Thí điểm Mobile Money
Thông tin trên được đại diện Ngân hàng đưa ra tại Hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp ngày 9/5. Ngân hàng Nhà nước cũng hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Thông tin trên không chỉ được các nhà mạng trong nước mà rất nhiều fintech, trong đó có cả doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài mong đợi. Đại diện VNPT, Viettel và MobiFone đều cho biết đã nộp hồ sơ xin phép lên NHNN và sẵn sàng triển khai nếu được phê duyệt.
Dịch vụ Mobile Money cho phép chủ thuê bao di động thanh toán trực tiếp các giao dịch giá trị nhỏ bằng tài khoản viễn thông. Nếu triển khai thành công, mỗi số điện thoại sẽ có khả năng thanh toán tương tự tài khoản ngân hàng và Việt Nam sẽ có thêm 130 triệu tài khoản thanh toán.
Mobile Money đã có mặt tại nhiều quốc gia đang phát triển và mang lại khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho nhóm khách hàng mà các ngân hàng truyền thống chưa thể vươn đến phục vụ.
Theo báo cáo của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, tiền di động hiện đang hoạt động tại 90 quốc gia với gần 870 triệu tài khoản đăng ký, 272 ứng dụng, doanh số giao dịch mỗi ngày bình quân 1,3 tỷ USD và hơn 1 triệu tài khoản duy trì hoạt động trong ít nhất là 90 ngày.
Dù có rất nhiều ưu điểm, đặc biệt là sự thuận tiện, chi phí thấp, khả năng phủ sóng tốt… Tuy nhiên, Mobile Money cũng tiềm ẩn ột số rủi ro như: dữ liệu có thể thiếu chính xác (do việt Nam còn sử dụng nhiều sim rác), bảo mật dữ liệu khách hàng của nhà mạng kém hơn ngân hàng, khó kiểm soát hoạt động của các đại lý, có thể bị lợi dụng cho các mục đích gian lận, bất hợp pháp, nguy cơ mất tiền của khách hàng cao hơn ngân hàng…
Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn dữ liệu, bảo vệ tiền trong tài khoản của người dân cũng như chống gian lận, NHNN, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rất thận trọng trong đưa ra hành lang pháp lý trước khi cấp phép thử nghiệm Mobile Money.