Vì sao Mobile Money chỉ đang ưu tiên cho nông thôn, vùng sâu xa hải đảo?

Nguyễn Thịnh Thứ bảy, ngày 14/10/2023 10:47 AM (GMT+7)
Đại diện nhà mạng VNPT và MobiFone chia sẻ về sự hữu ích của Mobile Money dành cho khu vực nông thôn, vùng sâu xa hải đảo.
Bình luận 0

Theo đánh giá của nhà mạng, tiềm năng của Mobile Money là vô cùng lớn khi có tới 60% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn, nhưng các đơn vị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lại chỉ tập trung ở các đô thị lớn. Việc triển khai Mobile Money cũng sẽ giúp đẩy mạnh quá trình số hóa tài chính ở Việt Nam, để không ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị hạn chế tiếp cận các dịch vụ tài chính.

Việt Nam đang bước vào tăng tốc chuyển đổi số. Một trong những vấn đề tiên quyết để chuyển đổi số thành công chính là thanh toán không dùng tiền mặt. Việc triển khai, ứng dụng dịch vụ Mobile Money sẽ giúp thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn.

Chia sẻ tại Hội thảo "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chủ trì và giao cho Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt điện tử trực tiếp thực hiện, ông Nguyễn Quang Khánh, Phó Phòng phát triển dịch vụ, Tổng công ty dịch vụ số MobiFone cho biết: 

"Sau hai năm thí điểm MobiFone Money, chúng tôi đang có tổng kết để gia hạn thêm việc thí điểm và có những điều chỉnh phù hợp. Trong quyết định 316 của Chính phủ đã ưu tiên triển khai dịch vụ MobiFone Money ở vùng sâu vùng xa, chưa ưu tiên triển khai ở thành phố".

Mobile Money: Kênh thanh toán "vàng" cho người nông dân, "cánh tay nối dài" của các Ngân hàng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang Khánh, Phó Phòng phát triển dịch vụ, Tổng công ty dịch vụ số MobiFone.

Nói rõ hơn về việc triển khai MobiFone Mone, ông Thắng chỉ ra những thuận lợi: "Đây chính là lợi thế để dịch vụ MobiFone Money tiếp cận vùng nông thôn và là cánh tay nối dài của các Ngân hàng, nơi nào chưa có ngân hàng thì chúng tôi đều phủ sóng để người nông dân có thể tiếp cận dịch vụ thanh toán, chuyển tiền qua MobiFone Money. Hạn mức tài khoản của MobiFone Money chỉ là 10 triệu đồng/tháng, hạn mức rất nhỏ, phù hợp với thu nhập của bà con nông dân, người dân vùng sâu, vùng xa.

Tại tỉnh thành lớn đa phần mọi người đều có tài khoản ngân hàng dùng SmartBanking nên lượng phủ sóng của MobiFone Money tại thành phố ít phổ biến hơn. Qua các số liệu có thể thấy là "hoa mọc trên sỏi đá", thực sự đây là những thứ mà Mobifone cần phải phấn đấu hơn nữa làm sao tối ưu hơn để bà con nông dân thuận tiện sử dụng dịch vụ".

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thắng, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chia sẻ:  "Dự kiến, tháng 12 chúng tôi sẽ ra mắt và rất mong sắp tới có thể đem những ứng dụng hữu ích tới người dân. Bên cạnh đó, VNPT tham gia lĩnh vực tài chính số với 2 giấy phép hoạt động của Ngân hàng Nhà nước cấp cho về thanh toán và giấy phép về Mobile Money. Với VNPT, chúng tôi tổng kết đến 30/9, đã có 71% tài khoản đến từ nông thôn, vùng sâu xa hải đảo".

Mobile Money: Kênh thanh toán "vàng" cho người nông dân, "cánh tay nối dài" của các Ngân hàng - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Thắng, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT.

Hiện nay, điểm kinh doanh của Mobile Money chiếm đến 69% cùng ngành. Mobile Money đã đi sâu vào đời sống của bà con Nông dân. 

"VNPT rất may mắn khi được đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng cổng thông tin Quốc gia được thanh toán cấp độ 4 trên cổng thông tin Quốc gia. Qua đó, giúp kết nối các đối tượng dịch vụ công; các trung gian thanh toán thông quan ngân hàng. Việc này giúp ích rất lớn cho xã hội và đã đưa được 400 – 500 dịch vụ công cấp độ 4 về thanh toán onlines. Cùng đó là nguồn lực kết nối đưa và kết nối 63/63 tỉnh, thành phố, và 21 Bộ, ngành. Đặc biệt, VNPT là đơn vị đầu tiên đưa Mobile Money lên cổng dịch vụ công Quốc gia...", ông Thắng nói thêm.

"Mô hình này giúp người dân có Mobile Money hoàn toàn có thể thanh toán dịch vụ công. Đồng thời, Mobile Money giúp đưa người dân tới dần hơn với các dịch vụ công Quốc gia. Trong đầu tháng 8 vừa qua, chúng tôi cũng đưa được VietQR lên cổng dịch vụ công Quốc gia. Có thể nói, trong 2 năm vừa qua khi VietQR ra đời đã phủ sóng rất lớn tới các vùng sâu, vùng xa đi vào các ngõ ngách, đời sống của người dân. Đến tháng 9 vừa qua, giao dịch trên VietQR chiếm tới 29%. Như vậy, VietQR rất sẵn sàng phụ vụ người dân trong việc thực hiện giao dịch thanh toán".

Tại Hội thảo "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân", bà Mai Thị Thanh Bình - Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin Truyền thông) nói: "Phát triển dân số ở khu vực nông thôn tiến tới mỗi người dân đều có tài khoản VNeID để xác định quyền và trách nhiệm của mỗi người dân. 

Mục tiêu tiếp theo là mỗi người dân trưởng thành một tài khoản thanh toán số. Đa dạng hoá hình thức thanh toán, các vùng chưa được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, phối hợp với nhà mạng triển khai Mobile Money. Tài khoản mobile money gắn với tài khoản SIM điện thoại sử dụng thanh toán ngay cả khi sử dụng điện thoại đời cũ (feature phone). Đồng thời, triển khai các sáng kiến thúc đẩy thanh toán số như: làng số, xã số, khu phố không dùng tiền mặt từ đó nhân rộng, lan tỏa. VNPost phát triển mạng lưới VNPost thành các điểm đại lý Mobile Money".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem