Việt Nam luôn khẳng định cam kết thúc đẩy quyền con người

V.N Thứ ba, ngày 11/10/2022 18:03 PM (GMT+7)
Hôm nay 11/10, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ bầu các thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 – 2025, trong đó Việt Nam là một ứng viên. Từ khi Hội đồng nhân quyền LHQ được thành lập, Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của cơ quan này.
Bình luận 0

Nhiều sáng kiến nhân quyền

Sự tham gia tích cực của Việt Nam phải kể đến việc Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ (HĐNQ LHQ) nhiệm kỳ 2014 – 2016. Trong nhiệm kỳ này, Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động của HĐNQ, thúc đẩy các sáng kiến thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như tham gia Nhóm nòng cốt tại HĐNQ về Biến đổi Khí hậu và quyền con người; trực tiếp là tác giả của một số nghị quyết được HĐNQ thông qua bằng đồng thuận về ảnh hưởng của BĐKH với các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em…)

Việt Nam cũng tham gia đồng tác giả, đồng bảo trợ hàng chục nghị quyết của HĐNQ trong giai đoạn này, tập trung vào các lĩnh vực quyền kinh tế xác hội, văn hóa, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, xóa bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền con người, quyền của nông dân, vấn đề dân chủ hóa đời sống quốc tế và tăng cường đoàn kết quốc tế.

Việt Nam luôn khẳng định cam kết thúc đẩy quyền con người - Ảnh 1.

Khai mạc kỳ họp thứ 51 HĐNQ LHQ ngày 12/9/2022 tại Geneva, Thụy Sỹ. Ảnh: TTXVN.

Việt Nam còn có nhiều đóng góp, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước, các nhóm nước nhằm thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng, tiến bộ, hướng tới con người của HĐNQ trên những vấn đề còn khác biệt, ví dụ như về quyền sức khỏe sinh sản, chống bạo hành với phụ nữ, xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên cơ sở bản dạng giới và xu hướng tình dục…

Việt Nam cũng đã thúc đẩy đối thoại trong khuôn khổ HĐNQ giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của LHQ về quyền con người nhằm giải quyết những quan tâm cụ thể về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo; gắn với việc phối hợp với các nước đang phát triển đấu tranh để bảo đảm HĐNQ hoạt động đúng nguyên tắc, thủ tục, không chính trị hóa, không can thiệp công việc nội bộ các nước. Trong thời gian 2014 – 2016, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu làm Điều phối viên ASEAN tại HĐNQ.

Việt Nam cũng thực hiện nghiêm túc Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) – cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng Nhân quyền; triển khai có hiệu quả Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III mà Việt Nam chấp thuận, làm cơ sở để lần đầu tiên Việt Nam xây dựng báo cáo giữa kỳ tự nguyện để nộp HĐNQ. Báo cáo này đã được công bố Quý I/2022, cung cấp thông tin toàn diện và phản ánh chân thực những cam kết, nỗ lực của Việt Nam để tiếp tục ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh đại dịch Covid đầy khó khăn.

Tiếp cận cân bằng, toàn diện, đối thoại

Không chỉ ở HĐNQ, tại các diễn đàn đa phương khác như Ủy ban các vấn đề nhân đạo, xã hội, văn hóa của Đại hội đồng LHQ, ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy hành động và đóng góp nhiều giải pháp, sáng kiến về quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, các vấn đề an ninh phi truyền thống thuộc quan tâm chung, đặc biệt là ứng phó với đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thể hiện cam kết mạnh mẽ về đảm bảo quyền con người với tư cách là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam luôn khẳng định cam kết thúc đẩy quyền con người - Ảnh 2.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva Lê Thị Tuyết Mai dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Khóa họp lần thứ 51 của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ảnh: TTXVN.

Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2020 – 2021, Việt Nam luôn thúc đẩy tinh thần nhân văn nhân ái, hướng tới người dân, tăng cường hành động nhân đạo, bảo vệ thường dân trong và hậu xung đột.

Các sáng kiến của Việt Nam đều được cộng đồng quốc tế hưởng ứng, đánh giá cao bởi cách tiếp cận vì con người, lấy con người làm trung tâm, hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là mang đến hòa bình bền vững, giải quyết và ngăn ngừa xung đột, đem lại cuộc sống an toàn, ổn định cho người dân ở các quốc gia, khu vực chịu ảnh hưởng.

Tại tất cả các diễn đàn, Việt Nam luôn chủ trương coi trọng việc đối thoại, hợp tác với các nước, đối tác trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Với cách tiếp cận cân bằng, toàn diện, ủng hộ đối thoại và hợp tác, Việt Nam chủ động, linh hoạt tham gia cuộc đấu tranh chung của cộng đồng quốc tế chống xu hướng chính trị hóa, tiêu chuẩn kép, can thiệp; thúc đẩy minh bạch tiến tới hiểu biết lẫn nhau, không để khác biệt cản trở hợp tác với các đối tác quan trọng.

Tăng cường vị thế đất nước

Việc Việt Nam tiếp tục ứng cử vào HĐNQ nhiệm kỳ 2022- 2025 sẽ góp phần khẳng định nỗ lực, cam kết, thành tựu cũng như khả năng đóng góp của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người; tranh thủ sự ủng hộ của các nước để tăng cường công tác tuyên truyền về thành tựu, thực tế tình hình đảm bảo quyền con người tại Việt Nam.

"Việt Nam cho thấy những cam kết mạnh mẽ của một quốc gia luôn tích cực nỗ lực xây dựng lòng tin và đối thoại, làm cầu nối tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột trên thế giới".

(Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres)

Việc ứng cử cũng nâng cao vị thế, hình ảnh một nước Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thành viên có trách nhiệm của cộng đông quốc tế, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác song phương với các nước bạn bè, đối tác, kể cả các nước có quan điểm khác biệt về quyền con người.

Nếu trở thành thành viên HĐNQ trong nhiệm kỳ tới, Việt Nam cũng có thể thúc đẩy các sáng kiến cụ thể, trong đó tiếp tục đẩy mạnh sáng kiến về biến đổi khí hậu và quyền con người; đồng thời thúc đẩy hợp tác đối thoại các vấn đề quốc tế quan tâm, phù hợp lợi ích của Việt Nam; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nâng cao hiệu quả sự tham gia của Việt Nam vào các cơ chế đa phương.

Hội đồng Nhân quyền LHQ có 47 nước thành viên, phân bổ cân bằng theo khu vực địa lý: Nhóm Châu Á được 13 ghế, nhóm Châu Phi 13 ghế, nhóm Đông Âu 6 ghế, nhóm Mỹ Latinh và Caribe 8 ghế, nhóm Tây Bắc Âu và các nước khác (phương Tây) 7 ghế. Các thành viên có nhiệm kỳ 3 năm, không được tái cử nếu qua 2 nhiệm kỳ liên tục.

Tất cả các nước thành viên LHQ đều có quyền ứng cử vào HĐNQ LHQ. Đại hội đồng LHQ sẽ bầu các thànhv iên HĐNQ bằng bỏ phiếu kín với đa số thường. Khi bỏ phiếu, các nước thành viên thường xem xét những đóng góp của từng ứng cử viên trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cũng như những cam kết tự nguyện của họ trong lĩnh vực này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem