Vì sao ngân hàng không ngại Mobile Money?

12/06/2020 12:39 GMT+7
"Vị thế của các nhà mạng sẽ lớn hơn, nhưng không có nghĩa ngân hàng sẽ bé đi". Nhà mạng và các ngân hàng sẽ phát triển song song.

Sau nhiều lần trì hoãn, việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các giao dịch có giá trị nhỏ hay còn gọi là Mobile Money dự kiến sẽ đi vào thực tế trong tháng 6 này.

Những lợi ích mà Mobile Money mang lại không chỉ bao gồm việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, mà còn đưa dịch vụ tài chính cơ bản tới gần hơn những vùng miền mà ngân hàng chưa vươn tới được và giúp người dân có thể tiếp cận các khoản vay vi mô với chi phí thấp hơn.

Giới chuyên gia nhìn nhận, nếu việc thí điểm Mobile Money được triển khai, các công ty viễn thông sẽ chính thức bước vào thị trường dịch vụ thanh toán, với nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với ngân hàng và các ví điện tử hiện đang tham gia vào thị trường thanh toán số của Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra, sự xuất hiện của Mobile Money có thực sự là mối đe dọa đối với các ngân hàng hay không?

Đánh giá tác động của Mobile Money tới vị thế của các ngân hàng, trong nhận định mới đây về Mobile Money, nhóm phân tích của Chứng khoán BSC cho rằng, "vị thế của các nhà mạng sẽ lớn hơn, nhưng không có nghĩa ngân hàng sẽ bé đi". Nhà mạng và các ngân hàng sẽ phát triển song song. Đối tượng của Mobile Money sẽ tập trung ở những người không có tài khoản ngân hàng, là những người sống ở vùng sâu, vùng xa.

Thậm chí, Mobile Money còn có thể nâng cao hiểu biết về dịch vụ tài chính cho người dân, từ đó hướng người dân sử dụng các sản phẩm tài chính nâng cao. Theo nhóm phân tích của BSC, các sản phẩm nâng cao của Mobile Money sẽ vẫn phải liên kết với ngân hàng.

Về vấn đề này, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại nhận định, Mobile Money nhắm vào thị trường ngách, vào phân khúc nhỏ lẻ mà các ngân hàng không đủ sức phủ sóng hết. Vì vậy, Mobile Money mang tính bổ sung nhiều hơn là cạnh tranh với các ngân hàng, cùng tạo lập thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy nhanh tài chính toàn diện. Mobile Money phát triển cũng sẽ thúc đẩy hợp tác ngân hàng - fintech để đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

"Mobile Money là hệ thống thanh toán nhỏ lẻ, không cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng. Chúng tôi ủng hộ sự phát triển của mô hình này và mong rằng, Mobile Money trở thành cánh tay nối dài của Ngân hàng", một lãnh đạo ngân hàng từng khẳng định.

Điều này hoàn toàn có cơ sở. Chẳng hạn như Ví Việt (ví điện tử của LienVietpostbank) hiện đang hoạt động của các ngân hàng dù phát triển rất tốt, nhưng đang gặp khó khăn là người ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn không thể nạp tiền vào ví để chi tiêu. Nếu cho phép Mobile Money được nạp tiền vào Ví Việt thì rõ ràng người dân mới có thể sử dụng ví điện tử này thuận lợi.

Vì sao ngân hàng không ngại Mobile Money? - Ảnh 2.

BSC: "Vị thế của các nhà mạng sẽ lớn hơn, nhưng không có nghĩa ngân hàng sẽ bé đi"

Đối với các Ví điện tử khác trên thị trường, khi dịch vụ Mobile Money triển khai trên thực tế, tình trạng cạnh tranh giữa Mobile Money và các mô hình ví điện tử hiện nay sẽ gia tăng. Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực đó là cạnh tranh lành mạnh, có kết hợp, có hợp tác với nhau để mang lại nhiều lợi ích hơn. Điều này đã được chứng minh trên thực tế tại các quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan….

Tuy nhiên, nếu muốn thực hiện được điều này bắt buộc Chính Phủ phải có một hệ sinh thái thích hợp để các bên có thể cùng chia sẻ thông tin dữ liệu và kết quả thẩm định, đánh giá khách hàng cho nhau. Điều đó cũng đòi hỏi Việt Nam cần phải hoàn thiện môi trường pháp lý, yêu cầu có tính pháp lý cho tiền di động, hơn thế Chính Phủ cũng phải cho phép tính pháp lý này chuyển động.

Một điểm phải lưu ý, với sự ra mắt của các tân binh như Mobile Money, thị trường có thể sẽ phải chứng kiến sự đào thải một số ví điện tử. Bởi trong cuộc đua này, đơn vị nào cung cấp dịch vụ tốt, thu phí hợp lý và có hệ sinh thái đa dạng sẽ là người chiến thắng.


Nhật Minh
Cùng chuyên mục