Việt Nam bán hầu hết một nông sản cho Trung Quốc để trộn vào thức ăn chăn nuôi

K.Nguyên Thứ năm, ngày 07/04/2022 18:51 PM (GMT+7)
Việt Nam đứng thứ 3 thế giới sau Thái Lan, Campuchia, đứng thứ 2 thế giới về kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn, trong đó Trung Quốc mua hầu hết sản phẩm sắn của Việt Nam.
Bình luận 0

Trung Quốc mua hầu hết sản phẩm sắn của Việt Nam

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), sắn và sản phẩm sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam và là nước xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đứng thứ 3 thế giới sau Thái Lan, Campuchia, đứng thứ 2 thế giới về kim ngạch xuất khẩu, chỉ sau Thái Lan, trong đó thị trường Trung Quốc mua nhiều nhất.

Có thể thấy, sản phẩm sắn chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Hiện, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn chiếm khoảng 70% tổng sản lượng sắn sản xuất trong nước.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2021, xuất khẩu sắn đạt gần 2,9 triệu tấn, trị giá gần 1,2 tỷ USD, tăng 2,4% về lượng và 16,5% về trị giá so với năm 2020. 

Trong đó, xuất khẩu tinh bột sắn 2,065 triệu tấn, giá trị 949,6 triệu USD; xuất khẩu sắn lát 805.000 tấn, giá trị xuất khẩu 210,4 triệu USD. 

Trung Quốc là thị trường chính, hàng năm xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc chiếm từ 90-94%.  

Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 494.380 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 205,77 triệu USD, giảm 24% về lượng và giảm 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tinh bột sắn, sắn lát khô chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Papua New Guinea, Philippines và Hàn Quốc nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 95,8% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước.

"Sắn và các sản phẩm từ sắn của nước ta phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, điều này dẫn đến sự thiếu bền vững và bị động" - báo cáo của Cục Trồng trọt nêu rõ.

Sắn - Ảnh 1.

Trung Quốc là thị trường chính của sản phẩm sắn Việt Nam, hàng năm xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc chiếm từ 90-94%. Trong ảnh: Diện tích canh tác sắn tại xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô (Gia Lai). Ảnh: baotintuc.

Việt Nam bán gần hết sắn cho Trung Quốc làm thức ăn chăn nuôi rồi chi 6 tỷ USD nhập ngô, đậu tương về chế biến

Có một nghịch lý là, tiêu thụ sắn và sản phẩm sắn trong nước chiếm khoảng 30% tổng sản lượng sắn dùng chế biến thức ăn chăn nuôi, làm thức ăn cho gia súc, nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp, sản xuất cồn rượu, bột ngọt, mỳ ăn liền, đường lỏng, tinh bột biến tính, bánh kẹo. 

Trong khi đó, chúng ta lại phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm.

Thị trường tiêu thụ sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam có nhiều khâu trung gian, chi phí logistic của Việt Nam cao nên tính cạnh tranh quốc gia thấp và hiện phải canh tranh gay gắt về thị trường xuất khẩu từ các nước Thái Lan, Campuchia, Lào.

Chưa kể trong thời gian tới, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc sắp tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới được Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành và áp dụng từ đầu năm 2022.

Bên cạnh đó, một vấn đề mà nhiều nhà máy chế biến sắn gặp phải là ô nhiễm môi trường. 

Hiện nay, trên địa bàn cả nước có 27 tỉnh có nhà máy chế biến tinh bột sắn và có khoảng 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp, tổng công suất thiết kế 11,3 triệu tấn củ tươi/năm, tổng công suất thực tế 8,62 triệu tấn/năm.

Trong đó, có khoảng 26% số cơ sở có gắn kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu; có 4 nhà máy nguyên liệu sinh học sản xuất cồn E100 đặt tại Bình Phước, Đồng Nai, Quảng Nam và Dung Quất.

Báo cáo của Cục Trồng trọt nêu rõ, hiện trình độ công nghệ chế biến tinh bột sắn, Việt Nam ở mức trung bình so với thế giới và sử dụng công nghệ chủ yếu của Trung Quốc, Thái Lan, chính vì vậy vấn đề nổi cộm trong chế biến sắn đó là tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.

Đa số các nhà máy chế biến sắn đều có đầu tư hệ thống xử lý chất thải, bảo vệ môi trường nhưng hiệu quả hoạt động của hệ thống chưa đạt yêu cầu. 

Các nhà máy đều có hồ chứa sinh học để xử lý nước thải nhưng công suất không đủ, công nghệ xử lý chất thải chưa triệt để nên còn hiện tượng bốc mùi hôi, nước ô nhiễm trầm trọng.

Mặt khác, cơ sở chế biến sắn công suất nhỏ hầu hết chỉ được trang thiết bị tự chế tạo hết sức đơn giản nằm rải rác gần khu dân cư và các làng nghề đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem