Vì sao Đế Chế Maya - nền văn minh thịnh vượng và bí ẩn bậc nhất lịch sử nhân loại lại sụp đổ?

Thứ hai, ngày 13/09/2021 16:40 PM (GMT+7)
Người Maya đã sống ở Trung Mỹ và bán đảo Yucatán từ ít nhất là năm 1800 TCN (trước Công Nguyên) và phát triển mạnh mẽ tại khu vực này trong hàng nghìn năm.
Bình luận 0

Theo vô số nghiên cứu, nền văn minh Maya đã sụp đổ trong khoảng thời gian từ năm 800 đến 1000 SCN (sau Công Nguyên). Người ta đã dựng nên hình ảnh về những tàn tích mọc um tùm với cánh rừng bạt ngàn, một nền văn minh cổ đại với các thành phố sụp đổ và bị bỏ hoang, tuy nhiên thực tế phức tạp hơn nhiều.

Vậy, tại sao nền văn minh Maya lại sụp đổ?

Lisa Lucero, giáo sư nhân chủng học và nghiên cứu thời trung cổ tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign, chia sẻ với Live Science qua email: "Trên thực tế, người Maya vẫn ở đây. Thứ sụp đổ là hệ thống chính trị của họ, chứ không phải cộng đồng. Hiện nay, vẫn còn hơn 7 triệu người đang sinh sống ở khu vực Trung Mỹ".

Người Maya cổ đại không có một nhà lãnh đạo chính, tương tự như một vị hoàng đế ở La Mã cổ đại, ngoài ra Maya cũng không được thống nhất thành một quốc gia duy nhất. Thay vào đó, nền văn minh Maya cổ đại bao gồm nhiều thành bang nhỏ, mỗi khu vực sẽ tập trung xung quanh một thành phố. Mặc dù có những điểm tương đồng về văn hóa và tôn giáo, nhưng mỗi thành phố đều có những nhà lãnh đạo địa phương của riêng mình, một số có quyền lực lớn hơn những thành phố khác. 

Chính vì vậy có thể nói nền văn minh Maya không sụp đổ, thay vào đó, các thành phố phát triển thăng trầm tại nhiều thời điểm khác nhau, một số trong khoảng thời gian 800 đến 1000 SCN. Ví dụ, trong khi các khu vực ở miền nam Mesoamerica, chẳng hạn như Tikal ở nơi ngày nay là Guatemala, các học giả cho biết dân số tại đây đã suy giảm trong thế kỷ thứ 8 và 9 do các vấn đề môi trường và bất ổn chính trị, thì ở những nơi như Chichén Itzá, trên bán đảo Yucatán của Mexico, dân số lại tăng lên.

Vì sao Đế Chế Maya - nền văn minh thịnh vượng và bí ẩn bậc nhất lịch sử nhân loại lại sụp đổ? - Ảnh 2.

Thành phố Tikal của Maya có những ngôi đền nổi tiếng. Ảnh: Reddit

"Sự sụp đổ không phải là một thuật ngữ nên được áp dụng phổ biến cho người Maya", Marilyn Masson, giáo sư và chủ nhiệm nhân loại học tại Đại học Albany, Đại học Bang New York nói với Live Science trong một email. "Khu vực Maya rộng lớn, với nhiều chính thể và môi trường, và nhiều ngôn ngữ được sử dụng".

Khi Chichén Itzá suy tàn, phần lớn là do hạn hán kéo dài trong thế kỷ 11, một thành phố khác ở Bán đảo Yucatán, được gọi là Mayapán, bắt đầu phát triển mạnh. "Người Mayapán có các lãnh chúa, linh mục, hàng trăm cuốn sách chữ tượng hình tôn giáo, thiên văn học phức tạp và đền thờ các vị thần," Masson nói: "Phần lớn những gì chúng ta biết về tôn giáo Maya trước đây đều đến từ những cuốn sách được viết vào thời điểm người Mayapán gặp gỡ và sống sót sau khi tiếp xúc với người châu Âu."

Masson cho biết, trong khi người Mayapán đã sụt giảm số lượng trước khi tiếp xúc với châu Âu, một phần do chiến tranh, thì một nhánh khác trên bán đảo Yucatán có tên là Ti'ho đã phát triển vào thời điểm người châu Âu đến đây.

Các bang Maya vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả sau khi khu vực này bị tàn phá bởi chiến tranh và dịch bệnh do nhiều cuộc chinh phạt của người châu Âu ở Trung Mỹ. Guy Middleton, một thành viên của Khoa Lịch sử, Cổ điển và Khảo cổ học tại Đại học Newcastle ở Anh, cho biết: "Chúng ta nên nhớ rằng bang Maya cuối cùng, Nojpetén, chỉ sụp đổ vào năm 1697 – thời điểm khá gần đây".

Tại sao nền văn minh Maya lại dần lụi tàn?

Sự kết hợp của các vấn đề chính trị và môi trường thường được cho là nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn của Đế chế Maya.

Lucero cho biết: "Phân tích những speleothems (cấu trúc đá) trong các hang động như nhũ đá và măng đá, cho thấy rằng: "Xuất hiện những đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài nhiều năm từ năm 800 đến năm 930 SCN ở khu vực phía nam Mesoamerica. Các vị vua Maya dựa vào những hồ chứa nước ở khu vực đô thị để giúp thần dân của mình trong mùa khô hàng năm tiếp cận với nước sạch, lượng mưa giảm có nghĩa là mực nước giảm, mùa màng thất bát và các vị vua mất quyền lực,"cô nói.

"Thực tế là việc những người cai trị Maya thường liên kết quyền lực của họ với các vị thần đã tạo ra nhiều vấn đề chính trị hơn. Những khó khăn mà người Maya phải chịu đựng do hạn hán kéo dài khiến người dân dần mất lòng tin vào người cai trị, cũng như mất lòng tin vào các vị thần," giáo sư nhân chủng học tại Đại học Redwoods ở California cho biết.

Vì sao Đế Chế Maya - nền văn minh thịnh vượng và bí ẩn bậc nhất lịch sử nhân loại lại sụp đổ? - Ảnh 4.

Nền văn minh Maya có thực sự bị sụp đổ? Ảnh: Gett

Lucero lưu ý rằng một số khu vực của Maya đã trải qua nạn phá rừng và mực nước thấp khiến việc giao thương hàng hóa trở nên khó khăn hơn. "Lượng mưa ít hơn có thể ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán bằng ca nô. Do mực nước giảm đáng kể vào mỗi mùa khô, vì vậy nên ít mưa hơn đồng nghĩa với việc đi lại bằng ca nô ít hơn," Lucero nói.

Tuy nhiên, sự "sụp đổ" ở khu vực này có thể là thời điểm "bùng nổ" ở khu vực khác. Khu vực Cochuah trên bán đảo Yucatán phát triển mạnh trong thời kỳ Terminal Classic [800 đến 930 SCN] sau khi phần lớn miền nam bị diệt vong do hạn hán và xung đột chính trị. Shaw cho biết: "Tựu chung lại, số lượng người vẫn giảm xuống".

Mô hình lên xuống thất thường tiếp tục diễn ra trong suốt thời gian xảy ra xung đột giữa châu Âu và các thành phố Maya. Những vấn đề chính trị và môi trường thường dẫn đến sự suy giảm của một khu vực, trong khi khu vực khác lại tăng trưởng có thể do họ không bị ảnh hưởng nặng nề bởi những vấn đề này.

Vì sao Đế Chế Maya - nền văn minh thịnh vượng và bí ẩn bậc nhất lịch sử nhân loại lại sụp đổ? - Ảnh 5.

Kim tự tháp cổ Phetan do người Maya xây dựng. Ảnh: Colby

Maya hiện đại

Sau khi nhà nước Maya cuối cùng bị người Tây Ban Nha chinh phục vào năm 1697, người Maya tiếp tục phải chịu đựng sự phân biệt đối xử và đôi khi, họ nổi dậy chống lại Tây Ban Nha cùng các chính phủ nắm quyền. Đến năm 1821, chế độ thực dân Tây Ban Nha chấm dứt. "Người Maya đã phải chịu đựng rất nhiều, họ nổi dậy nhưng không thành công; Đó là bởi họ vẫn thiếu một biểu tượng về mặt chính trị ở những quốc gia nơi họ sinh sống," Middleton nói với Live Science.

Middleton nói: "Điều thực sự quan trọng là phải đưa ra thông điệp rằng mặc dù các thành phố và tiểu bang cổ đại của Maya đã sụp đổ, nền văn hóa đã biến đổi, nhưng cái tên Maya sẽ không biến mất," Middleton nói và khẳng định thêm rằng: "Chúng ta nên chú ý đến câu chuyện, vấn đề và tình trạng của cộng đồng hậu duệ Maya ở Mesoamerica hiện nay".

Lê Phương (Live Science)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem