Vì sao Hà Nội chọn phương án đặt ga ngầm cạnh Hồ Gươm?

Bình Nguyên Thứ năm, ngày 24/03/2022 12:17 PM (GMT+7)
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, phương án ga ngầm cạnh Hồ Gươm nhưng không nằm trong vùng bảo vệ di tích sẽ hạn chế tối đa di dời cây xanh, đảm bảo cảnh quan di tích, giải quyết được kiến nghị của các bộ ngành.
Bình luận 0

UBND TP Hà Nội vừa thông báo về phương án xây dựng ga ngầm C9 dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Theo đó, thành phố thống nhất lựa chọn phương án 1, xây dựng ga ngầm 4 tầng, không nằm trong vùng bảo vệ II di tích đặc biệt Hồ Gươm và đền Ngọc Sơn, cách xa Tháp Bút. 

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, phương án 1 đã được nghiên cứu điều chỉnh đảm bảo về kỹ thuật, đảm bảo tính khả thi về kỹ thuật công nghệ, tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa, giải quyết được các kiến nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc Hội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Với phương án này, ga C9 được điều chỉnh thành ga xếp chồng 4 tầng, tuyến hầm phải điều chỉnh kết cấu từ đi song song đồng mức sang đi xếp chồng dẫn đến giảm phạm vi ảnh hưởng và thu hẹp hành lang tuyến, hạn chế ảnh hưởng đến vùng bảo vệ II của di tích. Lối lên, xuống nhà ga không nằm trong vùng bảo vệ II của di tích.  

Đồng thời, phương án đảm bảo phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mặt khác, điểm đầu nhà ga cách Tháp Bút khoảng 97m nên biện pháp thi công nhà ga được đảm bảo không tạo ra rung chấn, ảnh hưởng đến di tích.

Vì sao Hà Nội chọn phương án đặt ga ngầm cạnh Hồ Gươm? - Ảnh 1.

Hai phương án đặt vị trí ga ngầm C9 (Ảnh: MRB)

Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cũng cho rằng, phương án 1 vẫn có những nhược điểm là ga ngầm được xây dựng trên đường cong và xếp chồng với 4 tầng đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật thi công đặc biệt, xử lý nền đất phức tạp phát sinh chi phí xây dựng, khó khăn và rủi ro khi thi công. 

Bên cạnh đó, số lượng cửa lên xuống của nhà ga giảm một nửa từ 4 cửa xuống còn 2 cửa và đặt sâu hơn nên kém an toàn hơn khi xảy ra sự cố và giảm khả năng phục vụ cho hành khách; cần giải phóng mặt bằng bổ sung đối với phần đất đã thỏa thuận do cụm công trình phụ trợ, cửa lên xuống số 1 tăng quy mô và diện tích. Quá trình vận hành hệ thống, bảo trì, an toàn cho hành khách và tính năng sử dụng,...gặp nhiều hạn chế và tăng chi phí trong suốt vòng đời 100 năm khai thác của dự án. 

Ngoài ra, do thay đổi thiết kế ban đầu được duyệt nên sẽ cần thuê tư vấn thiết kế chi tiết nhà ga C9, bổ sung nguồn vốn, cập nhật vào tổng mức đầu tư của dự án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư; sau đó Thành phố sẽ thẩm định và phê duyệt lại rồi tổ chức đấu thầu xây lắp. Quy trình thủ tục này sẽ dẫn tới kéo dài thời gian triển khai dự án.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội đánh giá, việc lựa chọn phương án 1 "cơ bản hợp lý, có tầm nhìn xa". Tuyến đường sắt đô thị cần đồng bộ các ga, trong đó có ga C9,  để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách công cộng. Với khu vực Hồ Gươm, không chỉ là di tích quốc gia đặc biệt, đó còn là cảnh quan mang đậm dấu ấn của cả quá trình phát triển Thăng Long – Hà Nội. Định hướng lâu dài khu vực trở thành không gian đi bộ, đặt ga ngầm tại đây là cần thiết. 

Phương án 2 giảm được chi phí tuy nhiên vị trí xây dựng ga trong khu vực bảo tồn gây khó khăn trong giải pháp kiến trúc tổng thể khu vực. 

"Vấn đề vận tải hành khách công cộng đang cần có sự đột phá. Vì vậy phải khẳng định cần bố trí ga C9 ở đây là có tầm nhìn xa, không thể sử dụng phương án 3, bỏ hẳn ga", ông Nghiêm nói và lưu ý về thiết kế ga phải tạo điều kiện thuận lợi cho các lối lên xuống, kết hợp liên kết giữa ga ngầm với phố đi bộ Hồ Gươm. 

Vì sao Hà Nội chọn phương án đặt ga ngầm cạnh Hồ Gươm? - Ảnh 2.

Phương án 1 đặt ga ngầm C9 sau khi điều chỉnh, không nằm vào vùng bảo vệ II di tích quốc gia đặc biệt Hồ Gươm (Ảnh: MRB)

Ở góc độ khác, KTS Trần Huy Ánh lại cho rằng, phương án đặt ga ngầm C9 ở Hồ Gươm không phù hợp với quy hoạch trong bối cảnh mới. Ông Ánh nêu vấn đề quy hoạch đường sắt đô thị đặt ra từ cách đây 20 năm, khi đó dân số của Hà Nội 2,5 triệu người, diện tích 900km2; hiện dân số 10 triệu người, diện tích 3400 km2. 

"Định hướng phát triển đô thị đã chuyển hướng ra sông Hồng, sức hút về trung tâm đô thị, nhu cầu đi lại lâu dài của người dân không còn là Hồ Gươm, phố cổ. Đường sắt đô thị cần đặt trong bối cảnh mới, mục tiêu lâu dài hơn, vẫn cố giữ phương án đặt ga C9 ở đây là cách làm vụn vặt, chắp vá", ông Ánh nói. 

Tuyến đường sắt đô thị số 2 được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2008, ký kết hợp đồng dịch vụ tư vấn năm 2013. Điểm đầu tuyến tại khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc trên phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du).

Theo phương án đã được phê duyệt, tuyến đường sắt dài 11,5 km, trong đó đoạn trên cao 2,6 km, đoạn ngầm gần 9 km. Tổng đầu tư của dự án sau điều chỉnh hơn 34.670 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.

Ba phương án đặt ga ngầm được Hà Nội đưa ra là Phương án 1: kéo ga ra ngoài vùng bảo vệ II của di tích Hồ Gươm, nằm dưới đường Đinh Tiên Hoàng, trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội và HĐND-UBND TP Hà Nội. Phương án 2 (phương án ban đầu) là đặt trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội, dưới vườn hoa bờ Hồ Gươm. Phương án 3 là bỏ ga ngầm C9 hoặc lùi thời điểm xây dựng sau khi tuyến số 2 vận hành.

Hơn 10 năm sau khi được phê duyệt, vị trí ga C9 vẫn chưa được thống nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem