Vì sao Hà Nội chậm phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống?

Sông Bùi - Nam Phương Thứ hai, ngày 03/01/2022 13:27 PM (GMT+7)
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống bị ảnh hưởng lớn sau khi Luật Quy hoạch năm 2017 được ban hành, có hiệu lực, điều chỉnh nhiều nội dung liên quan đến các bộ luật khác...
Bình luận 0

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, chậm nhất nửa đầu tháng 1/2022, TP sẽ đủ cơ sở pháp lý để phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống, hoàn thành phủ kín 100% quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn đã mang đến kỳ vọng về diện mạo mới cho Thủ đô.

Khu vực đặc thù

Lý giải nguyên nhân chậm lập, phê duyệt hai đồ án quy hoạch phân khu đô thị thuộc đô thị trung tâm còn lại là Quy hoạch phân khu sông Hồng (R1-5) và Quy hoạch phân khu sông Đuống (R6), đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) Hà Nội cho biết, đây là khu vực đặc thù, phải tuân thủ các yêu cầu của Luật Đê điều.

Vì sao Hà Nội chậm phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống? - Ảnh 1.

Cầu Long Biên nối hai bờ sông Hồng. Ảnh: Nguyễn Chương.

Cụ thể, Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình xác định: Không gian thoát lũ gồm khu vực lòng sông và bãi sông nằm giữa hai đê; giữ nguyên vị trí các tuyến đê hiện có; không nâng cao các tuyến đê hiện có; không xây dựng các đê bối mới; đất phát triển đô thị tại các khu vực được phép nhỏ hơn 15% diện tích bãi sông...

Điều đó dẫn đến việc phải nghiên cứu, rà soát và điều chỉnh các đồ án quy hoạch có liên quan đến khu vực ngoài bãi sông Hồng đã và đang được nghiên cứu theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội.

Việc không cho phép xây dựng các đê bối mới, giữ nguyên các đê cũ cũng gây khó khăn và hạn chế lớn cho thành phố trong việc nghiên cứu xây dựng các tuyến đường giao thông kết hợp phòng, chống lũ và làm cơ sở cho việc tạo lập các quỹ đất phát triển đô thị, tạo không gian cảnh quan kiến trúc.

Ngoài ra, tiến độ lập các quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống cũng bị ảnh hưởng lớn sau khi Luật Quy hoạch năm 2017 được ban hành, có hiệu lực, điều chỉnh nhiều nội dung liên quan đến các bộ luật khác.

Đại diện Sở QHKT Hà Nội cũng cho biết, đến nay, Hà Nội đã hoàn thành một khối lượng lớn các quy hoạch. Ở cấp độ quy hoạch phân khu nói chung, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành 66/68 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu (cấp 1) và đang gấp rút triển khai việc cụ thể hóa ở cấp độ tiếp theo tại các đô thị vệ tinh (cấp 2)

Đến nay, cả hai đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống đã được xin ý kiến thống nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mới đây (ngày 21/12/2021), Bộ Xây dựng cũng đã có ý kiến góp ý về hai đồ án quy hoạch này.

Khi được phê duyệt sẽ khai thác hiệu quả những tiềm năng vốn có

Liên quan đến quy hoạch đô thị sông Hồng, ông Phạm Xuân Tứ, guyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng), từ những năm 90 của thế kỷ trước đã có quy hoạch chi tiết một số phường khu vực sông Hồng, trong đó đề xuất việc xây dựng dọc theo bờ sông, song các địa phương đã buông lỏng quản lý dẫn đến việc bị người dân lấn chiếm, xuất hiện tình trạng xây dựng lộn xộn, không có không gian cảnh quan ở mặt sông Hồng.

Vì sao Hà Nội chậm phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống? - Ảnh 4.

Cầu Đông Trù nối hai bờ sông Đuống. Ảnh: Hùng Thập.

Vấn đề giao thông và các hạ tầng kỹ thuật khác lại càng nhức nhối hơn. "Từ năm 2005, Hà Nội muốn xây dựng đô thị dọc hai bờ sông, nhưng với tình hình kinh tế lúc bấy giờ chưa thể thực hiện được", ông Tứ cho hay.

Ngoài ra, còn có một số đề án cụ thể như Trấn Sông Hồng (Sông Hồng City) được đề xuất năm 1994; đề án thành phố hai bên sông hợp tác giữa Hà Nội và thành phố Seoul (Hàn Quốc) vào năm 2006,...

Theo ông Tứ, quy hoạch phân khu sông Hồng khi được duyệt sẽ hoạch định không gian phát triển đô thị cho dải đất hai bên bờ sông, tạo ra các không gian xanh, vui chơi giải trí mà hiện nay Hà Nội đang rất thiếu. 

Một điểm nữa là nhiều khu dân cư, làng xóm hiện đang nằm trong khu vực dành cho thoát lũ của Thủ đô. Theo quy hoạch thoát lũ cho Thủ đô, những nơi này không được phép xây dựng, trong quy hoạch mới sẽ phải chuyển đổi thành đất công viên cây xanh, như vậy hành lang dành cho thoát lũ sẽ đảm bảo.

Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhấn mạnh, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng khi được phê duyệt sẽ là cơ sở, cơ hội tốt để khai thác hiệu quả những tiềm năng vốn có của cả vùng này, đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô. Khi xây dựng được hình ảnh của dải sông Hồng theo đúng quy hoạch, chúng ta có giấc mơ của Hà Nội về dòng sông này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem