Việt Nam có thể xuất khẩu gạo đạt 5-6 tỷ USD chứ không chỉ là 3 tỷ USD?

Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 20/12/2022 14:47 PM (GMT+7)
Lãnh đạo một doanh nghiệp ở ĐBSCL cho hay, mỗi năm, Việt Nam có thể xuất khẩu gạo đạt từ 5-6 tỷ đô la Mỹ và tăng dần hàng năm, chứ không phải nằm ở mức khoảng 3 tỷ đô la như hiện nay.
Bình luận 0

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần "đủ vốn"

Hôm nay 20/12, trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Startup 2022, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức phiên thảo luận chuyên đề "Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ĐBSCL hướng tới hiện đại, bền vững và phát thải thấp".

Việt Nam có thể xuất khẩu gạo đạt từ 5-6 tỷ đô la chứ không ở mức 3 tỷ như hiện nay - Ảnh 1.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Trung An phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề "Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ĐBSCL hướng tới hiện đại, bền vững và phát thải thấp" ngày 20/12. Ảnh: Huỳnh Xây

Tại phiên thảo luận, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) cho biết, mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu trung bình 6,5 triệu tấn gạo từ nguồn lúa trong mô hình cánh đồng lớn liên kết. Kim ngạch có thể thu về từ 5- 6 tỷ USD và tăng dần hàng năm chứ không phải khoảng 3 tỷ đô la như hiện nay.

Để có được kết quả trên, ông Bình đề nghị các cơ quan chức năng ở Trung ương, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước có giải pháp cấp thiết đối với ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL. Cụ thể là cho doanh nghiệp được vay đủ vốn để đầu tư xây dựng cánh đồng liên kết theo từng dự án được UBND tỉnh, thành vùng ĐBSCL phê duyệt, theo tiêu chí của Bộ NNPTNT và Nghị định 98/2018 của Chính phủ đã quy định và trên tinh thần tự nguyện.

"Ngân hàng cho doanh nghiệp vay với lãi suất thông thường như đã và đang cho vay hiện nay, không ưu đãi lãi suất làm ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước. Nếu được như vậy thì doanh nghiệp không bị áp lực phải bán lúa, gạo gấp và bán giá thấp do thiếu vốn. Còn nông dân không bao giờ phải lo đầu ra của lúa vì đã có doanh nghiệp bao tiêu trong cánh đồng liên kết" - ông Bình đề nghị.

Theo ông Bình, xu thế xuất khẩu gạo theo hướng bền vững có giá trị gia tăng cao như hiện nay thì bắt buộc ngành lúa gạo phải thực hiện các khâu theo mô hình liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân. Trong mối liên kết này, doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính về nguồn vốn để đáp ứng cho các công đoạn của chuỗi liên kết.

"Do vậy, doanh nghiệp cần vốn lớn hơn gấp 2 lần so với hạn mức mà ngân hàng đã cấp cho ngành gạo để xuất khẩu khúc ngọn, còn xuất khẩu theo hướng bền vững từ khi gieo trồng đến khi tiêu thụ thì thiếu hẳn 50% vốn đầu tư từ đầu chuỗi để có gạo xuất khẩu. 50% vốn tăng thêm đó là để doanh nghiệp đầu tư máy sấy lúa, lắp silo chứa lúa, ứng vật tư đầu vụ và thanh toán tiền lúa cho nông dân khi thu hoạch" - Tổng Giám đốc Công ty Trung An phân tích.

Ông Bình nói thêm: "Thời gian qua, mặc dù hợp đồng liên kết đã được một số doanh nghiệp với nông dân ký kết ngay từ đầu vụ, nhưng khi thu hoạch doanh nghiệp không nhận lúa kịp theo tiến độ, lúa tươi chất đầy bờ kênh. Cũng nhiều doanh nghiệp không đủ gạo để xuất khẩu, nhưng vẫn phải bán lại lúa tươi tại ruộng cho cò hoặc thương lái để giảm bớt thiệt hại, vì sấy không kịp hoặc để có tiền thanh toán cho nông dân. Những bất cập thực tế trên chắc chắn sẽ không xảy ra khi mô hình liên kết được vay đủ vốn để thực hiện".

Bắt buộc phải làm mô hình cánh đồng liên kết

Tổng Giám đốc Công ty Trung An cho biết, từ thực tế ở Công ty Trung An, Tập đoàn Lộc Trời và một vài doanh nghiệp khác đang làm ở ĐBSCL thì ngành hàng lúa gạo muốn phát triển bền vững, lúa của nông dân làm ra có chất lượng tốt giá bán cao và giá trị gạo của doanh nghiệp nói riêng của Việt Nam nói chung được nâng cao trên trường quốc tế thì bắt buộc doanh nghiệp và nông dân phải liên kết, gắn sản xuất với yêu cầu của thị trường.

Việt Nam có thể xuất khẩu gạo đạt từ 5-6 tỷ đô la chứ không ở mức 3 tỷ như hiện nay - Ảnh 2.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty Trung An cho biết, mỗi năm, Việt Nam có thể xuất khẩu gạo đạt từ 5-6 tỷ đô la Mỹ và tăng dần hàng năm chứ không phải nằm ở mức khoảng 3 tỷ đô la như hiện nay. Ảnh: Huỳnh Xây

Các năm qua đã chứng minh, xây dựng vùng nguyên liệu lúa theo mô hình cánh đồng liên kết là phương thức sản xuất tiến bộ, là giải pháp tối ưu nhất, hiệu quả nhất của ngành hàng lúa gạo Việt Nam hiện nay. Và chính từ mô hình sản xuất này mới tạo ra được những sản phẩm gạo có chất lượng tốt, bán được giá cao, cạnh tranh được với hàng hóa của các nước trên thế giới trong xu thế hội nhập toàn cầu.

Hiện nay Chính phủ, Bộ NNPTNT vẫn đang chỉ đạo quyết liệt, tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân cả nước thực hiện mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị theo hướng bền vững. Như vậy, theo ông Bình, đến ngày hôm nay, chúng ta không còn phải bàn cãi về nhu cầu cấp thiết và hiệu quả to lớn mà mô hình cánh đồng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với nông dân của Bộ NNPTNT đã đề ra.

"Đối với ngành hàng lúa gạo, Bộ NNPTNT đã có mô hình rất hiệu quả là cánh đồng liên kết. Vì vậy, nếu được ngân hàng đồng hành vào cuộc thì chúng tôi cam kết chỉ 3 năm nữa ngành lúa gạo ĐBSCL sẽ phát triển vượt bậc một cách bền vững, có giá trị gia tăng rất cao cho cả doanh nghiệp và nông dân. Đồng thời đạt luôn được mục tiêu hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp" - ông Bình cam kết.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, sau 9 năm triển khai thực hiện cánh đồng liên kết thì trong khoảng 2 triệu ha đất trồng lúa/vụ của các tỉnh thành vùng ĐBSCL, đến nay mới chỉ có khoảng 7%, tương đương 150.000 ha là cánh đồng liên kết đúng nghĩa của nó. Với diện tích như vậy, mỗi năm ĐBSCL chỉ đưa ra thị trường khoảng 1 triệu tấn gạo được chế biến từ lúa sản xuất ở cánh đồng liên kết. Do vậy, theo ông Bình, doanh nghiệp rất cần đủ nguồn vốn và cần ngành chức năng địa phương phối hợp phát triển cánh đồng lớn trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem