Việt Nam – Hà Lan hướng tới kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Những năm qua, Hà Lan được xem là đối tác chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và nông nghiệp. Phía bạn đã chia sẻ với ta nhiều kinh nghiệm quý báu trong phát triển, quản lý nước và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Về nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp và tập đoàn của Hà Lan đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và có nhiều kết quả đáng khích lệ.
Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản giữa 2 nước lên tới hơn 1 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu 948 triệu USD và nhập khẩu 63 triệu USD. Tăng cường hợp tác về nông nghiệp được xem là một trọng tâm của 2 nước vào thời điểm này.
Việt Nam xuất khẩu được thịt gà đi Nhật; Xây dựng Tổ hợp chế biến thịt lớn bậc nhất miền Bắc, nhiều bước tiến của ngành chăn nuôi nước ta đều có sự góp mặt của De Heus, một tập đoàn lớn của Hà Lan.
Hợp tác để phát triển là thông điệp được đưa ra tại cuộc Tọa đàm nông nghiệp Việt Nam - Hà Lan với sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp hai nước. Phía bạn quan tâm đến lĩnh vực sản xuất giống, thú y, rau hoa, thịt, sữa, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn được hỗ trợ về công nghệ.
Hợp tác phát triển cùng Hà Lan hứa hẹn là một hướng đi mới đầy tiềm năng cho nông sản Việt Nam (ảnh minh họa)
Đánh giá cao những hỗ trợ của Hà Lan trong những năm qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, sự hợp tác với bạn sẽ là nền tảng cho chiến lược phát triển và tái cơ cấu nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Tại tọa đàm phát triển nông nghiệp giữa 2 nước, phía Hà Lan cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực và phát triển hạ tầng. Ngoài ra, hai bên cùng thống nhất sẽ thực hiện một khái niệm mới là nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: tức là phát triển bền vững về môi trường, an sinh và kinh tế. Không thứ gì bị bỏ đi, không ai bị bỏ quên và tất cả thành tố trong chuỗi giá trị nông nghiệp đều được hưởng lợi từ tăng trưởng.