Thứ hai, 29/04/2024

Việt Nam có mạo hiểm khi hạ lãi suất?

10/04/2023 1:00 PM (GMT+7)

Chỉ trong hai tuần, Ngân hàng Nhà nước hai lần giảm lãi suất điều hành. Động thái của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ khiến không ít người có chút hoang mang vì sợ “đi trước” nhiều ngân hàng trung ương khác. Nhưng có những cơ sở cho thấy quyết định hỗ trợ nền kinh tế giữ đà tăng trưởng là hợp lý.

Việt Nam có mạo hiểm khi hạ lãi suất? - Ảnh 1.

Việc hạ lãi suất điều hành hai lần trong thời gian ngắn của Ngân hàng Nhà nước dường như đã cân nhắc đến nhiều yếu tố, và có thể cũng là những yếu tố đã được đề cập trong báo cáo của WB. Ảnh: N.K

Đánh đổi giữa kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng

Kể từ khi Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng 3-2022 để khởi động cuộc chiến chống lạm phát thì rất nhiều nền kinh tế trên thế giới bị đặt vào tình huống phải lựa chọn giữa tăng trưởng và lạm phát. Và nhiều nước trong số này đã ưu tiên cho việc kiểm soát lạm phát hơn.

Mặc dù kiểm soát lạm phát cũng là một trong những mục tiêu ổn định vĩ mô quan trọng của Việt Nam, nhưng áp lực lạm phát của Việt Nam không lớn như nhiều nền kinh tế khác. Lạm phát mục tiêu của Việt Nam trong năm 2022 là 4% và Việt Nam là một trong số hiếm hoi nền kinh tế giữ được lạm phát sát với mục tiêu.

Trong số các lý do, có thể nhắc đến đầu tiên là cấu phần của rổ hàng hóa, dịch vụ tính chỉ số lạm phát. Những hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng lớn đến CPI như ăn uống, lương thực thực phẩm, nhà ở, điện, nước là nhóm không bị ảnh hưởng nhiều bởi khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu hay khủng hoảng giá năng lượng. Không những thế, Chính phủ còn có thể can thiệp, kiểm soát giá một số hàng hóa, dịch vụ mang tính chiến lược.

Áp lực lạm phát không lớn và cần hỗ trợ tăng trưởng là lý do mà Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất điều hành lúc này. Đây cũng là sự khác biệt của Việt Nam so với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới: Việt Nam không bị rơi vào thế kẹt là phải đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát.

Áp lực lạm phát của Việt Nam cũng không lớn trong tình huống nhập khẩu lạm phát. Đó là bởi vì Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc là nền kinh tế vẫn duy trì lạm phát thấp, thậm chí thấp hơn lạm phát mục tiêu.

Với việc giá thị trường hàng hóa (commodity) giảm trong thời gian qua và lạm phát có dấu hiệu chững lại trên thế giới thì áp lực lạm phát của Việt Nam cũng giảm đi phần nào.

Theo một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) về các nền kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương (EAP), dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 được đánh giá lại là 6,3% thay vì 6,7%.

Như vậy, áp lực lạm phát không lớn và cần hỗ trợ tăng trưởng là lý do mà Ngân hàng Nhà nướccó thể giảm lãi suất điều hành lúc này. Đây cũng là sự khác biệt của Việt Nam so với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới: Việt Nam không bị rơi vào thế kẹt là phải đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát.

Các yếu tố tạo điều kiện thuận lợi khác

Cũng theo báo cáo mới đây của WB, các nền kinh tế EAP sau cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực năm 1997 đã cải thiện rất nhiều các chỉ số vĩ mô. So sánh giữa ba thời điểm 1996-1997, 2010-2011, và 2021 cho thấy nợ nước ngoài ngắn hạn, dự trữ ngoại hối, cung tiền M2, lạm phát, thâm hụt tài khoản vãng lai của các nước này đều cải thiện tích cực, đặc biệt là Việt Nam. Chỉ riêng hệ số an toàn vốn của hệ thống ngân hàng của Việt Nam là đáng quan ngại, nhất là gần đây với vụ việc của tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB.


Việt Nam có mạo hiểm khi hạ lãi suất? - Ảnh 3.

Hiện nay, Việt Nam cùng các nền kinh tế EAP khác chịu ảnh hưởng lớn nhất từ ba yếu tố bên ngoài: tăng trưởng chung của các nền kinh tế phát triển, giá cả thị trường hàng hóa, và các thắt chặt tài chính (financial tightening).

Dự báo chung về kinh tế thế giới năm 2023 đã có phần lạc quan hơn những tháng gần đây, với việc mở cửa của Trung Quốc và tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng của Mỹ và EU theo số liệu quí 4-2022. Mỹ và Trung Quốc vẫn là yếu tố quan trọng nhất đối với Việt Nam và các nền kinh tế EAP.

Ước tính cho thấy, nếu Mỹ hay Trung Quốc tăng trưởng 1 điểm phần trăm thì các nền kinh tế EAP tăng tương ứng 0,5 hay 0,3 điểm phần trăm. Nhưng nếu Mỹ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm thì tăng trưởng của các nước này cũng giảm 0,5 điểm phần trăm.

Hy vọng ở cửa tăng trưởng của Trung Quốc là nhiều hơn khi chính phủ mới của nước này cũng đặt ra những quyết tâm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng sau khi đã tạm ổn định thị trường bất động sản cũng như các công ty công nghệ lớn.

Về giá cả thị trường hàng hóa, đặc biệt là năng lượng, thì giá gas tự nhiên và dầu thô đã giảm đáng kể từ tháng 6-2022, có lúc giá dầu giảm xuống khoảng 65 đô la Mỹ/thùng. Mặc dù những ngày gần đây giá dầu có tăng trở lại do OPEC đột ngột tuyên bố giảm sản lượng nhưng theo nhiều nguồn phân tích, giá dầu cũng chỉ có thể xoay quanh mức giá 80 đô la Mỹ/thùng.

Mức giá này, so với mức đỉnh 130 đô la Mỹ/thùng vào tháng 3-2020 thì đã giảm rất nhiều. Giá gas tự nhiên hợp đồng tương lai tháng 5-2023 ở ngày 4-4-2023 chỉ ở mức 2,14 đô la Mỹ/Mmbtu, một mức giảm khủng khiếp so với hồi tháng 8-2022 là 9,32 đô la Mỹ/Mmbtu. Việt Nam là nước nhập khẩu ròng xăng dầu và dầu thô nên giá năng lượng giảm và duy trì ở mức thấp cũng là yếu tố quan trọng giảm áp lực lạm phát.

Chính sách thắt chặt tài chính do lạm phát ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU gần đây cũng được nới lỏng với những lo ngại về sự ổn định của hệ thống ngân hàng, qua các trường hợp như ngân hàng SVB, Signature hay Credit Suisse. Do đó, áp lực tiếp tục tăng lãi suất sẽ giảm khi có nhiều dự đoán cho rằng sắp tới là lần tăng lãi suất cuối cùng của Fed với mức 0,25 điểm phần trăm.

Về phía Việt Nam, những khó khăn của thị trường trái phiếu và bất động sản đã và đang được tháo gỡ dần dần, cho thấy đã có những nới lỏng trong các điều kiện tài chính. Vì lãi suất và các điều kiện tài chính có tác động qua lại lẫn nhau nên khi yếu tố này bớt thắt chặt thì yếu tố khác sẽ có không gian rộng hơn cho nhà hoạch định chính sách.

Như vậy, việc hạ lãi suất điều hành hai lần trong thời gian ngắn của Ngân hàng Nhà nước dường như đã cân nhắc đến nhiều yếu tố, và có thể cũng là những yếu tố đã được đề cập trong báo cáo của WB. Trong tình huống xấu nhất nếu Mỹ tăng lãi suất bất ngờ (0,5 điểm phần trăm) trong cuộc họp tháng 5-2023 thì Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể kiểm soát được mục tiêu lạm phát và ưu tiên tăng trưởng của mình vì những lý do đã đề cập.

Theo Kinh tế Sài Gòn

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Các ông lớn Google, Facebook, Tiktok... nộp hơn nửa tỷ USD tiền thuế ở Việt Nam

Các ông lớn Google, Facebook, Tiktok... nộp hơn nửa tỷ USD tiền thuế ở Việt Nam

Theo dữ liệu của Tổng cục Thuế, 4 tháng đầu năm 2024, các "ông lớn" như Google, Facebook, Tiktok, Microsoft, Netflix hoạt động ở Việt Nam đã nộp hơn 3.000 tỷ đồng tiền thuế.

Quý I, lỗ ròng Novaland tăng gấp 1,5 lần vì lý do gì?

Quý I, lỗ ròng Novaland tăng gấp 1,5 lần vì lý do gì?

Quý đầu năm, Novaland (HoSE; NVL) tiếp tục ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 600 tỷ đồng, tăng gần 1,5 lần so với mức lỗ ròng hơn 410 tỷ đồng của năm ngoái.

Eximbank có chủ tịch mới

Eximbank có chủ tịch mới

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank; HoSE: EIB) vừa công bố thông tin về việc bầu ông Nguyễn Cảnh Anh, thành viên HĐQT Eximbank, giữ chức chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025.

Với độ mở lớn, kinh tế Việt Nam chịu tác động ra sao từ Fed, vàng và USD?

Với độ mở lớn, kinh tế Việt Nam chịu tác động ra sao từ Fed, vàng và USD?

Tỷ giá USD/VND hiện nay đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 10 năm qua. Các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND.

Vì sao Vietbank sẽ chia cổ tức tới 25%?

Vì sao Vietbank sẽ chia cổ tức tới 25%?

Vietbank hướng đến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 29% trong năm 2024 và kiểm soát nợ xấu ở mức dưới hoặc bằng 2,5%. Ngân hàng này cũng ghi tên mình vào nhóm các nhà băng có tỷ lệ chia cổ tức cao.

Quyền CEO Eximbank nói "rút kinh nghiệm sâu sắc" vụ chủ thẻ tín dụng bị ghi nợ hơn 8,8 tỷ đồng

Quyền CEO Eximbank nói "rút kinh nghiệm sâu sắc" vụ chủ thẻ tín dụng bị ghi nợ hơn 8,8 tỷ đồng

Trả lời cổ đông tại đại hội về sự vụ gần đây liên quan đến chủ thẻ thẻ tín dụng nợ hơn 8,8 tỷ đồng sau 11 năm, ông Nguyễn Hoàng Hải, Quyền CEO Eximbank cho biết đây là một bài học lớn.