Vì sao Thaco “lội ngược dòng”?

Thứ hai, ngày 10/04/2017 12:57 PM (GMT+7)
Tuần trước, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đã khởi công nhà máy sản xuất xe Mazda quy mô 100.000 chiếc/năm ở khu kinh tế mở Chu Lai, vốn đầu tư 520 triệu đô la Mỹ. Có ý kiến cho rằng đây là một hướng đi “ngược dòng” của Thaco.
Bình luận 0

img

Dự án sản xuất xe Mazda của Thaco được cho là một hướng đi mạo hiểm.Ảnh: Quốc Hùng

Các liên doanh thu hẹp sản xuất

Theo cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) của Việt Nam, thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (CBU) từ các quốc gia nội khối giảm về 0% trong năm 2018 so với mức 30% của năm 2017. Với việc giảm thuế này, các liên doanh lắp ráp ô tô trong nước đang thu hẹp sản xuất và có thể tiến đến ngưng lắp ráp, chuyển sang nhập khẩu ô tô nguyên chiếc.

Không chỉ những thương hiệu có lượng bán ra thấp như Mitsubishi, Suzuki, Isuzu, Nissan... mà ngay cả những liên doanh có thị phần lớn như Toyota, Honda... cũng đang thu hẹp sản xuất. Bởi lẽ hầu hết các hãng xe này đều đã có ít nhất một nhà máy tại Thái Lan hoặc Indonesia, hoặc cả hai. Tất cả nhà máy đó đều có quy mô lớn hơn các nhà máy tại Việt Nam.

Thời gian qua, so với các dự án sản xuất ở Thái Lan và Indonesia, các nhà máy tại Việt Nam chỉ nhận được những khoản đầu tư nhỏ giọt từ các tập đoàn, bởi thị trường trong nước còn nhỏ và ngành công nghiệp hỗ trợ lại chậm phát triển. Bên cạnh đó, chính sách phát triển công nghiệp ô tô trong nước cũng chưa đủ sức hấp dẫn do yêu cầu đảm bảo cơ sở hạ tầng không bị quá tải. Và khi các nước trong khối ASEAN trở thành một thị trường chung miễn thuế, việc các tập đoàn đa quốc gia chọn đầu tư sản xuất ở các nước có lợi thế cạnh tranh rồi xuất khẩu sang các nước khác là điều dễ hiểu.

Theo các hãng ô tô, quy mô thị trường ô tô Việt Nam chỉ bằng một phần sáu Indonesia, bằng một phần năm Thái Lan, nhưng lại hiện diện nhiều mẫu xe, dẫn đến sản lượng của mỗi mẫu xe là rất nhỏ, khiến chi phí sản xuất tại Việt Nam có thể cao hơn tới 20%. Do vậy, việc các liên doanh từ bỏ lắp ráp tại Việt Nam để chuyển sang nhập khẩu diễn ra ngày càng mạnh.

Đơn cử như Toyota Việt Nam (TMV), từ đầu năm 2017, thương hiệu này chỉ còn lắp ráp bốn mẫu xe so với 5 mẫu trước đây, và còn đang cân nhắc tiếp tục thu hẹp chỉ còn lắp ráp 2-3 mẫu. Động thái này được TMV lý giải là để tập trung tăng sản lượng cho các mẫu xe còn lại nhằm giảm chi phí.

Năm 2016, TMV bán được hơn 57.000 chiếc ô tô các loại (kể cả xe nhập khẩu), trong đó, mẫu Fortuner bán được 11.585 chiếc, cao thứ hai trong số năm mẫu xe sản xuất tại Việt Nam của Toyota. Thế nhưng từ đầu năm nay, TMV đã dừng lắp ráp mẫu xe này và thay bằng xe Fortuner nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia. Chỉ tính hai tháng đầu năm nay, TMV bán được khoảng 2.140 chiếc Fortuner, vượt lượng bán hàng trung bình mỗi tháng của TMV khi còn lắp ráp dòng xe này.

Thaco “lội ngược dòng”

Trong bối cảnh đó, dự án sản xuất xe Mazda của Thaco được cho là một hướng đi mạo hiểm.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quyết định này của Thaco có cơ sở của nó. Đó là cho tới nay, tập đoàn Mazda chưa có nhà máy riêng với quy mô lớn trong khu vực ASEAN. Mazda có nhà máy liên doanh tại Thái Lan song sản lượng thấp và chỉ sản xuất dòng xe bán tải (pick-up). Hiện chỉ có Thaco sản xuất các mẫu xe du lịch Mazda và đây là một cơ hội lớn, một bước đệm để nhà sản xuất ô tô trong nước này hướng tới xuất khẩu.

Đáng chú ý, thương hiệu ô tô Mazda mới trở lại thị trường Việt Nam được khoảng sáu năm nay nhưng đã nhanh chóng có thị phần lớn, bỏ xa các đối thủ ở cùng phân khúc đã có mặt từ 10-20 năm (như Ford, Honda, Mitsubishi, Isuzu, GM...). Chỉ tính riêng năm 2016 đã có hơn 32.000 chiếc Mazda được bán ra, tăng 58% so với năm 2015. Trong khi với Ford, sau hơn 20 năm hoạt động, hãng này mới đạt tới con số hơn 29.000 chiếc bán ra hồi năm ngoái, và là mức tiêu thụ cao nhất kể từ khi có mặt ở Việt Nam.

Một trong những điểm thuận lợi khiến sức tiêu thụ đối với xe Mazda tăng cao là giá bán “mềm” hơn so với các đối thủ cùng phân khúc. Các đại lý bán xe Mazda cũng do Thaco kinh doanh nên có thể tự chủ về giá bán.

Theo ông Bùi Kim Kha, Phó tổng giám đốc kinh doanh xe du lịch của Thaco, có những lúc hãng này đã chấp nhận giảm lợi nhuận đến mức thấp nhất, thậm chí hòa vốn hoặc lỗ để đổi lấy dung lượng thị trường. Có thời điểm một chiếc Mazda giảm giá đến gần 200 triệu đồng. Nếu như trước đây, việc này dễ gặp phải làn sóng phản ứng của những khách mua xe trước đó, thì trong bối cảnh thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN giảm mạnh hiện nay, sự linh hoạt giá bán của Thaco được người tiêu dùng chấp nhận. Và thực tế là việc giảm giá bán của Thaco đã kéo theo một số liên doanh cũng phải điều chỉnh giảm giá để cạnh tranh.

Hiện Mazda Nhật Bản đã đồng ý chuyển giao công nghệ cho nhà máy mới của Thaco. Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, chỉ cần nhà máy đạt sản lượng 50.000 chiếc/năm trở lên thì hãng hoàn toàn có thể giảm giá thành và tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Đến nay, Thaco đã đạt tỷ lệ nội địa hóa hơn 50% đối với xe buýt; 30-35% đối với xe tải. Riêng với xe con gồm Mazda, Kia và Peugeot, tỷ lệ này mới đạt 18% đối với một số mẫu có sản lượng cao. Mục tiêu đặt ra là sau năm 2018, tỷ lệ này đạt tới 40% và Thaco tiến tới xuất khẩu ra các nước trong khu vực. 

Quốc Hùng (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem