Vì sao đồng bào dân tộc Mông cứ dịp lễ Tết là lại hò nhau giã bánh dày?

Xuân Cường - Giàng Hải Thứ tư, ngày 01/02/2023 19:00 PM (GMT+7)
Nếu như bánh chưng là “linh hồn” Tết của người Kinh, bánh khảo là đặc sản Tết của người Tày thì bánh dày được coi là đặc sản, “linh hồn” tết của người Mông Bắc Hà (Lào Cai) nói riêng và toàn quốc. Ngày 30 tết được coi là ngày quan trọng nhất của người Mông và cũng là ngày hội giã bánh dày.
Bình luận 0

Bắc Hà là huyện vùng cao nằm ở hướng đông bắc của tỉnh Lào Cai, là 1 trong 3 huyện nghèo của tỉnh Lào Cai theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Toàn huyện hiện có 19 đơn vị hành chính, gồm 18 xã và 01 thị trấn; dân số 70.332 khẩu, thuộc 14 dân tộc anh em, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 84,89 % dân số toàn huyện, dân tộc Mông chiếm 47,25%.

Người Mông ở Bắc Hà ăn tết cổ truyền dân tộc theo lịch âm như người Kinh và nhiều dân tộc khác ở nước ta. Suốt từ đầu tháng 12 âm lịch đến giáp tết là thời điểm người Mông mổ lợn, một phần mời anh em họ hàng, bạn bè đến ăn tết. Còn từ ngày 30 tết là ngày quan trọng nhất để dọn dẹp nhà cửa, sửa sang bàn thờ tổ tiên, làm lễ cúng tết niên và đây cũng chính là ngày hội giã bánh dày của người Mông.

Vì sao đồng bào dân tộc Mông cứ dịp lễ Tết là lại hò nhau giã bánh dày? - Ảnh 1.

Khi hoa đào nở, xuân sang, người Mông ăn tết, từng nhà tổ chức mổ lợn và giã bánh dày làm tiệc mời anh em, bạn bè. Ảnh: Tráng Xuân Cường

Ông Tráng A Vu, người có uy tín trong cộng đồng người Mông xã Tả Văn Chư, huyện Bắc Hà cho biết: "Cùng với con gà trống tơ - vật cúng quan trọng nhất của người Mông, dùng lông quệt vào tiết con gà này dán lên bàn thờ, thì bánh dày là vật cúng quan trọng thứ 2 trong mâm cúng ngày tất niên. 

Đó là những lễ vật thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, cha ông, đất trời đã phù hộ cho mùa màng bội thu, con người có sức khỏe, cuộc sống của người Mông bình yên, ngày một ấm no.

Vì sao đồng bào dân tộc Mông cứ dịp lễ Tết là lại hò nhau giã bánh dày? - Ảnh 2.

Ở Bắc Hà, người Mông làm loại bánh dày trắng không nhân. Người Mông Bắc Hà nói riêng và toàn quốc quan niệm, hai cái bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất. Ảnh: Tráng Xuân Cường

Vì sao đồng bào dân tộc Mông cứ dịp lễ Tết là lại hò nhau giã bánh dày? - Ảnh 3.

Ngày 30 tết được coi là ngày quan trọng nhất của người Mông và cũng là ngày hội giã bánh dày.

Theo tiếng Mông, bánh dày có tên gọi là "Dúa pả". Đồng bào Mông quan niệm: Bánh dày tượng trưng cho đất trời và sự an lành, no ấm của cuộc sống với mùa màng bội thu. Bánh dày có 2 loại, loại phổ biến nhất là loại bánh dày trắng không nhân và loại bánh dày có nhân là đậu xanh và sợi dừa. Ở Bắc Hà, người Mông làm loại bánh dày trắng không nhân.

Vào vụ mùa, Người Mông chọn một khu ruộng hay nương tốt nhất để cấy lúa nếp. Có 2 loại lúa nếp hay trồng, nếu thóc nếp ruộng thì gạo có màu trắng, thóc nếp nương gien gốc vùng cao thì gạo có màu đỏ nhạt, gần giống như màu gạo khẩu nậm xít, song cả 2 loại này đều dẻo, thơm.

Sau khi thu hoạch phơi phóng khô, đập lúa xong người Mông đem chất vào bao hay bồ để lên gác bảo quản tốt. Sau khi mổ lợn tết xong, trước ngày 30 tết độ 1 tuần đỏ lại họ mới đem ra giã thóc thành gạo nếp hoặc mang đi sát.

Ngày 30 tết được coi là ngày quan trọng nhất của người Mông và cũng là ngày hội giã bánh dày.

Vì sao đồng bào dân tộc Mông cứ dịp lễ Tết là lại hò nhau giã bánh dày? - Ảnh 4.

Mâm cúng tổ tiên của đồng bào Mông ở Bắc Hà ngày càng phong phú, hấp dẫn, trang trí rất đẹp mắt.

Vì sao đồng bào dân tộc Mông cứ dịp lễ Tết là lại hò nhau giã bánh dày? - Ảnh 5.

Đây cũng là lúc trai bản, thôn nữ Mông rủ nhau đến từng nhà một giúp giã bánh dày tết.

Chiều tối ngày 30 tết, khắp bản làng người mông ở lưng chừng đồi núi vốn yên lặng đồng loạt vang lên những tiếng bụp bụp liên hồi giã bánh dày. Từng nhịp, từng nhịp nghe thật vui tai, khắp bản làng tràn ngập tiếng nói, cười vui. Đây cũng là lúc trai bản, thôn nữ Mông rủ nhau đến từng nhà một giúp giã bánh dày tết, giao lưu, hát dân ca dao duyên, không khí thật tưng bừng, sôi động. Vì vậy người ta còn gọi ngày này là ngày hội giã bánh dày.

Ông Tráng A Vu cho biết về cách làm bánh dày của người Mông Bắc Hà. Gạo đồ cơm làm bánh dày được giã thủ công, nên khi phơi sấy cũng phải đủ nhiệt độ. Nghĩa là không quá nắng để hạt gạo không gẫy nát, thơm ngon, vẫn còn lớp màng mịn bám ngoài hạt gạo tăng hương thơm cho bánh. 

Nếp được đồ chín, hơi cơm tỏa thơm khắp bản (mỗi mẻ giã bánh dày tùy theo người làm song thường là 10 kg nên phải đồ cùng lúc 2 chõ xôi).

Chõ xôi được đổ cả vào cối giã nhuyễn khi hơi cơm vẫn nghi ngút bốc, hương thơm cơm mới quyến rũ lan tỏa. Cối giã bánh dày được làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột như thuyền độc mộc. 

Chày giã bánh dày có 2 đầu, cán ở giữa, quá trình giã được xoa mỡ chống dính. Những thanh niên khỏe mạnh, trai tráng được chọn giã bánh dày, còn phụ nữ chuẩn bị lá gói bánh.

Những tàu lá dong rừng xanh đậm, được rửa sạch bằng nước suối đầu nguồn, lau khô bằng khăn sạch. Quá trình giã, các thanh niên khéo léo dùng chày đẩy dồn cuộn cơm dẻo về một phía sau đó giã lại theo chiều "cuốn chiếu" để cơm nhuyễn đều.

Cơm càng giã kỹ càng dẻo, tạo thành bột trắng mịn, dính quyện lấy nhau. Lúc này các thanh niên gác chày, nhường công đoạn gói bánh cho phụ nữ. Những cuộn xôi được giã mịn màng, trắng ngần, còn nóng hổi được vo tròn, xếp vào lá dong hay lá chuối.

Vì sao đồng bào dân tộc Mông cứ dịp lễ Tết là lại hò nhau giã bánh dày? - Ảnh 7.

Tục giã bánh dày và cúng bánh dày là nghi thức hết sức quan trọng trong ngày tết của đồng bào Mông và hiện nay đây còn là hoạt động văn hóa đặc sắc trong các lễ hội vùng cao Bắc Hà nói riêng và vùng đồng bào Mông toàn quốc.

Với ý nghĩa to lớn của chiếc bánh dày, ông Tráng A Vu cho biết: Ngay sau khi bánh dày được giã xong còn nóng hổi, thơm hơi nếp, người chủ gia đình họ ma và các gia đình họ khác cũng đều làm lễ cúng.

Ông chủ nhà đặt chiếc bánh dày vào lá chuối tươi, bày lên chiếc mẹt, trang trọng để lên chiếc bàn đặt dưới bàn thờ tổ tiên, làm lễ cúng gọi là "cúng bánh dày", cầu cúng tạ ơn tổ tiên, ông trời "giàng" đã phù hộ cho một năm mùa màng bội thu, con cháu khỏe mạnh và mời các cụ, tổ tiên về ăn tết với người Mông. Sau lễ cúng bánh dày, người mông bắt đầu làm bàn thờ và cúng gà.

Bánh dày cũng chính là món ăn đặc sản, hương vị tết riêng của người Mông nói chung và người Mông Bắc Hà. Bánh dày làm công phu nhưng để được rất lâu, ở vùng đồng bào dân tộc Mông Bắc hà có khí hậu đặc trưng ôn đới nên có thể để bánh dày hàng tháng trời.

Bánh dày có thể mang đem rán, song ngon nhất là mang bánh dày nướng trên bếp than hồng, khi chin, bánh phồng lên, màu ngả vàng, tỏa ra mùi thơm ngây ngất hương vị vùng cao.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem