Việt kiều nói về cách tính giá điện của Việt Nam và các nước
Trong tháng 6, hoá đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình ở miền Bắc tăng đột biến, từ gấp đôi đến gấp 4 lần tháng trước đó.
Chia sẻ về cách tính giá điện, Đào Diệu Nhật, một người Việt đang sống ở Melbourne, Australia, cho biết nước này cũng áp dụng giá điện theo bậc thang như ở Việt Nam, giá có thể tăng theo lượng tiêu dùng hoặc trong giờ cao điểm từ 8h sáng đến 20h. Trên website, nhà cung cấp điện cô đang sử dụng công bố mức giá theo lượng tiêu dùng, thấp nhất là trong khoảng 1.000 - 2.000 KW/h, áp dụng cho những KW đầu tiên. Giá ban đêm rẻ hơn ban ngày nên người dân được khuyến khích dùng máy giặt, máy rửa chén vào lúc này.
"Công ty bán điện tôi đang sử dụng gửi thông báo mức tiêu thụ cho khách hàng theo tuần để người dân có thể điều chỉnh nhu cầu của mình", Nhật nói.
Cũng mua điện theo giá bậc thang, Huỳnh Dung, một người Việt ở Paris, Pháp, cho biết công ty chị đang mua điện công khai giá theo giờ cao - thấp điểm. Giá trong giờ cao điểm là hơn 0,15 euro/kWh, giá lúc thấp điểm là 0,12 euro /kWh, tương đương hơn 4.000 đồng và hơn 3.200 đồng, đã bao gồm VAT. Tuy nhiên, nếu công tơ có công suất trên 6 KVA, khách hàng cần trả thuê bao mỗi năm là gần 124 euro.
Ở một nước khác ở châu Âu, Thụy Điển, Tony Phạm, có thể lựa chọn mức giá điện đã niêm yết trong hợp đồng với công ty cung cấp, hợp đồng lâu năm có giá rẻ hơn hợp đồng ngắn hạn. Mức giá anh đang mua là gần 20 öre/kWh (hơn 500 VND). Ngoài ra, mỗi tháng người tiêu dùng cần trả thêm phí bảo trì hơn 295 Krona (730.000 VND).
Tại bang Maryland, Mỹ, Phạm Thức cho hay giá điện của công ty anh sử dụng không tính theo giá bậc thang, có một mức chung là 8,06 cent/kWh, tương đương hơn 230 VND. Người dân ở Maryland cần đăng ký với công ty cung cấp điện để có tài khoản sử dụng, mọi thông tin được chia sẻ qua tài khoản này.
Trên website, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đăng tải thông tin về biểu giá và hầu hết khách hàng biết tổng số điện khi Tập đoàn thông báo thu tiền vào cuối kỳ.
Về cách đo, người Việt ở các nước đều sử dụng công tơ điện tử và có thể theo dõi lượng điện tiêu thụ hàng ngày hoặc hàng tuần trên các thiết bị thông minh của cá nhân. Tại Paris, hệ thống công tơ điện được đồng bộ, do đó người dân không cần thay công tơ khi thay đổi nhà cung cấp điện, theo Dung.
Tại Việt Nam, đại diện EVN cho biết Tập đoàn đang sử dụng cả công tơ điện tử (54%) và công tơ cơ khí. Vào năm 2025, EVN dự kiến đạt tỷ lệ 100% công tơ điện tử tại Hà Nội, TP HCM, miền trung, các khu vực thị trấn, thị xã ở miền bắc và miền nam; 50% tại các khu vực khác. Hôm 22/6, tại Quảng Bình, hai khách hàng được phát hiện bị ghi sai tiền điện gần 148 triệu đồng. Sau đó, hai lãnh đạo trong ngành điện lực tỉnh này đã bị đình chỉ công tác do để xảy ra ghi nhầm số điện.
Người Việt ở các nước được quyền chọn nhiều nhà cung cấp điện khác nhau, khi các quốc gia vận hành thị trường điện cạnh tranh, trong khuôn khổ kiểm soát của nhà nước.
Một mạng lưới bán sỉ chính ở Australia là Thị trường điện quốc gia (NEM), do các cơ quan chính phủ quản lý, theo Bộ Công nghiệp, khoa học, năng lượng và tài nguyên Australia (DESER). NEM có phạm vi hoạt động ở 6 bang và vùng lãnh thổ thuộc phía đông và nam Australia, cung cấp đến 80% lượng tiêu thụ điện ở nước này. Phía Tây Australia và Vùng lãnh thổ phía bắc có hệ thống riêng. Nhật cho hay trong các hệ thống bán sỉ, các công ty cung cấp mua điện từ các nhà sản xuất và bán lại cho người tiêu dùng. Họ có nhiều chính sách ưu đãi để giữ khách hàng, như có gói giảm giá và thông báo đến từng người khi gói này hết hạn.
Thị trường điện của Mỹ gồm có hệ thống bán sỉ và bán lẻ, theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA). Thống kê của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy trong năm 2017 Mỹ có gần 3.000 công ty hoặc cơ sở phân phối điện. Hệ thống bán sỉ của Pháp được vận hành theo giá thị trường, dưới sự giám sát của Uỷ ban Điều tiết năng lượng Pháp (CRE). Chính phủ Thuỵ Điển công bố thị trường điện của nước này là cạnh tranh từ năm 1996, với 140 nhà cung cấp, nằm dưới quyền kiểm soát của Cơ quan Thanh tra Thị trường Năng lượng.
Tại Việt Nam, EVN là tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước, được phép độc quyền kinh doanh, phân phối điện trong hệ thống quốc gia.
"Người dân Việt Nam đang bị phụ thuộc vào EVN, vì không có sự lựa chọn nào khác", Nhật nói.
Về lượng điện tiêu thụ hàng tháng, Nhật ở Australia cho hay hoá đơn cơ bản của gia đình cô là 120 đô Australia, dành cho 4 người. Nếu thời tiết khắc nghiệt, cô phải dùng hệ thống máy lạnh hoặc lò sưởi thì chi phí ở mức gấp đôi. Tuy nhiên, khoản này không đáng kể so với thu nhập trung bình 20 đô Australia mỗi giờ ở Australia.
Trong cân đối cung - cầu, Australia năm 2019 có tổng sản lượng hơn 265 tỷ kWh, theo DESER, riêng tiêu dùng thuộc khu vực do NEM quản lý (chiếm 80% thị trường) ở mức khoảng 145 tỷ kWh.
Với Thức, anh cho biết trên diện tích nhà gần 200 m2, gia đình 4 người, tổng hoá đơn điện cao nhất anh từng phải trả trong mùa hè là hơn 106 USD/tháng. Chi phí đã bao gồm hệ thống điều hoà tổng, máy sấy và các thiết bị cơ bản. Con số này chỉ chiếm chưa đến 1% tổng thu nhập hàng tháng. Tại Mỹ, tổng sản lượng điện trong 2019 đạt hơn 4.100 tỷ kWh, trong khi lượng tiêu thụ đạt hơn 3.800 tỷ kWh. Đây là lần đầu tiên cung vượt cầu ở Mỹ trong 62 năm. Ước tính nhu cầu điện trong 2020 của Mỹ sẽ giảm xuống hơn 3.700 tỷ kWh khi nhiều hoạt động ngưng do ảnh hưởng của Covid-19.
Ở Paris, mỗi tháng Dung chi 25 euro (hơn 650.000 VND) cho hoá đơn tiền điện, trên diện tích nhà hơn 50m2. Cô không dùng điện cho máy lạnh, máy sưởi vì dùng theo hệ thống của toà nhà. Mức chi này rất thấp, so với thu nhập trung bình 1.200 euro/tháng với người làm việc 35h mỗi tuần. Đến cuối năm, nếu lượng điện dùng ít hơn gói đã đăng ký, Dung sẽ được nhà cung cấp trả lại tiền nộp trước. Năm 2019, tổng tiêu thụ điện của Pháp ở mức hơn 470 tỷ kWh, so với tổng sản lượng là hơn 530 tỷ kWh.
Tony Phạm ở Thuỵ Điển phải chi cho hoá đơn tiền điện khoảng 4,5 triệu đồng mỗi tháng, do nhà của anh có diện tích rộng, sử dụng các thiết bị cơ bản và hệ thống máy lạnh hoặc lò sưởi. Trong giai đoạn 2001 - 2018, tổng sản lượng điện của Thuỵ Điển trong khoảng hơn 168 tỷ kWh đến 171 tỷ kWh, tổng tiêu thụ ở mức tương đương.
Tại Việt Nam, EVN công bố gần 70% hộ gia đình tiêu thụ dưới 200 kWh mỗi tháng vào giữa năm 2019. Ước tính hoá đơn tối đa của mỗi hộ là 400.000 đồng/tháng, nếu áp biểu giá bậc 3, là hơn 2.000 đồng/kWh.
Tổng sản lượng điện năm 2020 của Việt Nam ước đạt hơn 261,4 tỷ kWh, tăng 8,97% so với 2019. Trong tháng 5/2020, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thông báo sản lượng điện tiêu thụ đã lập mức kỷ lục mới, hơn 789 triệu kWh trong một ngày, cảnh báo nguy cơ thiếu điện trong năm nay.
Hôm 19/6, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) lý giải nguyên nhân hóa đơn tiền điện của nhiều hộ tăng vọt trong tháng 6 là do nhu cầu sử dụng điện tăng cao khi nắng nóng kéo dài.
Tony cho rằng việc hoá đơn điện tăng mạnh ở Việt Nam rất "bất hợp lý", trong bối cảnh nhiều người dân gặp khó khăn kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19. Theo anh, Việt Nam nên áp dụng cách tính giá điện phù hợp hơn để vừa khuyến khích người có thu nhập cao tiết kiệm điện, vừa tạo cơ hội cho người nghèo được hưởng quyền lợi.
Nhật cũng cho rằng EVN nên công bố giá điện theo khung thời gian, công bố rộng rãi hình thức thông báo mức tiêu thụ điện đến khách hàng để người tiêu dùng có thể đánh giá lượng điện họ tiêu thụ.
Anh Thức cũng cho rằng mức tăng là bất thường so với thời điểm anh từng ở Việt Nam. Cách đây 5 năm, tổng chi phí điện của gia đình Thức chỉ tăng từ 30% đến 50% khi vào cao điểm mùa nóng.
"Để giải đáp khúc mắc của người dân, cần có cuộc khảo sát làm rõ nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến mức tiêu thụ điện. Việc này nên do nhóm độc lập, gồm các nhà khoa học và đại diện các cơ quan phi chính phủ, thực hiện", anh Thức nói.