Vì sao ngân hàng 'hy sinh' phí dịch vụ để tăng tiền gửi không kỳ hạn?
Theo báo cáo tài chính năm 2019 của các ngân hàng, hiện bộ ba Vietcombank, Techcombank và MB vẫn đang là những thành viên có tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi) dẫn đầu ở mức 30%, trong khi tỷ lệ này tại nhiều nhà băng có quy mô nhỏ còn rất thấp như: NCB là 8,0%, SHB: 7,03%, Vietbank: 4,88%...
Cuộc đua tăng CASA
So sánh tỷ lệ CASA trong năm 2019 của Top 3, MB đang dẫn đầu với hơn 97.300 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn, chiếm 33,86% tổng số dư tiền gửi khách hàng vào cuối quý IV/2019. Techcombank đứng vị trí thứ 2 với 34,5% tính đến 31/12/2019 theo tiền gửi không kỳ hạn và ký quỹ trên tổng tiền gửi. Trong khi đó, Vietcombank có tỷ lệ CASA là 28,32%.
Đáng lưu ý, trong số 3 ngân hàng trên, MB và Vietcombank sẽ có lợi thế hơn trong việc nâng cao tỷ lệ CASA. Lý do là bởi, MB nắm trong tay tài khoản và hệ thống thanh toán, chi trả lương của lực lượng quân đội; Vietcombank có hệ thống thanh toán lương của công chức nhà nước, dịch vụ công và lợi thế về bề dày thương hiệu.
Không sở hữu những lợi thế như 2 "đàn anh", vì vậy Techcombank đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ số, cung cấp cho khách hàng những sản phẩm tiện ích. Ngoài ra, ngân hàng này chấp nhận "hy sinh" phí dịch vụ để tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn. Bằng chứng là từ tháng 9/2016, khi Techcombank bắt đầu chương trình miễn phí hoàn toàn giao dịch chuyển khoản điện tử (E-Banking 0 đồng), số lượng giao dịch của khách hàng cá nhân chỉ vào khoảng 500.000 - 600.000 giao dịch/tháng, thì đến tháng 9/2019 đã tăng lên 17 - 18 triệu giao dịch/tháng, mức tăng gần 30 lần.
Tổ chức tài chính uy tín quốc tế JP Morgan đánh giá chi phí vốn của Techcombank liên tục giảm trong 5 năm qua là do tỷ lệ CASA tăng.
Xu hướng này đang dần trở nên phổ biến hơn với sự tham gia của những ngân hàng có quy mô trung bình và cả những ngân hàng có quy mô nhỏ như VIB, TPBank, ACB, VPBank... Tính đến hết quý IV/2019, CASA của VIB là 11,7%, TPBank: 15,51%, ACB: 18,19%, VPBank: 12,94%...
'Hy sinh' phí dịch vụ, cải thiện lợi nhuận?
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh thu nhập từ tín dụng của các ngân hàng đang giảm do tăng trưởng tín dụng toàn ngành có xu hướng chững lại, những bất ổn về dịch bệnh Covid-19, cùng những quy định siết chặt về hoạt động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực, sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà băng.
Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ nỗ lực cải thiện lợi nhuận bằng cách thay đổi sản phẩm, cơ cấu lại mảng cho vay, tối ưu hóa dòng tiền bằng cách đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi như hoạt động dịch vụ, bán chéo sản phẩm... và giảm thiểu chi phí vốn cũng là một trọng tâm mà các nhà băng đang hướng tới.
Để giảm chi phí huy động vốn, các ngân hàng sẽ tìm kiếm các biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ CASA, bởi tỷ lệ CASA càng lớn có nghĩa ngân hàng càng huy động được nhiều nguồn vốn rẻ (lãi suất thông thường chỉ từ 0,1-0,8%), từ đó giúp cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM).
Mặt khác, tỷ lệ này cũng gián tiếp phản ánh hiệu quả của chính sách phát triển sản phẩm, dịch vụ tiện ích trong thu hút và tạo nền tảng khách hàng.
Với tỷ lệ CASA vượt 30%, Techcombank ghi nhận NIM đạt mức 4,2% trong 9 tháng đầu năm, một trong những mức NIM cao nhất hiện nay. Trong khi đó, NIM của MB trong ba năm trở lại đây đều cao trên ngưỡng 4%.
Năm 2019, Vietcombank ghi nhận mức lãi kỉ lục hơn 23.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) cao nhất toàn ngành trong khi Techcombank và MBBank đều ghi nhận lợi nhuận trước thuế vượt 10.000 tỷ đồng. Đó là những minh chứng điển hình.
Nhận thấy những lợi ích mà nguồn vốn rẻ mang lại, gần đây, nhiều ngân hàng đã chấp nhận hy sinh thu nhập từ phí dịch vụ để thực hiện các chính sách giảm, miễn phí tài khoản, chuyển tiền, thanh toán nhằm thu hút khách hàng mở tài khoản thanh toán, từ đó duy trì lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn để tăng tỷ lệ CASA.
Thống kê của Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank KimEng cũng cho thấy, NIM của 18 ngân hàng đang niêm yết được cải thiện từ mức 3,1% của năm 2018 lên 3,4%, của toàn ngành là 3,56%. Cải thiện NIM đến từ tăng trưởng tín dụng bán lẻ, bao gồm tài chính tiêu dùng ở một số ngân hàng như: VPBank, HDBank, MB, SHB...
Thu phí dịch vụ tăng 32% và chiếm 10,7% tổng thu nhập của ngân hàng. Các ngân hàng có thu phí dịch vụ tăng trưởng mạnh là VietBank, LienVietPostBank, VIB, NCB, VPBank...Tổng thu nhập tăng 20,8% nhưng chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng có tốc độ tăng thấp hơn, lần lượt là 15% và 18,8% đã giúp lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng niêm yết tăng 29,5%.
Năm 2020, theo dự báo của Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), NIM toàn ngành năm 2020 tiếp tục tăng 6 điểm cơ bản lên mức 3,62%.
Trong đó, BSC nhấn mạnh đến việc nhiều ngân hàng đã cắt giảm chi phí hoạt động, tập trung tăng năng suất lao động và áp dụng digital banking (ngân hàng số) vào giúp tiết giảm chi phí. Xu thế này được dự báo diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới, đặc biệt tại TPBank, Techcombank. Đối với bộ máy cồng kềnh của BIDV, VietinBank, Vietcombank sẽ mất nhiều thời gian hơn để có thể áp dụng công nghệ.