Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu: Tâm lý hám lợi, giàu nhanh ở nông thôn khiến lừa đảo có cơ hội gia tăng

13/10/2023 14:42 GMT+7
Ngày nay, nhiều hình thức, thủ đoạn lừa đảo tinh vi và nhiều người dân đã sa bẫy các đối tượng lừa đảo. Đặc biệt, người dân ở khu vực nông thôn, khu vực miền núi, vùng xâu vùng xa hiểu biết hạn chế càng dễ trở thành nạn nhân của nạn đa cấp biến tướng lừa đảo.
Tâm lý hám lợi, giàu nhanh khiến đa cấp biến tướng lừa đảo có cơ hội gia tăng - Ảnh 1.

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu - Cục truyền thông CAND, Bộ Công an. Ảnh Dân Việt.

Tham luận gửi tới Hội thảo "Chuyển đổi số Tài chính ngân hàng và cơ hội của Nông dân" do báo NTNN/Dân Việt tổ chức, Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu - Cục truyền thông CAND, Bộ Công an cho biết, chính sự mơ hồ trong nhận thức về kinh doanh đa cấp, lòng tham, muốn giàu nhanh, thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân (nạn nhân tiềm năng) đã tạo điều kiện thuận lợi để tội phạm khai thác, lợi dụng.

Theo ông Hiếu, các đối tượng lừa đảo của đường dây đa cấp biến tướng lợi dụng nạn nhân thiếu thông tin, hạn chế trong nhận thức và hướng tới là những người thiếu kiến thức về kinh tế, chưa hề có khái niệm về bán hàng đa cấp (BHĐC), ít cập nhật các vấn đề mới phát sinh trong đời sống.

Lấy ví vụ Liên kết Việt, Thượng tá Hiếu cho biết đã số nạn nhân đều cư trú tại vùng nông thôn, miền núi và các đô thị nhỏ. Theo đó, những gói đầu tư được quảng cáo mang lại lợi nhuận "khủng" đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Nhiều hộ gia đình vay mượn, cầm cố tài sản để có tiền mua sản phẩm hay các gói đầu tư, với hy vọng đổi đời, có khoản thu nhập ổn định để "an toàn tài chính", rốt cuộc bị tán gia bại sản. Người dân chưa được biết và hưởng lợi từ hình thức kinh doanh này là bao, nhưng những hệ lụy từ kinh doanh đa cấp (KDĐC) lừa đảo đã đẩy hàng vạn người dân nghèo thêm nghèo khó, túng quẫn, tan vỡ hạnh phúc gia đình.

Tâm lý hám lợi, giàu nhanh khiến đa cấp biến tướng lừa đảo có cơ hội gia tăng - Ảnh 2.

Tình trạng lừa đảo ngày càng gia tăng. Ảnh CAND.

Các đối tượng đánh vào tâm lý hám lợi, muốn thoát nghèo, làm giàu nhanh chóng của nạn nhân… khiến họ rất dễ "sập bẫy" của tội phạm. Khi đó người dân dễ bị "mờ mắt" trước món hời tưởng tượng, những khoản lãi suất rất cao được quảng cáo và dễ dàng làm theo dẫn dụ để rồi "sập bẫy" của tội phạm. Tâm lý hám lợi, sự ham muốn vật chất là yếu tố chủ đạo trong nhu cầu, hứng thú, định hướng giá trị của nạn nhân trong các vụ án lừa đảo đa cấp đã xảy ra.

Theo Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu, các đối tượng lừa đảo của hình thức bán hàng biến tướng còn nắm bắt tâm lý luyến tiếc tài sản của nạn nhân.

"Từ nhiều vụ đa cấp biến tướng lừa đảo như vụ Liên kết Việt, nghề nghiệp của nạn nhân đa số đều làm nông nghiệp, lao động tự do, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, người kinh doanh tự do, làm thuê cho các doanh nghiệp.

