Vì sao Ủy ban Dân tộc đánh giá Quảng Ninh là điểm sáng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia?

Bùi My Thứ sáu, ngày 12/04/2024 06:09 AM (GMT+7)
Đó là khẳng định của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, diễn ra vào ngày 10/4.
Bình luận 0

Nghị quyết riêng có của Quảng Ninh

Quảng Ninh đã thực hiện thành công mục tiêu đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trước 1 năm so với kế hoạch. Tình hình kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn phát triển hơn so với trước, song vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo chủ yếu rơi vào khu vực miền núi, biên giới, hải đảo; thoát nghèo chưa bền vững; chênh lệch khá lớn giữa trình độ kinh tế so với các vùng miền khác của tỉnh.

Vì sao Ủy ban Dân tộc đánh giá Quảng Ninh là điểm sáng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia?- Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Bùi My

Chính vì thế, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 06 - NQ/TU ngày 17/5/2021 “về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".

Trong 3 năm (2021-2023) tỉnh Quảng Ninh đã huy động trên 114.000 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết số 06 gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia. Điểm nổi bật và khác biệt của Quảng Ninh là ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp và vốn ngân sách nhà nước lồng ghép chỉ chiếm khoảng 16%, vốn huy động xã hội hóa chiếm đến 84% (chủ yêu từ vốn tín dụng chiếm tới 82,5%). 

Như vậy, từ một đồng ngân sách nhà nước đầu tư, Quảng Ninh đã huy động được trên 5 đồng ngoài ngân sách để đầu tư thực hiện nâng cao được chất lượng đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.

Vì sao Ủy ban Dân tộc đánh giá Quảng Ninh là điểm sáng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia?- Ảnh 2.

Huyện Bình Liêu là huyện dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Bùi My

Sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong số 25 chỉ tiêu cụ thể thuộc 10 nhóm mục tiêu đến năm 2025, đến nay có 11 chỉ tiêu vượt, 9 chỉ tiêu đã đạt, 5 chỉ tiêu chưa đạt (hiện đã đạt từ 76,9% - 99,4% và đang trong đúng lộ trình để đạt vào năm 2024 và năm 2025).

Cụ thể, đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt 73,348 triệu đồng/người/năm (tăng 1,7 lần so với năm 2020; cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước và cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước về nâng mức thu nhập bình quân của người DTTS).

Vì sao Ủy ban Dân tộc đánh giá Quảng Ninh là điểm sáng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia?- Ảnh 3.

Quảng Ninh cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 từ Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa, thu hút các dự án đầu tư, xóa đói giảm nghèo vùng khó. Ảnh: Bùi My

Vì sao Ủy ban Dân tộc đánh giá Quảng Ninh là điểm sáng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia?- Ảnh 4.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký trò chuyện, thăm hỏi đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số các xã biên giới ở TP.Móng Cái. Ảnh: Bùi My

Hết năm 2023, Quảng Ninh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương; hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho người có công, xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát; tỷ lệ hộ nghèo, đồng bào DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hộ đồng bào DTTS sử dụng nước sạch đạt 67,17%.

Đến nay, 100% thôn được phủ sóng điện thoại di động và hạ tầng băng rộng cáp quang, xóa “vùng lõm” sóng điện thoại di động ở các khu vực có dân cư sinh sống thuộc địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo; 100% hộ đồng bào DTTS được xem truyền hình, nghe đài phát thanh Quốc gia và của tỉnh; tỷ lệ đồng bào DTTS có BHYT đạt trên 98%; 100% xã duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế xã…

Vì sao Ủy ban Dân tộc đánh giá Quảng Ninh là điểm sáng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia?- Ảnh 5.

Trong 3 năm qua, Quảng Ninh đã đầu tư nâng cấp 24 trường học, trong đó có 3 trường ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ông Lý Tài Thông (người có uy tín tại xã Tân Dân, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đánh giá, sau 3 năm, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống, là ý đảng, lòng dân. Nghị quyết thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc phát triển vùng đồng bào DTTS miền núi một cách bền vững trong mọi lĩnh vực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đem lại hạnh phúc cho người dân.

"Thôn Bằng Anh, xã Tân Dân trước đây có rất nhiều hộ nghèo, nhưng đến nay thôn không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo. 100% hộ của thôn đã xây dựng được nhà ở khang trang, 12% hộ trong thôn có xe ô tô con để đi lại, có nhiều phương tiện để sản xuất hàng hóa hiện đại. Đến nay, nhiều người dân của thôn có thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/người/năm..." - ông Thông chia sẻ.

Vì sao Ủy ban Dân tộc đánh giá Quảng Ninh là điểm sáng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia?- Ảnh 6.

Lãnh đạo Trung ương, tỉnh Quảng Ninh trò chuyện với người dân tại hội nghị. Ảnh: Bùi My

Điểm sáng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Tại hội nghị, ông Y Vinh Tơr - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ghi nhận, chúc mừng những thành tích và kết quả nổi bật quan trọng mà tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết 06 gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt ghi nhận những cách làm chủ động, sáng tạo mà địa phương đã triển khai thông qua việc đặt mục tiêu của địa phương cao hơn mục tiêu chung của quốc gia. 

Đồng thời, với tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đã hoàn thành trước thời gian các mục tiêu chung so với cả nước. Riêng với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, tỉnh đã và đang thực hiện hiệu quả chương trình với tiêu chí nâng cao gắn với đặc thù của địa phương.

Vì sao Ủy ban Dân tộc đánh giá Quảng Ninh là điểm sáng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia?- Ảnh 7.

Thứ trưởng Y Vinh Tơr, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Bùi My

Quảng Ninh đã hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của Nghị quyết 06 bằng nguồn ngân sách của địa phương tự cân đối và đặc biệt là huy động tổng hợp các nguồn lực xã hội. Thậm chí nhiều chỉ tiêu, mục tiêu quan trọng đã vượt xa chỉ tiêu chung của cả nước. 

Đặc biệt, trong bố trí nguồn lực, huy động nguồn lực và giải ngân nguồn vốn đầu tư hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia, trong khi nhiều địa phương, nhiều tỉnh còn khó khăn trong thực hiện thì Quảng Ninh đã chủ động bố trí nguồn lực lớn, huy động hiệu quả các nguồn lực khác (chiếm đến 84%) để thực hiện hiệu quả các chương trình.

"Có thể khẳng định rằng, Quảng Ninh là điểm sáng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung và chương trình mục tiêu phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS, miền núi nói riêng" - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định.

Vì sao Ủy ban Dân tộc đánh giá Quảng Ninh là điểm sáng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia?- Ảnh 8.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Bùi My

Nỗ lực hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cảm ơn sự nỗ lực vượt bậc của người dân vùng miền núi, biên giới, hải đảo đã ngày càng phát huy vai trò làm chủ, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu. 

Theo Bí thư Quảng Ninh, người dân đã chủ động vay vốn để phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình, hợp tác xã, nhóm hộ, đóng góp tiền của, công sức, và hiến đất để xây dựng các công trình công cộng cộng trong ba năm qua.

Vì sao Ủy ban Dân tộc đánh giá Quảng Ninh là điểm sáng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia?- Ảnh 9.

27 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU nhận Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Bùi My

Những kết quả đạt được trong 3 năm qua đã tạo ra nền tảng, khí thế, động lực, niềm tin mới trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là trong khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo. 

Mục tiêu từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, toàn tỉnh kiên trì củng cố thành quả xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, đi sâu triển khai xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu bền vững gắn với đô thị hóa, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống và hạnh phúc của nhân dân.

Vì sao Ủy ban Dân tộc đánh giá Quảng Ninh là điểm sáng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia?- Ảnh 10.

25 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU nhận Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Bùi My

Ngoài ra, tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành tất cả các mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 06 và các chương trình mục tiêu quốc gia. 

Trong đó, đến hết năm 2024, không còn hộ nghèo, giảm 50% số hộ cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh; hết năm 2025 đạt thu nhập bình quân/đầu người vùng nông thôn trên 100 triệu đồng/năm; không còn hộ cận nghèo, để tiếp tục xây dựng chuẩn nghèo mới phù hợp với trình độ phát triển của tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem