Vị trọng thần nhà Nguyễn nào dám làm thơ xách mé vua Minh Mạng?

Đ.T Thứ năm, ngày 27/04/2023 20:30 PM (GMT+7)
Trong lịch sử các triều đại phong kiến ở Việt Nam, có lẽ không có ai ngồi ở ghế thượng thư mà lại ngông nghênh, dám làm cả thơ xách mé vua Minh Mạng như cụ Nguyễn Công Trứ...
Bình luận 0

Là một vị nho tướng dưới triều nhà Nguyễn, cụ Nguyễn Công Trứ có lẽ là người có quãng đời binh nghiệp lâu nhất, đã tham gia vào nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch, trên mọi vùng miền đất nước, ở mọi địa bàn, đối đầu với các loại đối thủ và mang về nhiều quân công nhất. Không chỉ làm quan trong triều, làm quan ở kinh đô, ở những nơi văn vật, ông cũng từng nhiều lần trấn nhậm và tác chiến cả ở vùng biên giới, miền sơn cước, vùng sông rạch, vùng đồng bằng, ngoài biển khơi, trên hải đảo, thậm chí cả ở hải ngoại. Ông còn là một nhà kinh tế giỏi trong lĩnh vực khẩn hoang, một kiến trúc sư về thủy nông, khai hoang, lấn biển vùng duyên hải Bắc bộ, khơi nguồn mạch sống cho dân nghèo.

Vị trọng thần nhà Nguyễn nào dám làm thơ xách mé vua Minh Mạng? - Ảnh 1.

Danh nhân Nguyễn Công Trứ. Ảnh minh hoạ.

Cuộc đời Nguyễn Công Trứ thật lắm phen thăng trầm, mà thật ra không phải ông là người có thực lỗi, chủ yếu là do lòng ganh ghét và cái nhìn thiển cận của triều đình và người đời, trước hết là của những ông vua đầy nghi kị, hẹp hòi. Chẳng hạn, năm Minh Mệnh thứ 17, chỉ vì việc một tên trọng tù vượt ngục, nhà vua đã hạ chiếu giáng ông bốn cấp, về sau được phục ba cấp, rồi vài năm sau lại phải giáng xuống làm Binh bộ Hữu tham tri và đổi về kinh.

Trong suốt quãng đời làm quan, lúc thăng lúc giáng nhưng Nguyễn Công Trứ luôn là một trung thần triều Nguyễn, con dân của đất Việt, mang hết trí lực và tâm huyết góp phần cùng với nhà Nguyễn kiến thiết một xã hội mới. Ông được triều đình tuyên phong là Uy viễn tướng công, được nhân dân suy tôn là bậc anh hùng hào kiệt, con người tài hoa lỗi lạc, văn võ song toàn, làm quan ở đâu cũng có chính tích, có tư chất phóng khoáng, không câu nệ. Đặc biệt, với Nguyễn Công Trứ thì khi làm tướng cũng không lấy gì làm vinh và khi phải làm lính ông cũng không cho đó là nhục. Và ở bất kỳ vị trí nào ông cũng sống hết mình vì dân, vì nước và cả vì ý thích của chính mình.

Một hôm ông vào trực trong thành Nội, nhà vua trông thấy hỏi:

- Khanh thường đi tuần hành các chốn dân gian, có nghe được việc gì hay trong thiên hạ không, nói cho trẫm nghe?

Nguyễn Công Trứ thuận miệng tâu:

- Tâu bệ hạ, thần chỉ nghe những câu ca dao, dân ca thường hát ở chốn nhà quê là hay nhất, chẳng hạn như câu này:

Một ngọn đèn chong, hai ngọn đèn chong,

Quốc sĩ vô song là người Hàn Tín,

Anh chẳng thương em, anh đến chi đây,

Tứ bề rồng ấp lấy mây.

Câu ấy tuy là ca dao thực, song khi thuật lại, cụ Nguyễn Công Trứ cũng ngụ ý mình là một kẻ có tài như Hàn Tín thuở xưa. Cụ cũng có ý trách nhà vua hay nghi ngờ, nên mới có chuyện nay thăng mai giáng, mà hình như cũng giống con rồng kia không biết có còn ấp yêu lấy mây.

Lại có chuyện kể rằng, sau một thời gian dài gian truân lặn lội dẹp loạn nơi biên ải, cụ thượng Trứ lai kinh và nhìn thấy mấy viên quan đại thần “bảnh bao nhẵn nhụi” ngựa xe võng lọng chơi rong trong triều, liền đặt ra mấy câu đồng dao dạy cho đám trẻ con hát khắp nơi:

Con mèo nằm bếp lo xo,

Ít ăn thì lại ít lo ít làm.

Con ngựa đi bắc về nam,

Hay ăn thì lại hay làm hay lo!

Lời bàn:

Trong lịch sử các triều đại phong kiến ở Việt Nam, người làm quan ngồi ở ghế thượng thư có lẽ không một ai tài hoa lỗi lạc, nhưng lại vô cùng ngông nghênh mà chính trực như cụ Nguyễn Công Trứ. Và cũng không một ai có quan lộ như cụ Trứ. Suốt 28 năm lận đận trên quan trường, trải qua 26 chức vụ khác nhau từ tột đỉnh là thượng thư cho đến hạ đẳng tột cùng là anh lính trơn làm nhiệm vụ gác cổng, và dù ba lần bị vu cáo, bốn lần bị gian thần xu nịnh hãm hại, nhưng cụ Nguyễn Công Trứ vẫn sống lạc quan, khảng khái. Không những thế, Uy viễn Tướng công còn được người đương thời đánh giá là một trong những vị quan thanh liêm, chính trực hội đủ bốn yếu tố "thanh, cần, thận, trực".


Người xưa có câu "làm bạn với vua như làm bạn với cọp", vậy mà chẳng những không sợ, Nguyễn Công Trứ còn biết dùng ca dao để trách khéo nhà vua. Nếu không tài trí hơn người và bản lĩnh khác thường thì chắc chắn Nguyễn Công Trứ không dám làm việc ấy. Hơn nữa, vua Tự Đức khi đó cũng là người biết nghe những lời nói phải. Thế mới hay rằng, dẫu có "tôi hiền", nhưng không có "vua sáng" thì cũng như không. Tiếc rằng thời nay không phải tất cả những vị có chức, có quyền đều muốn làm "vua sáng". Bởi có không ít người chẳng bao giờ thích nghe những lời nói phải, còn cấp dưới thì lại lo sợ bị mất lòng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem