùng nhau hòa mình vào môi trường thiên nhiên để nghe chim “hòa nhạc”...

Hữu Dụng (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem