Vì sao Đông Nam Á được dự báo là ổ dịch Covid-19 tiếp theo của thế giới?

20/04/2020 13:34 GMT+7
Số ca nhiễm Covid-19 tại các quốc gia Đông Nam Á đang tăng nhanh trong những tuần gần đây khiến các chuyên gia lo ngai khu vực này có thể trở thành điểm nóng mới của dịch bệnh.

Các ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh tại Đông Nam Á

Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins, tính đến hết 19/4, Đông Nam Á báo cáo khoảng 28.000 ca nhiễm Covid-18. Trong đó, 5 quốc gia gồm Indonesia, Philippines, Malaysia và Singapore chiếm 87,9% tổng số trường hợp được báo cáo.

Mặc dù con số thống kê 28.000 ca nhiễm chỉ chiếm khoảng 1,16% trong tổng số 2,4 triệu ca nhiễm trên toàn cầu tính đến thời điểm hiện tại, và còn cách xa số ca nhiễm tại các quốc gia như Mỹ (759.118 trường hợp), Tây Ban Nha (198.674 trường hợp) hay Italy (178.972 trường hợp); nhưng một số nhà nghiên cứu chỉ ra hàng chục ngàn ca nhiễm Covid-19 có thể không được phát hiện và đang âm thầm lây lan tại các quốc gia Đông Nam Á do tỷ lệ xét nghiệm thấp tại những đất nước như Indonesia và Philippines.

Vì sao Đông Nam Á được dự báo là ổ dịch Covid-19 tiếp theo của thế giới? - Ảnh 1.

Số ca nhiễm Covid-19 tại Đông Nam Á tăng mạnh kể từ giữa tháng 3 đến nay

Tại Singapore, các ca nhiễm mới đã tăng đột biến trong 2 tuần qua với những ổ dịch được phát hiện tại các ký túc xá chật chội của người lao động nhập cư, ngay cả khi Singapore từng được nhắc đến như là một trong những quốc gia an toàn nhất toàn cầu trong đại dịch Covid-19.

Simon Tay, chủ tịch nhóm chuyên gia tư tưởng thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Singapore nhận định: “Thực tế là các trường hợp nhiễm mới Covid-19 đang tăng mạnh ở Đông Nam Á”. Ông Simon cảnh báo các chính phủ nên hành động nhanh chóng để ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh tại khu vực này. “Số lượng xét nghiệm của Philippines và Indonesia quá thấp” - ông nói thêm.

Có một mối lo ngại khác là năng lực xét nghiệm Covid-19 không đồng đều ở khu vực Đông Nam Á. Singapore nằm trong top đầu thế giới về năng lực xét nghiệm khi tiến hành trung bình 16.203 xét nghiệm Covid-19 trên 1 triệu dân, trong khi Myanmar chỉ xét nghiệm bình quân 85 người trên 1 triệu dân, theo dữ liệu được tổng hợp bởi trang thống kê Worldometer.

Vì sao Đông Nam Á được dự báo là ổ dịch Covid-19 tiếp theo của thế giới? - Ảnh 2.

Năng lực xét nghiệm Covid-19 không đồng đều ở các quốc gia Đông Nam Á

Indonesia, quốc gia có dân số lớn thứ tư thế giới với hơn 270 triệu người, chỉ thực hiện 154 xét nghiệm trên một triệu dân, cũng thuộc top thấp nhất toàn cầu. Tờ Reuters trước đó đưa tin chính quyền Indonesia đặt mục tiêu xét nghiệm 10.000 trường hợp mỗi ngày, đồng thời dự báo các ca nhiễm Covid-19 có thể lên tới 95.000 người.

Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte tuần trước đã phê duyệt nhập khẩu thêm 900.000 bộ kit xét nghiệm Covid-19 ngoài 100.000 bộ hiện đang được sử dụng. Philippines hiện đã thực hiện các biện pháp hạn chế kiểm dịch chặt chẽ, nhưng chính các chuyên gia y tế của nước này cảnh báo khoảng 75% ca nhiễm, tương đương 15.000 người có thể không được phát hiện nhiễm Covid-19.

Nguy cơ Indonesia thành tâm chấn dịch bệnh tiếp theo

Vì sao Đông Nam Á được dự báo là ổ dịch Covid-19 tiếp theo của thế giới? - Ảnh 3.

Số ca nhiễm Covid-19 tại Indonesia tăng mạnh từ đầu tháng 4 đến nay

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia chỉ báo cáo ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào tháng 3, một kết quả khiến các chuyên gia ngạc nhiên do nước này có kết nối hàng không chặt chẽ với Trung Quốc. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Singapore và Malaysia đã phát hiện các ca nhiễm đầu tiên vào tháng 1, với nhiều người nhiễm bệnh báo cáo xuất hiện triệu chứng sau khi ghé thăm Indonesia. 

Sự chậm trễ trong việc xét nghiệm Covid-19 do chính phủ do Tổng thống Joko Widodo lãnh đạo là nguyên nhân khiến Indonesia có thể đã không thống kê được đầy đủ số ca nhiễm thực tế. Trước đó, Tổng thống Joko Widodo đã nhận nhiều chỉ trích vì không thực hiện các biện pháp cách ly xã hội hay hạn chế du lịch nội địa cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân.

Bradley Wood, một cán bộ tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc phòng của Đại học Quốc gia Australia nhận định: “Có vẻ chính quyền ông Joko Widodo đã ưu tiên bảo vệ nền kinh tế hơn là ngăn chặn sự lây lan virus corona do lo ngại quyền lực của mình có thể giảm đi nếu kinh tế suy yếu vì các biện pháp kiểm soát dịch bệnh”. 

Hàng triệu người Indonesia thường hành hương và di chuyển khắp đất nước trong tháng ăn chay Ramadan vào cuối tháng 4 hàng năm và kéo dài 1 tháng trời, trước khi kết thúc lễ kỷ niệm bằng những bữa tiệc lớn tụ tập đông đảo người thân và bạn bè. Điều này có thể dẫn tới hàng triệu ca nhiễm Covid-19 tại Indonesia trong những tháng tiếp theo, tờ Reuters trích dẫn một mô hình được thực hiện bởi khoa y tế công cộng của Đại học Indonesia.

Trong một kịch bản như vậy, nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ từ Chính phủ, nguy cơ Indonesia trở thành tâm chấn dịch bệnh mới của thế giới chỉ còn là vấn đề thời gian.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục