Việt Nam trồng lúa giảm phát thải CO2e đầu tiên trên thế giới: Cuộc "cách mạng" của nông dân ĐBSCL (Bài 2)

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 20/04/2023 06:16 AM (GMT+7)
Với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giảm phát thải khí CO2e, nhiều nông dân cho biết, họ có thể làm lúa và lãi tới 60 triệu đồng/ha/vụ. Quan niệm làm lúa mãi nghèo từ nay sẽ được thay đổi...
Bình luận 0

Giảm chi phí, tăng năng suất, giá trị nông dân mới có lãi

Liên quan đến việc Bộ NNPTNT sắp triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL), trao đổi với phóng viên Dân Việt, anh Dương Văn Siêu - Phó Giám đốc hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thuận Thắng, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ cho biết, anh rất đồng lòng để thực hiện đề án trên nếu được ngành nông nghiệp địa phương cho tham gia.

Việt Nam trồng lúa giảm phát thải đầu tiên trên thế giới: Nông dân có thể làm tốt hơn mong đợi (Bài 2) - Ảnh 1.

Anh Dương Văn Siêu - Phó Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Thuận Thắng ở TP.Cần Thơ cho hay, rất đồng lòng để thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo anh Siêu, trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL, mục tiêu đề ra là giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 kg/ha là hoàn toàn khả thi đối với HTX của anh. 

"Kinh nghiệm của tôi cho thấy, nếu gieo sạ giống xác nhận phù hợp theo thời tiết, làm đất bằng phẳng, xử lý không còn ốc bươu vàng và chuột thì 80kg/ha là khỏe re, làm tốt. Thậm chí có thể hạ xuống 70kg/ha vẫn được" - anh Siêu nói.

Anh Siêu cho hay, trong vụ lúa đông xuân vừa qua, riêng phần đất của gia đình là 3ha, anh gieo sạ chỉ 100kg lúa giống lúa thơm Jasmine 85/ha kết hợp với việc ít bón phân, ít phun thuốc (chỉ phun đúng liều lượng và khi thật sự cần thiết), đến cuối vụ đạt 1,1 tấn/công (1.000m2). Với giá bán 6.600 đồng/kg, anh thu được 7,1 triệu đồng/công, trừ chi phí khoảng 1 triệu đồng/công, anh lời 6 triệu đồng.

Còn đối với người dân sản xuất lúa theo cách truyền thống, gieo sạ dày cũng thu được 7 triệu đồng/công nhưng trừ đi chi phí, chỉ còn lời từ hơn 2 đến 3 triệu đồng.

Anh Siêu trồng lúa theo hướng giảm phát thải nhà kính, giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân, giảm thuốc. Do đó, khi thấy anh làm, người dân ở kế bên đều lắc đầu, cho rằng không hiệu quả, không muốn làm theo. Nhưng thực tế mô hình của anh đã được chứng minh thu nhập cao, được lãnh đạo Sở NNPTNT, lãnh đạo huyện đến tận ruộng lúa xem và ai cũng khen, cũng mê. 

Và đặc biệt, khi thu hoạch, anh Siêu đem sản phẩm đến cơ quan chức năng kiểm tra đều không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn cho người dùng.

"Cách làm của tôi không chỉ giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn là thích ứng với giá phân, giá thuốc thời buổi kinh tế hiện tại. Hiện nay ai cũng đều biết, năng suất lúa cao nhất chỉ đạt 9 tấn/ha, bỏ tiền nhiều cho phân thuốc cỡ nào đi nữa năng suất vẫn không hơn. Vậy chúng ta nên làm theo hướng giảm vật tư đầu vào mà năng suất vẫn đảm bảo thì vẫn hơn, chưa kể là lợi nhuận tăng gấp đôi"- ông Siêu chia sẻ.

Chính vì những lý do trên, theo Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Thuận Thắng, trong thời gian tới, Bộ NNPTNT triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL là hợp lý, từ đó giúp cho nhiều nông dân thay đổi dần tư duy làm lúa. 

Đối với mục tiêu đem rơm ra khỏi đồng ruộng trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, anh Siêu cho hay, cũng rất dễ thực hiện. Trong quá trình thu hoạch, chỉ cần cho máy gặt đập liên hợp thực hiện cắt sâu xuống gốc lúa hơn, sau đó đưa phương tiện vận chuyển rơm ra khỏi ruộng là xong.

Riêng về giống lúa, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Thuận Thắng lưu ý nên để mỗi địa phương sử dụng giống lúa riêng phù hợp với từng vùng sinh thái,  từng điều kiện thời tiết của mùa vụ.

"Theo kinh nghiệm của tôi, ở từng địa phương và theo từng mùa vụ, thời tiết không giống nhau. Do đó, để hạn chế lượng giống gieo sạ, phân bón và thuốc trừ sâu cũng như các vấn đề khác có liên quan nên chọn lúa giống lúa gieo sạ chất lượng cao sao cho phù hợp ở từng mùa vụ và từng địa phương. Chẳng hạn ở nơi tôi đang sinh sống, vụ hè thu này tích hợp để gieo sạ lúa OM34, vụ thu đông là OM 5451, vụ đông xuân là lúa thơm Jasmine 85. Trong quá trình sản xuất, không nên chỉ dùng duy nhất 1 loại giống vì làm như vậy dễ làm dịch bệnh lây lan" - ông Siêu thông tin. 

 

Các hợp tác xã đã thật sự sẵn sàng, có thể làm tốt hơn mong đợi

Khi hỏi về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL mà Bộ NNPTNT sắp triển khai thực hiện, ông Nguyễn Văn Thích - Phó Giám đốc HTX Tân Long ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cho hay, HTX của ông rất mong muốn tham gia bởi HTX đã hội tụ đủ các yêu cầu mà dự thảo đề án đưa ra.

Việt Nam trồng lúa giảm phát thải đầu tiên trên thế giới: Nông dân có thể làm tốt hơn mong đợi (Bài 2) - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Thích - Phó Giám đốc HTX Tân Long ở tỉnh Hậu Giang (áo trắng) cho hay, rất muốn tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL bởi HTX đã hội tụ đủ các yêu cầu mà dự thảo đề án đưa ra. Ảnh: Huỳnh Xây

Bởi, theo ông Thích, từ năm 2020, HTX Tân Long đã tham gia chương trình VnSAT (Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam). "Nếu tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao thì HTX làm được liền. Nếu ngành nông nghiệp tạo điều kiện, chúng tôi có thể đăng ký thực hiện vài nghìn ha bởi hiện nay HTX đã có 750ha rồi" - Ông Thích nói.

Khi phóng viên hỏi, riêng yêu cầu của đề án về việc giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80kg/ha có thể thực hiện được không, ông Thích khẳng định rất khả thi. Bởi HTX Tân Long đang gieo sạ ở lượng giống 80kg/ha như trên và đang tính tới phương án kéo xuống 60kg/ha.

Ông Thích thông tin: "Nếu làm đất tốt, bằng phẳng thì gieo sạ giống thưa sẽ đạt hiệu quả rất cao. Ngoài tiết kiệm được lượng giống, còn giảm phun thuốc và phân bón do lúa ít sâu bệnh. Lúc này cây lúa mau nở bụi do không bị cạnh tranh dinh dưỡng quá nhiều như sạ dày. Hiện HTX chúng tôi còn trồng hoa trên bờ ruộng để dụ thiên địch gây hại ra khỏi đồng ruộng".

Phó Giám đốc HTX Tân Long khoe, trong vụ lúa đông xuân vừa qua, người dân trong HTX áp dụng biện pháp canh tác lúa như trên đã đạt năng suất từ 6,8-7,6 tấn/ha, giúp thu lợi nhuận từ 60 triệu đồng trở lên.

Riêng về vấn đề thu gom rơm trong ruộng ra ngoài nêu trong đề án, ông Thích nói rất dễ làm bởi HTX đã và đang thực hiện rất tốt. Cụ thể, HTX Tân Long sẽ thu gom hết rơm ra khỏi đồng để trồng nấm sạch công nghệ cao. Sau khi trồng nấm xong, phế phẩm còn lại sẽ làm phân hữu cơ theo quy trình tuần hoàn. "Vấn đề này chúng tôi làm hết và liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ. Đề án không yêu cầu làm thì HTX cũng làm" - ông Thích nói.

Cũng như ông Thích, ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc HTX Giống Nông nghiệp Định An ở xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp cho hay, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL đang chuẩn bị triển khai rất thực tế. Qua đó, có thể giúp phần nào đó thay đổi tư duy sản xuất lúa của người dân ĐBSCL.

Hiện nay, HTX Giống Nông nghiệp Định An của ông Dũng đang làm mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ, giảm phát thải nhà kính gần giống như đề án mà Bộ NNPTNT đang hướng tới.

Cụ thể, HTX có 17ha áp dụng cách gieo sạ thưa, từ 60-70kg/ha đối với giống lúa trên 90 ngày và từ 90-100kg/vụ đối với giống 90 ngày trở lại. Về phân bón, HTX chỉ bón tối đa 200kg/ha/vụ đối với phân hóa học và từ 300-500kg/ha đối với phân hữu cơ (tùy vụ).

Theo tính toán, làm theo mô hình trên, sẽ tốn ít chi phí hơn bên ngoài 30%, năng suất đạt tương tương hoặc cao hơn bên ngoài, chất lượng lúa sẽ cao hơn và bán có giá hơn. "Lúa của HTX được Công ty TNHH Cỏ May ở Đồng Tháp mua với giá cao hơn lúa thường từ 30-40%, thí dụ lúa thường 6.000 đồng/kg thì HTX bán được từ 9.000-9.500 đồng/kg" - ông Dũng nói.

Ông Dũng nói thêm, trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao yêu cầu gieo sạ 80kg/ha nhưng theo ông có thể giảm xuống hơn nữa, mà năng suất vẫn đáp ứng tốt. Trong quá trình sản xuất, dễ dàng đem rơm ra khỏi cánh đồng, còn phần gốc rạ có thể sử dụng nấm Trichoderma giúp phân hủy nhanh để gieo sạ vụ mới đạt hiệu quả cao.

Theo Bộ NNPTNT, mong đợi của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 là giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80kg/ha, giảm phân bón hóa học 30% (tăng phân bón hữu cơ), giảm thuốc bảo vệ thực vật 40%, giảm nước tưới 30%, giảm thất thoát sau thu hoạch xuống dưới 7%.

Đề án sẽ áp dụng nhiều kỹ thuật để giảm phát thải nhà kính (giảm trên 20%), riêng phần rơm được đưa ra khỏi ruộng 90% để tái sử dụng.

Trong vùng thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được đầu tư về hệ thống thủy lợi, đê bao, nông dân trong hợp tác xã được vay vốn, doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Trong quá trình sản xuất, người dân phải sử dụng giống xác nhận, có quy trình canh tác bền vững, dựa trên nền tảng của dự án VnSAT, các chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, VietGap, GlobalGap...

Từ việc áp dụng các giải pháp giảm chi phí sản xuất, đề án mong muốn sẽ giúp tăng thu nhập cho người dân trồng lúa, giúp sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam tăng hơn 20%.

Theo Ngân hàng thế giới (WB), lúa gạo là mặt hàng nông nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam nhưng cũng là ngành hàng chiếm 48% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí thải mê tan, tương đương với lượng phát thải khoảng 49,6 triệu tấn CO2e (Khí gây hiệu ứng nhà kính)/năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem