Vì sao tỉnh Bình Thuận cấm tất cả các hoạt động khai thác các loài hải đặc sản từ 1/4 đến 31/7?

Thứ bảy, ngày 14/05/2022 18:52 PM (GMT+7)
Bình Thuận được xem là một trong những ngư trường lớn nhất của cả nước, là nơi tập trung các loại hải đặc sản nhuyễn thể 2 mảnh vỏ có giá trị cao như điệp, sò lông, bàn mai, nghêu lụa, sò giấy…
Bình luận 0

Do đó, nhiều năm nay UBND tỉnh Bình Thuận đã ra thông báo cấm tất cả các hoạt động khai thác các loài hải đặc sản (mùa sinh sản) từ 1/4 đến 31/7, nhờ đó, nguồn lợi thủy sản sinh sôi phát triển.

Hàng năm, vào mùa cá nam, toàn tỉnh có hàng trăm lượt tàu thuyền hành nghề lặn hải đặc sản tập trung nhiều nhất là tại vùng biển Tuy Phong và La Gi. Nguồn lợi tự nhiên này được coi là thu nhập chính của lao động biển chuyên nghề lặn ở các xã như Chí Công, Phước Thể, Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong). 

Mỗi năm sản lượng khai thác sò điệp toàn tỉnh khoảng 9.000 tấn, chiếm hơn 50% tổng sản lượng khai thác hải đặc sản, sò lông gần 2.000 tấn chiếm hơn 10%...Mỗi ngày thu nhập của ngư dân từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng. 

Do đó, hàng trăm ngư dân chuyên lặn hải đặc sản trong tỉnh có thu nhập khá, đời sống dần được cải thiện. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn lợi hải sản đang có xu hướng giảm mạnh. Nhiều ngư dân vì lợi ích riêng, chưa có ý thức, đã đánh bắt theo kiểu tận diệt, không còn lặn theo kiểu truyền thống mà đa số chuyển sang lặn chích điện, khai thác cả hải sản non và hải sản đang trong thời gian sinh sản. 

Thêm vào đó, tình trạng giã cào bay hoạt động sai tuyến trở nên phức tạp, một số tàu thuyền sử dụng chất nổ để khai thác… Đó là nguyên nhân chính khiến nguồn lợi hải sản từ biển đứng trước nguy cơ tận diệt.

Năm 2012, UBND tỉnh Bình Thuận (cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước) đã có thông báo, từ 1/4 đến 31/7 sẽ cấm tất cả các hoạt động khai thác các loài hải đặc sản (nhuyễn thể 2 mảnh vỏ và các loại ốc) trên toàn vùng biển Bình Thuận, để bảo vệ và khôi phục nguồn lợi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ có giá trị kinh tế cao đang ngày càng bị cạn kiệt. 

Sau đó, UBND tỉnh ban hành thêm Quyết định 61, cấm tàu giã cào có công suất 150 CV trở lên hoạt động trong thời gian trên, nhằm tái tạo, bảo vệ nguồn lợi hải đặc sản. 

Vì sao tỉnh Bình Thuận lệnh cấm tất cả các hoạt động khai thác các loài hải đặc sản từ 1/4 đến 31/7? - Ảnh 2.

Cạy sò. (Ảnh tư liệu).

Những năm đầu áp dụng quy định trên, nhiều ngư dân nghề lặn và chủ tàu hành nghề giã cào phản ứng mạnh. Một số ngư dân ở thị trấn Phan Rí Cửa từng đến UBND thị trấn thắc mắc, phản đối quy định trên, vì họ không biết làm gì trong 4 tháng “cấm vận”. 

Sau một thời gian được chính quyền địa phương tuyên truyền, giải thích, ngư dân dần quen với lệnh cấm trên. Tàu thuyền hành nghề lặn chưa được cấp phép, buộc phải đến các vùng biển khác hoạt động, kiếm kế sinh nhai như Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang hay Hà Tĩnh, Phú Yên… 

Riêng những tàu giã cào đành chuyển nghề trong 4 tháng, hoặc có thể bỏ lưới giã cào đi đánh bắt ngoài khơi. Khi thực hiện lệnh cấm này, không phải 100% ngư dân đều chấp hành, có người cũng lén lút hoạt động, chấp nhận đóng phạt để đi lặn. 

Chưa kể tàu giã cào bay ngoài tỉnh thường xuyên kéo về khai thác trong vùng biển Bình Thuận, dẫn đến lực lượng kiểm ngư, Thanh tra thủy sản chốt chặn, tuần tra vô cùng vất vả do lực lượng còn yếu và thiếu. Chính vì thế, những năm qua, đã có nhiều vụ tàu tuần tra của ngành thủy sản bị các tàu giã cào chống trả, xô xát ở mức nghiêm trọng.

Theo Chi cục Thủy sản, trong thời gian cấm khai thác, các ngành chức năng đã tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến các chủ phương tiện lặn, các tụ điểm tập kết, thu mua, vận chuyển hải đặc sản đang cấm khai thác. 

Sau nhiều năm thực hiện lệnh cấm, hiệu quả bước đầu cho thấy, một số loài đã xuất hiện trở lại nhiều hơn, kích cỡ lớn hơn. 

Ngoài ra, các cơ quan chức năng của ngành còn phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành chỉ đạo trên, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các trường hợp cố tình vi phạm. 

Bên cạnh việc cấm khai thác, ngành thủy sản cùng các địa phương đã có nhiều đợt thả con giống xuống biển nhằm tái tạo và xây dựng các mô hình cộng đồng bảo vệ sò lông, điệp quạt mang lại hiệu quả cao.

Có thể thấy, nhờ công tác tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” trong ngư dân, 10 năm qua việc khai thác hải đặc sản trong thời gian cấm tuy chưa được thực hiện triệt để, nhưng đa số ngư dân cũng nhận ra rằng lệnh cấm khai thác trong “thời gian vàng” đã mang lại quả ngọt, khi nguồn lợi hải đặc sản trong tỉnh Bình Thuận ngày càng được sinh sôi, tái tạo giúp sinh kế của ngư dân ngày càng ổn định, kinh tế biển dần trở thành nền kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Minh Vân (Báo Bình Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem