Vì sao ngành dược Việt Nam trở nên hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?

Quang Dân Thứ hai, ngày 16/11/2020 13:58 PM (GMT+7)
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài âm thầm rót vốn mạnh vào ngành dược Việt Nam để giữ quyền chi phối. Các công ty dược lớn hiện nay đều nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài.
Bình luận 0

Thời gian qua, một số doanh nghiệp (DN) nước ngoài ồ ạt đầu tư cũng như thâu tóm cổ phần của các "ông lớn" ngành Dược trong nước khiến nhiều người lo ngại việc công ty nội địa sẽ bị loại khỏi cuộc chơi ngay trên chính sân nhà.

Doanh nghiệp ngoại ồ ạt đầu tư vào ngành Dược

Thực tế cho thấy, làn sóng thâu tóm ngành dược đã diễn ra từ lâu. Cụ thể, năm 2011, Stada Service Holding B.V – một công ty con của hãng dược phẩm Stada (Đức), âm thầm mua cổ phần Pymepharco lúc công ty này còn chưa niêm yết.

Pymepharco tiền thân là Công ty Dược và Vật tư Y tế Phú Yên được thành lập năm 1989 và được chuyển đổi thành công ty cổ phần từ năm 2008. Đến cuối năm 2018, Stada Service Holding B.V đã sở hữu tới 62% cổ phần Pymepharco, đạt được mục tiêu chi phối.

Doanh nghiệp ngoại ồ ạt đầu tư vào ngành Dược - Ảnh 1.

công ty dược khác của Nhật Bản là ASKA đã mua thành công hơn 6,5 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây

Tuy nhiên, làn sóng này chỉ thực sự được chú ý kể từ khi Taisho Pharmaceutial Holdings (thuộc Tập đoàn Taisho Holdings của Nhật Bản) mua lại 24,5% cổ phần của công ty dược lớn nhất trên sàn chứng khoán là Dược Hậu Giang (DHG) hồi giữa năm 2016. Đến nay, đối tác này đã nâng sở hữu lên mức chi phối là 51% cổ phần.

Trước đó, năm 2011, Stada Service Holding B.V – một công ty con của hãng dược phẩm Stada (Đức), âm thầm mua cổ phần Pymepharco lúc công ty này còn chưa niêm yết.

Pymepharco tiền thân là Công ty Dược và Vật tư Y tế Phú Yên được thành lập năm 1989 và được chuyển đổi thành công ty cổ phần từ năm 2008. Đến cuối năm 2018, Stada Service Holding B.V đã sở hữu tới 62% cổ phần Pymepharco, đạt được mục tiêu chi phối.

Tượng tự sau đó là việc Tập đoàn Abbot (Mỹ) cũng âm thầm mua lại Công ty TNHH Dược phẩm Glomed. Đây là công ty dược phẩm có tên tuổi trên thị trường dược phẩm Việt Nam.

Chưa dừng lại ở đó, trong năm 2018, Abbot nâng sở hữu tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC) lên mức 51%. Domesco đã được CFR International SPA – công ty dược lớn nhất Chile mua 42% cổ phần vào năm 2012, nhưng sau đó CFR bị Abbot mua lại hoàn toàn vào năm 2014.

Mới đây nhất, hồi cuối tháng 8/2020, một công ty dược khác của Nhật Bản là ASKA đã mua thành công hơn 6,5 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây (DHT), tương đương gần 25% cổ phần. Được định vị là nhà đầu tư chiến lược, việc ASKA tăng dần sở hữu tại DHT đến mức chi phối là điều các nhà đầu tư đoán trước được.

Thị trường đầy tiềm năng 

Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn để các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia thành lập cơ sở sản xuất để từ đó xuất sang các quốc gia khác.

Thị trường bán buôn (vào các bệnh viện), bán lẻ 94 triệu dân cho thấy dư địa phát triển ngành dược Việt Nam rất lớn, song các doanh nghiệp nội địa hiện nay mới chỉ đáp ứng được 52,5% nhu cầu dược phẩm trong nước, số còn lại phải thông qua nhập khẩu.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện tại Việt Nam có khoảng 180 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm (bao gồm cả DN trong nước và DN FDI), khoảng 194 nhà máy thuộc 158 DN đạt chuẩn GMP- WHO (thực hành tốt sản xuất thuốc).

Vì sao ngành dược Việt Nam trở nên hấp dẫn nhà đầu tư ngoại? - Ảnh 3.

Dư địa phát triển ngành dược Việt Nam rất lớn

Sản xuất trong nước chủ yếu là các dạng bào chế đơn giản, sản xuất các loại thuốc generic (sản xuất trực tiếp tiêu thụ trong nước và gia công thuê cho các DN nước ngoài). Trung bình mỗi năm tiêu thụ khoảng 60.000 tấn nguyên liệu dược phẩm các loại, trong đó 80% - 90% nguyên liệu dược phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong khi đó, Việt Nam đang chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng và thực chất vào nền kinh tế toàn cầu, mức độ mở cửa của ngành dược sẽ ngày càng lớn. Xu hướng M&A giữa các DN dược trong nước và các DN nước ngoài diễn ra mạnh mẽ cả trong lĩnh vực sản xuất lẫn phân phối.

Hơn thế nữa, Chính phủ đã đặt ra tham vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất thuốc generic (thuốc gốc) tại khu vực Đông Nam Á với những chính sách hỗ trợ, càng tiếp thêm động lực cho các DN ngoại có động lực đầu tư vào Việt Nam.

Theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường IBM, qui mô ngành dược phẩm của Việt Nam có thể đạt con số 7,7 tỷ USD vào năm 2021, và lên đến 16,1 tỷ USD vào năm 2026. Tỉ lệ tăng trưởng kép có thể đạt 11%.

Hệ quả tất yếu của quá trình hội nhập

Trao đổi với Dân Việt xung quanh vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, làn sóng nhà đầu tư ngoại đầu tư vào ngành dược là hệ quả tất yếu của quá trình hội nhập.

"Luật pháp cho phép, thị trường liên thông, cho nên không chỉ có ngành dược và nhiều ngành kinh tế khác đều sẽ nhận được nguồn vốn đầu tư nước ngoài", ông Doanh cho hay.

Tuy nhiên, đối với ngành dược cần chú trọng đến việc bảo đảm an ninh quốc gia. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay mỗi một quốc gia đều phải phát triển công nghiệp dược phẩm ở mức độ cần thiết, không thể trong chờ vào nhập khẩu các mặt hàng tối cần thiết cho người dân để chữa bệnh.

"Tôi đề nghị Bộ Y tế cần có việc xem xét và theo dõi làn sóng này, bảo đảm ngành dược chúng ta được an toàn về mặt dược phẩm, y tế đối với đất nước 100 triệu dân như Việt Nam", ông Doanh nhấn mạnh.

Vì sao ngành dược Việt Nam trở nên hấp dẫn nhà đầu tư ngoại? - Ảnh 5.

Làn sóng nhà đầu tư ngoại đầu tư vào ngành dược là hệ quả tất yếu của quá trình hội nhập

Trong khi đó, TS Ngô Trí Long cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh và năng động ở châu Á, thu nhập người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu chăm sóc sức khỏe có chất lượng đang tăng lên.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một điểm đến thu hút đối với khách du lịch quốc tế và du lịch chăm sóc sức khỏe. Số lượng trung tâm chăm sóc sức khỏe đang tăng lên để phục vụ sự gia tăng của khách du lịch nước ngoài.

"Do đó, thị trường Việt Nam đầy tiềm năng, hấp dẫn các nhà đầu tư là điều tất yếu" - ông Long nhấn mạnh. 

Ngoài ra, theo TS Ngô Trí Long, với tiến trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam thông qua các hiệp định thương mại, các công ty dược phẩm trong nước sẽ đối diện với sức ép cạnh tranh lớn hơn từ các công ty nước ngoài do việc cắt giảm các hàng rào bảo hộ.

Hơn nữa, các công ty dược trong nước chủ yếu sản xuất thực phẩm chức năng, còn tân dược thì nghiêng về thuốc generic - dược phẩm hết thời gian bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (chiếm trên 50%), trong khi biệt dược lại là "sân chơi" của doanh nghiệp dược FDI. Do vậy, để tăng lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp nội phải tăng chi phí cho R&D (nghiên cứu - phát triển), hoặc hợp tác với những công ty dược nước ngoài nhằm nâng cao năng lực sản xuất.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem