Vì sao dự án Hồ chứa nước Ka Pét bị chậm khiến UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị lên Trung ương?

Nhóm PV Thời Sự Thứ tư, ngày 27/03/2024 06:00 AM (GMT+7)
Ngày 26/3, ông Nguyễn Hồng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký văn (Số 85 /BC-UBND) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan Trung ương báo cáo về tình hình thực hiện dự án Hồ chứa nước Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam(Bình Thuận).
Bình luận 0

Những khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ

Trong báo cáo này, UBND tỉnh Bình Thuận nêu lên những khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc chậm tiến độ của dự án Hồ chứa nước Ka Pét.

Vì sao dự án Hồ chứa nước Ka Pét bị chậm khiến UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị lên Trung ương?- Ảnh 1.

Đoàn khảo sát của Sở Nông nghiệp PTNN tỉnh Bình Thuận và các cơ quan báo chí vào khu vực dự án hồ Ka Pét tháng 9/2023. Ảnh: Sở NN PTNN

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, sau khi Dự án được Quốc hội thông qua điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị Quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ban ngành và địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án.

Ngày 23/7/2023, UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án. Tuy nhiên, ngày 4/9/2023, thông tin trên một tờ báo điện tử với tiêu đề "Khu rừng hơn 600 ha sắp bị phá làm hồ thủy lợi"…

Sau khi bài báo đăng tải, một số báo điện tử, trang mạng xã hội đã tiếp tục lan truyền và khai thác các thông tin trái chiều về dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, đồng thời các đối tượng phản động, bất mãn chính trị đã lợi dụng xuyên tạc, chống phá chủ trương của Đảng, Nhà nước và tỉnh Bình Thuận.

Ngày 6/9/2023, Tỉnh ủy Bình Thuận đã có Công văn số 854-CV/TU gửi Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị hướng xử lý…

Ngày 7/9/2023, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin đầy đủ về dự án, về quan điểm của tỉnh về việc đầu tư hồ chứa nước Ka Pét.

Ngày 21/9/2023, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Công văn (số 3592/UBND-ĐTQH gửi Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường - Quốc hội) báo cáo làm rõ thông tin báo chí đăng tải về việc Bình Thuận phá 600 ha rừng làm dự án Hồ chứa nước Ka Pét.

Vì sao dự án Hồ chứa nước Ka Pét bị chậm khiến UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị lên Trung ương?- Ảnh 3.

Đoàn khảo sát của Sở Nông nghiệp PTNN tỉnh Bình Thuận và các cơ quan báo chí vào khu vực dự án hồ Ka Pét tháng 9/2023. Ảnh: Sở NN&PTNN

Ngày 25/9/2023, Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức Hội nghị cán bộ nguyên lãnh đạo tỉnh báo cáo làm rõ thông tin báo chí đăng tải về việc Bình Thuận phá 600 ha rừng làm dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, sau một thời gian ngắn, thông tin trên báo chí đã có tính định hướng, bài viết phản ánh khách quan, đa chiều; thông tin tiêu cực trên mạng xã hội "loãng dần" và dư luận đã lắng xuống.

Đồng thời, UBND tỉnh Bình Thuận đã thành lập Tổ công tác truyền thông dự án Hồ chứa nước Ka Pét theo Quyết định số 2583/QĐ-UBND ngày 13/12/2023 để chỉ đạo theo dõi, cung cấp kịp thời các thông tin chính thống về dự án, đảm bảo khách quan, chính xác, đúng sự thật cho báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng.

Bổ sung hồ sơ thẩm định còn chậm

Ngày 4/8/2023 và ngày 30/8/2023, Cục Quản lý xây dựng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn đề nghị bổ sung hồ sơ thẩm định, bổ sung khối lượng khảo sát cho Dự án. Chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị tư vấn khẩn trương thực hiện khảo sát địa chất và hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi gửi đơn vị tư vấn thẩm tra.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đơn vị tư vấn chậm hoàn thiện, hồ sơ còn chưa chính xác và thiếu dữ liệu, vì vậy đến nay chưa thực hiện xong công tác thẩm tra hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi cho Dự án. Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức khảo sát địa chất thì tại vị trí tuyến đập chính bố trí hiện nay nằm trên tầng địa chất yếu (là đới đá phong hoá vừa xen kẹp phong

hóa mạnh ảnh hưởng đến độ an toàn của tuyến đập). Vì thế, đơn vị tư vấn và Ban QLDA cần có thời gian để xem xét xử lý lớp địa chất này hoặc dịch chuyển có mức độ vị trí tuyến để nền đập có địa chất tốt hơn nhưng không làm thay đổi dung tích hồ, không tăng quy mô và chi phí xây dựng.

Để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi trước khi trình thẩm định, phê duyệt Dự án cần cập nhật đầy đủ các chi phí liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng, trồng rừng thay thế, vị trí bãi thải…

Vì vậy, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương khẩn trương thực hiện. Ngày 19/3/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND huyện Hàm Thuận Nam mới cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn như: Việc di dời Dinh Cậu trong phạm vi vùng ngập lòng hồ.

Ngày 15/3/2024, UBND huyện Hàm Thuận Nam tổ chức khảo sát hiện trường đã thống nhất vị trí để di dời Dinh Cậu và đã báo cáo UBND tỉnh kết quả làm việc.

Việc bố trí đất sản xuất cho 5 hộ dân có đất sản xuất nằm trong lòng hồ khoảng 5,1 ha (các hộ này khi thu hồi đất làm công trình hồ chứa nước Ka Pét thì không còn đất sản xuất): Do không có quỹ đất tại chỗ để bố trí tái định canh cho 5 hộ trên, UBND tỉnh đã giao UBND huyện Hàm Thuận Nam phối hợp với các sở, ngành rà soát để đề xuất phương án xử lý cho phù hợp.

Qua đó, UBND huyện Hàm Thuận Nam đã chỉ đạo các phòng, ban huyện và UBND xã Mỹ Thạnh vận động thuyết phục các hộ dân chấp nhận đền bù về đất bằng tiền, đồng thời hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp tạo điều kiện sinh kế, ổn định cuộc sống.

Phải tổ chức rà soát lại diện tích đất để tổ chức trồng rừng thay thế theo quy định tại Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp…

Vì sao dự án Hồ chứa nước Ka Pét bị chậm khiến UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị lên Trung ương?- Ảnh 6.

Vào mùa khô, các hồ chứa nước ở huyện Hàm Thuận Nam thường bị thiếu nước. Ảnh: HP

Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan

"Việc triển khai dự án Hồ chứa nước Ka Pét đến nay tiến độ còn chậm so với yêu cầu, có nguyên nhân khách quan là do việc đăng tải thông tin không chính xác của bài báo điện tử làm cho các đối tượng phản động, bất mãn chính trị đã lợi dụng xuyên tạc, chống phá chủ trương của Đảng, Nhà nước và tỉnh Bình Thuận, do đó phải thận trọng rà soát, cân nhắc lại quy mô đầu tư dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…", văn bản nêu.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức khảo sát địa chất thì tại vị trí tuyến đập chính bố trí hiện nay nằm trên tầng địa chất yếu (là đới đá phong hoá vừa xen kẹp phong hóa mạnh ảnh hưởng đến độ an toàn của tuyến đập), đơn vị tư vấn và Ban QLDA cần có thời gian để nghiên cứu, xem xét xử lý lớp địa chất này.

Đồng thời có nguyên nhân chủ quan là sự thiếu quyết liệt của chủ đầu tư, sự phối hợp chưa tốt của các sở, ngành, địa phương có liên quan và sự chỉ đạo chưa thật sự hiệu quả của UBND tỉnh.

Từ những nêu trên, UBND tỉnh Bình Thuận cũng nêu trách nhiệm cụ thể như: Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc phối hợp Ban QLDA (chủ đầu tư) trong quá trình hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi vẫn còn chậm so với tiến độ đề ra.

Vì sao dự án Hồ chứa nước Ka Pét bị chậm khiến UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị lên Trung ương?- Ảnh 8.

Thiết kế Dự án hồ chứa nước Ka Pét huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận. Ảnh: BTO

Đối với UBND huyện Hàm Thuận Nam, việc tạm tính kinh phí di dời Dinh Cậu giữa huyện và Sư cả còn chênh lệch nên ảnh hưởng đến việc cập nhật chi phí và hoàn thiện vào Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Đối với Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh: Chưa chỉ đạo quyết liệt các đơn vị tư vấn sớm thực hiện hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm đẩy nhanh tiến độ. Chưa rà soát đầy đủ các nội dung công việc để triển khai kịp thời làm phát sinh thời gian thực hiện. Chưa chủ động dự báo kịp thời các phát sinh liên quan đến dự án.

Đối với đơn vị tư vấn thiết kế, UBND tỉnh Bình Thuận cũng nêu: Chậm hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi, hồ sơ chưa đảm bảo chất lượng làm chậm thời gian thực hiện thẩm tra trình thẩm định. Chưa phối hợp kịp thời với đơn vị tư vấn thẩm tra.

Đối với đơn vị tư vấn thẩm tra, trong quá trình thẩm định chưa kịp thời tổng hợp các ý kiến vướng mắc trong quá trình thẩm tra báo cáo chủ đầu tư chỉ đạo tháo gỡ làm kéo dài thời gian thẩm tra.

Giải pháp đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới

Để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ tập trung chỉ đạo Ban QLDA và các đơn vị liên quan hoàn thành hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định trước ngày 30/4/2024; Ban QLDA và các đơn vị liên quan hoàn thành hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi trước ngày 20/4/2024; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định các nội dung thuộc thẩm quyền của địa phương; Ban QLDA trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định dự án trước ngày 30/4/2024.

Vì sao dự án Hồ chứa nước Ka Pét bị chậm khiến UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị lên Trung ương?- Ảnh 10.

Vào mùa khô, người dân ở Hàm Cần, Mỹ Thạnh huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận thường thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: Bích Nghị

Trong thời gian Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo đánh giá tác động môi trường, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban QLDA phối hợp với các bộ để hoàn chỉnh hồ sơ dự án (khi có yêu cầu).

UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ địa phương trong quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo đánh giá tác động môi trường để sớm đủ điều kiện phê duyệt dự án và triển khai các bước tiếp theo.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem