Vì sao phải tăng cường các chuyến bay tới sân bay Cần Thơ?

09/05/2022 12:55 GMT+7
Bộ GTVT vừa yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không tiếp tục theo dõi, nghiên cứu thị trường để mở các đường bay quốc tế/nội địa mới đi/đến sân bay Cần Thơ.

Việc tăng cường các chuyến bay tới sân bay Cần Thơ nhằm thực hiện có hiệu quả kết nối hàng không – du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo đề án tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2019.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm khuyến khích các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục có chính sách ưu đãi giá trên các đường bay khai thác đi/đến Cần Thơ. Cùng với đó, xem xét ưu tiên xác nhận giờ hạ cất cánh (slot) cho các chuyến bay đi/đến cảng hàng không quốc tế Cần Thơ theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không cần nghiên cứu phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP.Cần Thơ và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp trong ngành hàng không và các cơ quan, đơn vị có liên quan khác tổ chức Hội thảo Quảng bá du lịch, điểm đến Cần Thơ trong thời gian sớm nhất.

Vì sao phải tăng cường các chuyến bay tới sân bay Cần Thơ? - Ảnh 1.

Bộ GTVT yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục có chính sách ưu đãi giá trên các đường bay khai thác đi/đến Cần Thơ. Ảnh: CTV

Đồng thời, chủ động làm việc trực tiếp với các hãng hàng không quốc tế để giới thiệu, định hướng để các hãng mở rộng mạng đường bay đến Việt Nam, trong đó có điểm đến là Cần Thơ.

Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương nghiên cứu xây dựng Đề án tăng cường khai thác các chuyến bay đi/đến cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, báo cáo Bộ GTVT trong tháng 6/2022.

Với vai trò là nhà khai thác, ACV được giao nghiên cứu sớm đưa cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đảm bảo khai thác 24/7 để có thể tiếp nhận các chuyến bay quốc tế trong khung giờ tối.

Ngoài ra, Bộ GTVT yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục có chính sách ưu đãi giá trên các đường bay khai thác đi/đến Cần Thơ; theo dõi, nghiên cứu thị trường để mở các đường bay quốc tế/nội địa mới đi/đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ; thực hiện có hiệu quả kết nối hàng không – du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo đề án tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam vừa tiếp tục đề xuất Bộ Giao thông Vận tải các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, tạo tiền đề cho sự phục hồi và phát triển trong tương lai.

Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2022, sản lượng hành khách vận chuyển ước đạt từ 42 - 47 triệu lượt hành khách tăng từ 170 - 200% so với năm 2021 nhưng giảm trên 40% so với năm 2019. Tính riêng thị trường nội địa, lượng hành khách vận chuyển ước đạt từ 33 - 35 triệu lượt khách giảm từ 6 - 10% so với năm 2019.

Phía Cục Hàng không đánh giá năm 2022, dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát, các hoạt động kinh tế-xã hội cũng đã dần trở lại trạng thái bình thường mới, tuy nhiên cần nhiều thời gian hơn để các doanh nghiệp có thể khắc phục tổn thất, khôi phục lại hoạt động kinh doanh.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn, tạo tiền đề cho sự phục hồi và phát triển trong tương lai, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục ban hành chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 và áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Thế Anh
Cùng chuyên mục