Vị thám hoa quê Thái Bình đi sứ khiến vua nhà Minh khen, xếp ngang hàng nhân tài "Tam đại của Trung Hoa"

Thứ ba, ngày 04/04/2023 19:34 PM (GMT+7)
Đền Côn Giang, làng cổ Thuyền Quan nay thuộc xã Thái Hà, huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) nằm trong cụm di tích lịch sử cấp quốc gia thờ danh nhân, thám hoa Quách Hữu Nghiêm. Đền được khởi công xây dựng từ đầu thế kỷ XVI, sửa lại năm Bảo Đại thứ 12.
Bình luận 0

Tương truyền, khi đi sứ nhà Minh về tới Thăng Long, để động viên Thám hoa Quách Hữu Nghiêm (quê làng Phúc Khê Tiền, huyện Thanh Lan, phủ Tiên Hưng, nay là làng Phúc Khê, xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vua ủy thác “Toàn quân mệnh, tráng quốc uy” nghĩa là làm tròn bổn phận bề tôi đối với vua và dùng tài trí của mình, trọng trách vua ban để làm tăng thế nước... vua Lê Hiển Tông giữ “cụ Nghiêm” ở lại kinh thành 2 tháng rồi cho phép “cụ” về thăm quê. 

Về tới bến Côn Giang, theo lời dặn của vua nhà Minh “cụ” mở chiếc hòm quý ra thấy trong có 4 chữ bằng bạch kim “Côn Giang lão nhân” tự nhiên cụ không ốm mà mất, cùng lúc trời bỗng nổi phong ba nhấn chìm 9 thuyền quan...

Địa danh Thám hoa Quách Hữu Nghiêm mất là làng Thuyền Quan nay thuộc xã Thái Hà, huyện Thái thụy. Nơi đây là cửa sông Cun (Côn Giang), dân gian vẫn truyền tụng câu ca: “Trăm cửa bể phải nể cửa (Tuần) Vường, cửa Vường phải nhường cửa Cun”, khúc sông được sử cũ chép là sâu nhất Đại Việt thời bấy giờ. 

Bến Cun ngay cạnh làng Phúc Khê Tiền, quê hương Tiến sĩ Quách Đình Bảo, Thám hoa Quách Hữu Nghiêm, quan Thượng thư triều Lê. Mỗi lần từ kinh thành Thăng Long về quê, hai “cụ” đều phải đi qua khúc sông sâu thẳm, sóng to, gió lớn này. 

Cụ Nghiêm là con út tổ Quách Ý Trung, làng Phúc Khê Tiền, em cụ Quách Đình Bảo, Quách Đình Quý, Quách Đình Thực, “cụ” sinh ngày 3 tháng 10 năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442), triều Lê Thái Tông. Quách Hữu Nghiêm nổi tiếng thi thư và có tài ứng đối nhanh. Tuy sinh sau huynh trưởng (Quách Đình Bảo) 8 tuổi, nhưng sức học không hề kém huynh trưởng nên thành danh sớm hơn về danh vọng.

Vị thám hoa quê Thái Bình đi sứ khiến vua nhà Minh khen, xếp vào hàng nhân tài "Tam đại của Trung Hoa" - Ảnh 2.

Đền Côn Giang thờ Thượng thư Quách Hữu Nghiêm, xã Thái Hà, huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình)

Theo ngọc phả họ Quách làng Phúc Khê, sau khi đỗ Thám hoa, Quách Hữu Nghiêm về quê vinh quy bái tổ, “song thân” phụ mẫu vừa được “vinh phong” niềm vui chẳng “tày gang” thì ngày 20 tháng 3, mẫu thân của “cụ” từ trần, tiếp đó ngày 24 tháng 5 (nhuận) phụ thân của “cụ” tạ thế, anh cả Quách Đình Bảo cáo biệt triều đình về chịu tang được ít ngày đã có lệnh vua triệu hồi kinh. 

Hai anh là Quách Đình Quý và Quách Đình Thực vất vả lắm cũng không đảm trách nổi sự vụ, đúng lúc này lệnh của vương phủ Hành Nghĩa lại thúc giục “cụ Nghiêm” về Kinh, “cụ” liền dâng biểu xin cho được ở nhà chịu tang thay cho các huynh lo việc hiếu. 

Mùa hè năm Kỷ Sửu (1449), “cụ Nghiêm” về kinh nhận chức Hàn lâm đãi chế. Mùa thu năm Tân Mão (1471), vua Lê Thánh Tông thân đi đánh Chiêm Thành, “cụ” xin huynh trưởng Quách Đình Bảo tâu vua cho cùng theo hầu giá. Vua đồng ý cho đi cùng, giao “cụ” lo việc “thư ký quân vụ”, giải quyết việc ghi chép sổ sách, tổng hợp binh lương... truyền đạt mệnh lệnh. 29 tuổi “cụ” được hầu bên vua là vinh hạnh lớn, Quách Hữu Nghiêm siêng năng, sổ sách mạch lạc, tấu trình việc quân việc lương rành mạch, được vua yêu, cho gần thuyền ngự, khi hạ giá cho ở gần long trại. 

Đến cửa Đại Càn, đang vào mùa đông bỗng trời nổi gió chướng, sóng to, gió lớn chao đảo thuyền lương không thể hành quân tiếp, vua hạ lệnh rẽ vào sông Hoàng Mai cho binh lính nghỉ ngơi vừa đợi thuyền lương của quan vận tải Nguyễn Phục đến. 

Xa giá ngự phía hữu ngạn, cạnh đền Hương Càn, “cụ” Nghiêm ở trại bên tả quân phía trong Dị Nậu. Cảnh vật nơi đây thật là kỳ diệu, đồi núi xen đồng bằng, sông núi hữu tình, non xanh giao hòa biển biếc, “cụ” làm thơ vịnh hào khí quân ta, ca ngợi non nước. 

Duyên trời định, tại đây “cụ” Nghiêm đã gặp “cụ” bà Hồ Thị Thành vốn dòng dõi Hoàng tộc. Vì cựu thượng hoàng Hồ Quý Ly và phế đế Hồ Hán Thương bị giặc Minh bắt đưa sang thượng quốc nên gia đình bà Hồ Thị Thành phải bỏ quê gốc xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) lánh nạn ở làng Di Nậu, cửa Hương Càn. 

Tuy hoàng tộc bị tróc nã, cảnh nhà sa sút nhưng con cháu vẫn giữ được nếp cầm kỳ thi họa, người quốc sắc kẻ văn tài, họ Quách họ Hồ tâm đầu ý hợp, được huynh trưởng Quách Đình Bảo cho phép lại được vua Lê Thánh Tông gia ân, hai “cụ” đã làm lễ thành thân. 

Đầu năm Nhâm Thìn (1472) đánh xong giặc Chiêm Thành, khi quân về qua cửa Đại Càn, “cụ” Nghiêm được vua Lê Thánh Tông và huynh trưởng Quách Đình Bảo cho lui lại Quỳnh Đôi ít ngày. Phúc lộc trời cho, lần gặp gỡ ấy “cụ” bà Hồ Thị Thành đã có tin vui. Lịch kỳ “cụ” Nghiêm về kinh, “cụ” bà Hồ Thị Thành lên tận địa đầu bảng xã làm lễ tiễn đưa, 9 tháng sau thì sinh hạ được Anh Kiệt tuớng quân. 

Khoảng trung tuần tháng 6 năm ấy Quách tướng công về đến kinh thành. Ngày 15 tháng 8 cùng năm (1472) “cụ” Quách Hữu Nghiêm được thăng chức Phó Đô Ngự sử, làm việc ở Ngự sử đài. 

Năm Đinh Tỵ (1497) vua Lê Thánh Tông băng hà. Năm Mậu Ngọ (1498) Lê Hiến Tông lên ngôi. Năm Cảnh Thống thứ 5, ngày 13 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1502), “cụ” Quách Hữu Nghiêm phụng mệnh vua đi sứ nhà Minh để đáp lễ việc vua Minh Hiến Tông tặng vua Lê Hiển Tông áo, mũ đẹp. 

Đường dài Bắc quốc sứ bộ có lúc đi thuyền, có chỗ đi ngựa, gặp chỗ non cao trèo bộ, nhưng đến các dịch quán đều được đón tiếp long trọng. Khi  đoàn đến Bắc Kinh thấy tơ lụa đẹp lại bán cả áo long cổn, Quách Hữu Nghiêm cho người mua cất vào trong hòm lễ vật định đem về nước tiến vua Lê. 

Nào ngờ sứ bộ vừa tới sứ quán, Hoàng Thái hậu (vợ vua Minh Anh Tông, mẹ Minh Hiến Tông) cho lính lục các rương hòm lễ vật để tìm hương liệu quý. May thay Quách Hữu Nghiêm nhanh trí đã lập biểu và tờ kê gồm cả áo long cổn và các lễ vật khác. 

Vua Minh Hiến Tông không hay biết chuyện này thấy làm vui khen vua Lê “hào phóng” lại khen văn phong Chánh sứ Đại Việt Quách Hữu Nghiêm tao nhã đáng xếp vào hàng nhân tài “Tam đại của Trung Hoa”. 

Minh Hiến Tông mừng rỡ sai quan thái giám Trần Khoan dâng châu (báu) và tự tay ban tặng cho Chánh sứ Đại Việt Quách Hữu Nghiêm, sau còn mời lên dự yến, ban cho vóc đại hồng. Trên đường cố hương, Chánh sứ Quách Hữu Nghiêm và đoàn sứ bộ đâu biết rằng ngày 24 tháng 5 năm Giáp Tý (1504), vua Lê Hiển Tông băng hà ở Đỗ Trị. 

Mùa thu năm ấy đoàn sứ bộ mới về đến kinh thành Thăng Long, lúc này con trai thứ 3 của vua Lê Hiển Tông là Túc Tôn Khâm nối ngôi. Quách Hữu Nghiêm được vua Lê thăng chức Thượng thư bộ Lại kiêm Đô ngự sử. Ngày cụ Nghiêm khuất núi là ngày “cửu trùng” mùng 9 tháng 9. Cụ ra đi đột ngột là một tổn thất vô cùng lớn với triều đình nhà Lê. 

Sử gia Phan Huy Chú từng đưa ra nhận xét “Nước Việt ta có cõi đất phía Nam mà thông hiếu với Trung Hoa tuy nuôi dân dựng nước có quy mô riêng nhưng ở trong thì xưng đế mà đối ngoại thì xưng vương”. 

Chính sách ngoại giao của cha ông ta ngày trước luôn thể hiện tài thao lược, mưu trí hơn người. Có thế cháu con ngày nay mới hiểu thấu được tại sao thời điểm đó cha ông ta phải nhún nhường, mềm mỏng. Trong “Lịch triều hiến chương loại chí” sử gia Phan Huy Chú có chép rằng: “...cuối cùng đánh được giặc mạnh khiến chúng phải nguội lạnh cái lòng nhòm ngó phương Nam đó há phải vì binh lực mà thôi đâu”.

Quang Viện (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem