Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện đề án sản xuất lúa giảm phát thải

Khánh Nguyên (ghi) Thứ sáu, ngày 10/03/2023 06:19 AM (GMT+7)
“Việc Việt Nam đề xuất thực hiện dự án sản xuất 1 triệu hécta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao giảm phát thải khí nhà kính được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao bởi đây là lần đầu tiên trên thế giới có quốc gia thực hiện việc giảm phát thải trên lúa gạo”- Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam (ảnh) khẳng định.
Bình luận 0
Triển khai sản xuất lúa giảm phát thải: Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam.

Diện tích đăng ký tham gia xây dựng vùng lúa chất lượng cao đã đạt 700.000ha

Vừa qua Bộ NNPTNT đã xây dựng đề án phát triển 1 triệu hecta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, hướng tới tăng trưởng xanh, giảm phát thải?. Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về mục đích xây dựng đề án?

- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT đang xây dựng dự án sản xuất 1 triệu hécta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh. Nội dung này cũng nằm trong chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đến năm 2030, định hướng đến 2045 là xây dựng các vùng nguyên liệu nông lâm thủy sản đạt chuẩn, từ đó nâng cao giá trị cho nông sản Việt, nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong đó, ngành hàng lúa gạo rất quan trọng, không những là mặt hàng thuộc an ninh lương thực quốc gia mà còn là nghề truyền thống của hàng triệu nông dân.

Khi triển khai đề án này, Bộ NNPTNT hướng đến đa mục đích: Trước hết là đảm bảo cam kết của Chính phủ tại COP 26 về giảm phát thải đến 2030, đặc biệt khu vực ĐBSCL được đánh giá sẽ chịu nhiều tác động bởi biến đổi khí hậu nên việc giảm phát thải là rất quan trọng. Bởi theo tính toán thì lượng phát thải ra môi trường của sản xuất lúa chiếm trên 40% tổng lượng phát thải của sản xuất nông nghiệp.

Triển khai sản xuất lúa giảm phát thải: Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện - Ảnh 2.

Các địa phương đã đăng ký tham gia sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 700.000ha. Trong ảnh: Sản xuất lúa ở TP.Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Xây.

Kỳ vọng có thêm nhiều chuỗi sản xuất hiệu quả

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, đã có doanh nghiệp ở Nhật Bản cam kết khi triển khai đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao họ sẽ mua khoảng 200.000ha để làm cồn ethanol. Cũng tại Nhật Bản cám gạo làm ra 70 chế phẩm mỹ phẩm làm đẹp.

"Tôi đánh giá cao chất lượng của liên kết để đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, nông dân chứ không chỉ là ký hợp đồng thu mua lúa khi vào mùa vụ. Tôi đã đến thăm Hợp tác xã Giục Tượng ở huyện Châu Thành (Kiên Giang) và rất ấn tượng với mô hình liên kết ở đây. Với diện tích 500ha sản xuất cùng một giống lúa nên khi vào vụ thu hoạch HTX sẽ tổ chức sàn đấu giá lúa với 5 – 6 doanh nghiệp tham gia, rất công khai, minh bạch.

Hiện nay, mới có khoảng 20% diện tích sản xuất lúa có sự liên kết của doanh nghiệp nên tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều chuỗi sản xuất hiệu quả được xây dựng khi thực hiện đề án này"- Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.

Thứ 2, đề án nhằm tổ chức lại sản xuất theo hướng các hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân bằng việc áp dụng quy trình sản xuất tiết kiệm chi phí, tăng giá trị hạt gạo. Tôi khẳng định, xây dựng vùng lúa chất lượng cao không chỉ có giống lúa chất lượng cao mà phải bán được giá cao.

Các địa phương hưởng ứng đề án này như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Do đây là một đề án lớn, tác động đến nhiều mặt sản xuất của người trồng lúa nên có nhiều nội dung. Thứ nhất là triển khai quy trình sản xuất giảm phát thải, theo đó trên cơ sở quy trình "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng" sẽ nhân rộng ra nhiều vùng sản xuất. Thứ hai, nâng cao năng lực của các hợp tác xã để đảm bảo quản lý được vùng nguyên liệu, chứ không thể tổ chức cho từng nông dân. Thứ ba, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào vùng nguyên liệu.

