Vì sao độ giàu có các tỷ phú Trung Quốc thường "lên voi xuống chó"?

25/01/2021 15:17 GMT+7
Một bài phân tích của Bloomberg mới đây chỉ ra rằng thứ hạng của các tỷ phú Trung Quốc trên BXH tỷ phú quốc tế không hề ổn định.

Ngày hôm nay, một tỷ phú Trung Quốc có tên trong top những người giàu nhất đất nước. Ngày hôm sau, tên của anh ta mất hút. Thứ hạng của các tỷ phú Trung Quốc trên BXH người giàu luôn là điều bất ổn. Năm 2017, Hui Ka Yan, người sáng lập nhà phát triển bất động sản China Evergrande Group là người giàu nhất đất nước. Một năm sau đó, Jack Ma - ông trùm đứng sau đế chế Alibaba nổi lên chiếm lĩnh vị trí này. Giờ đây, đến lượt Zhong Shanshan, chủ tịch công ty nước giải khát Nongfu Spring giữ vị trí giàu nhất Trung Quốc, đồng thời là một trong 10 người giàu nhất hành tinh. Trên thực tế, ở thời điểm hiện tại, tổng tài sản ròng của Zhong Shanshan được cho là đã vượt qua nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, theo BXH tỷ phú của Bloomberg.

Vì sao độ giàu có các tỷ phú Trung Quốc thường "lên voi xuống chó"? - Ảnh 1.

Jack Ma từng là người giàu nhất Trung Quốc, nhưng đã chứng kiến tài sản ròng tụt mạnh sau khi đế chế Alibaba rơi vào tầm ngắm của Bắc Kinh

Việc cải tổ nhanh chóng nền kinh tế là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi sâu sắc trong cấu trúc kinh tế, thúc đẩy nhiều doanh nhân giàu lên với tốc độ chóng mặt. Thị trường bất động sản đã nóng lên cho đến cuối năm 2017, trước khi Bắc Kinh khởi động chiến dịch giảm nợ doanh nghiệp khắc nghiệt. Khối tài sản của Hui Ka Yan nhanh chóng lao dốc, bởi phát triển bất động sản vốn là lĩnh vực có tỷ lệ nợ lớn và thời gian thu hồi vốn lâu dài.

Khi thời đại của các nhà phát triển BĐS qua đi, kỷ nguyên của các ông trùm công nghệ kéo đến. Jack Ma nổi lên như doanh nhân nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc, người đứng sau đế chế thương mại điện tử khổng lồ Alibaba. Nhưng ba tháng trước, hướng gió lại thay đổi khi Bắc Kinh thẳng tay “đàn áp” một số gã khổng lồ công nghệ vì nguy cơ độc quyền. Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải đã đình chỉ đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trị giá 37 tỷ USD của Ant Group trên sàn giao dịch STAR. Động thái diễn ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc công bố cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Alibaba - tập đoàn đang nắm giữ 33% cổ phần Ant Group. Cả Alibaba và Ant Group đều được sáng lập bởi tỷ phú Jack Ma.

Giờ đây, các công ty thực phẩm lên ngôi, khi hàng loạt chủ doanh nghiệp từ những nhà sản xuất nước uống cho đến công ty thực phẩm đều chứng kiến doanh thu tăng vọt do giá tiêu dùng tăng mạnh ở Trung Quốc. Khối tài sản tăng mạnh của tỷ phú Zhong Shanshan là một phần hệ quả của hiện tượng này.

Sự biến động trong bảng xếp hạng tỷ phú của Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy thực chất, khối tài sản ròng của các tỷ phú này không mấy bền vững. Một câu hỏi giả định lúc này: nếu Zhong Shanshan quyết định bán toàn bộ tài sản lúc này, ông ta sẽ thu về bao nhiêu tiền? Liệu ông ta có còn giàu hơn Warren Buffett hay không? Theo BXH của Bloomberg hiện tại, tổng tài sản của Zhong Shanshan ước tính 91,5 tỷ USD, cao hơn mức 88,9 tỷ USD của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett. Tuy nhiên, phần lớn tài sản của Zhong Shanshan đến từ 84% cổ phần mà ông này nắm giữ trong Nongfu Spring - tương đương 74 tỷ USD. 

Cổ phiếu của Nongfu không phải tài sản đảm bảo tốt cho các khoản vay ký quỹ. Tỷ suất cho vay trên giá trị của nó được định giá bởi Philip Securities Group chỉ khoảng 50%. Trong khi tỷ lệ này ở cổ phiếu Alibaba của Jack Ma lên tới 80%. Các ngân hàng thường quy định quy mô các khoản vay ký quỹ dựa trên tính thanh khoản hoặc tốc độ bán cổ phiếu tiềm năng. 

Nhìn vào con số thống kê tài sản ròng trên giấy tờ của các tỷ phú Trung Quốc là không đủ tin tưởng, bởi phần lớn số tài sản này đến từ việc nắm giữ cổ phiếu doanh nghiệp. Một số nhà phê bình thậm chí cho rằng mức định giá cho cổ phiếu Nongfu hiện tại là cao một cách “ảo”, bởi nguồn cung trên thị trường cổ phiếu của nó là quá ít. 2/3 số cổ phiếu Nongfu lưu hành hiện tại không được giao dịch trên thị trường, bởi chúng bị nắm giữ bởi các thành viên trong công ty, theo dữ liệu của Bloomberg.

Nhìn chung, giới siêu giàu Trung Quốc đang sở hữu quá nhiều tài sản từ giá trị cổ phiếu doanh nghiệp của chính họ. Các cải cách cơ cấu thường xuyên của Trung Quốc có khả năng tạo ra những tỷ phú giàu có trong một đêm, nhưng cũng có nguy cơ đưa khối tài sản đó đi xuống sau đêm tiếp theo. Do đó, xét về độ bền vững của khối tài sản, Trung Quốc không có tỷ phú nào giàu hơn Warren Buffett để tự hào.


NTTD
Cùng chuyên mục