Với đặc điểm nghề nghiệp như vậy, họ không cam tâm chịu mất số tiền đã đóng vào các doanh nghiệp KDĐC lừa đảo. Khi việc đòi lại không có kết quả thì nhiều người chọn cách đi dụ dỗ, mời chào các mối quan hệ của mình cùng tham gia vào mạng lưới, để thu hồi lại số tiền đã nộp. Quá trình lôi kéo người khác, họ cũng cố ý lan truyền những thông tin không có thật, thậm chí là bịp bợm về lợi ích khi gia nhập mạng lưới, làm mọi cách để người khác tin và bị dẫn dụ bỏ tiền mua gian hàng "ảo"", ông Hiếu chia sẻ.

Vì vậy, nhiều người bị chiếm đoạt tiền trong vụ án này đã không hợp tác trong quá trình điều tra, không có tên trong danh sách người bị hại của vụ án.

Phòng tránh lừa đảo bằng chính nhận thức của người dân

Trước vấn nạn lừa đảo ngày càng tinh vi như hiện nay, theo Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu, các biện pháp ngăn chặn phải được phối hợp từ nhiều phía, đặc biệt từ chính ý thức của người dân.

"Để chủ động phòng ngừa tình hình tội phạm, cần bắt đầu từ thay đổi nhận thức, hành vi của chính người dân – những nạn nhân tiềm năng", ông Hiếu nói.

Trong đó, một trong những biện pháp hiệu quả là tuyên truyền để trang bị kiến thức pháp luật và cảnh báo tội phạm, giúp người dân có kiến thức để nhận biết và chủ động phòng ngừa tội phạm xảy ra với mình, tránh được những sơ hở, hay những việc làm chứa đựng những nguy cơ, rủi ro, hoặc tự đẩy mình vào tình huống nguy hiểm, bị tội phạm lợi dụng. Đây chính là phòng ngừa chủ động từ khía cạnh nạn nhân.

Không những vậy, khi người dân đã nâng cao nhận thức về trách nhiệm công dân, họ sẽ tự giác và kịp thời cung cấp thông tin tội phạm cho cơ quan chức năng, góp phần cùng cộng đồng bảo vệ an ninh trật tự.

Trường hợp là nạn nhân của tội phạm, người dân biết trình báo với cơ quan chức năng về tội phạm đã xảy ra để được bảo vệ quyền lợi, qua đó giảm độ ẩn của tình hình loại tội này.

Trong thời gian tới, việc truyền thông cần được triển khai dưới nhiều hình thức, để từng bước làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ, tâm lý của người dân. Định hướng người dân hướng đến việc làm ăn chân chính.

Đặc biệt, người dân cần biết những thông tin về loại sản phẩm, hàng hóa không được phép kinh doanh. Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật cần mở rộng đến cả người nước ngoài làm việc, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Cũng theo ông Hiếu, Hiệp hội BHĐC Việt Nam là một công cụ hiệu quả để thực hiện công tác tuyên tryền, phổ biến chính sách pháp luật cho các hội viên, người tham gia vào mạng lưới đa cấp và cộng đồng xã hội. Việc đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi hành vi tại các cộng đồng dân cư, cần phải linh hoạt và đa dạng về phương pháp, gắn với đặc thù tình hình cư dân, địa bàn.

"Nếu tại địa phương có hoạt động lôi kéo nhiều người tham gia KDĐC, lực lượng Công an cơ sở cần cảnh báo họ về các chiêu thức lừa đảo trong KDĐC đã xảy ra, để người dân nhận diện được những thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ, biết bảo vệ tài sản của mình, biết đề cao cảnh giác, tiết chế lòng tham, tính hám lợi, tư tưởng muốn làm giàu nhanh chóng, tham mua hàng giá rẻ…đồng thời chủ động tố giác tội phạm với cơ quan chức năng biết để xử lý", ông Hiếu chia sẻ kết thúc tham luận.

Khải Phạm
Cùng chuyên mục