Điều đáng mừng là các doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến đề án và sẵn sàng tham gia bởi bản thân họ đang rất cần vùng nguyên liệu chuẩn vì lúc đó mới truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo chất lượng để tham gia vào thị trường gạo thế giới. Các địa phương cũng đã đăng ký tham gia đề án với diện tích lên đến 700.000ha và tôi tin sẽ còn mở rộng trong thời gian tới.

Bộ NNPTNT cũng đang chỉ đạo xây dựng bộ tiêu chí, trên cơ sở đó đưa ra cho các địa phương, địa phương nào đảm bảo đủ tiêu chí thì tham gia. 

Vấn đề khó nhất hiện nay là tập huấn cho nông dân để bà con biết cách đo đếm việc giảm phát thải trong quá trình sản xuất. Sau khi Bộ NNPTNT làm việc với WB thì rất mừng là họ đồng ý hỗ trợ việc này, trên cơ sớ đó các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp có thể mua bán tín chỉ các bon trong quá trình sản xuất lúa gạo giảm phát thải.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên dám làm

Triển khai sản xuất lúa giảm phát thải: Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện - Ảnh 4.

Vai trò của các tổ chức quốc tế ra sao trong đề án quan trọng này, thưa Thứ trưởng?

- Khi làm việc, WB đánh giá rất cao dự án này vì đây là dự án đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa giảm phát thải, WB cam kết sẽ hỗ trợ trên cơ sở đó làm mô hình nhân rộng ra các nước khác. 

Viện Nghiên cứu lúa quốc tế, Tổ chức Nông – Lương Liên Hợp quốc (FAO) cũng sẵn sàng đồng hành tham gia. Điều quan trọng là các địa phương vùng ĐBSCL đều hiểu được mục đích, ý nghĩa của dự án này và sẵn sàng hỗ trợ nông dân chuyển đổi tư duy sản xuất.

Chúng tôi cũng đang trao đổi với Bộ Nội vụ để triển khai thành lập hiệp hội ngành hàng lúa gạo, tập hợp các doanh nghiệp, hợp tác xã để đứng ra điều hành, vận động hợp tác công tư, tập trung vào nội dung giảm phát thải, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Bên cạnh đó, cũng sẽ có các giải pháp đồng bộ đi theo hỗ trợ doanh nghiệp.

Tôi tin trong thời gian tới doanh nghiệp sẽ tham gia nhiều vào đề án vì trong tương lai thế giới có yêu cầu chứng chỉ giảm phát thải; đơn cử như thị trường EU cũng đưa ra yêu cầu đến năm 2024 một số mặt hàng xuất khẩu vào EU phải có chứng chỉ giảm phát thải. Trong khi đó, lúa gạo là ngành có lượng phát thải lớn nên dự án này rất cần thiết, từ đó chuyển đổi nhận thức của doanh nghiệp, nông dân, ứng dụng những quy trình canh tác giảm phát thải một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, khi triển khai đề án cũng có nhiều vấn đề đặt ra như hạ tầng thủy lợi phải đảm bảo, khi gieo giống xuống trữ trong nước lâu cũng tăng lượng phát thải, do vậy bài toán đặt ra là điều tiết nước như thế nào. Điều đáng mừng là hiện đã có 180.000ha triển khai quy trình canh tác giảm phát thải, căn cứ vào đó Bộ NNPTNT sẽ tổng kết và nhân rộng.

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về triển vọng của ngành hàng lúa gạo khi đề án xây dựng 1 triệu hécta lúa chất lượng cao được triển khai?

- Tôi tin rằng nếu triển khai đúng thì chất lượng, giá trị của ngành hàng lúa gạo sẽ tăng lên. Ngoài mục tiêu giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, đề án cũng hướng đến mục tiêu chế biến sâu các sản phẩm từ lúa gạo. Theo đó, gạo không chỉ là thực phẩm mà còn có thể làm mỹ phẩm, nguyên liệu cho ngành khác.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem