Việt Nam trồng lúa giảm phát thải CO2e đầu tiên trên thế giới: WB đồng hành với đề án 1 triệu ha lúa (Bài 4)

Huỳnh Xây Thứ bảy, ngày 22/04/2023 09:14 AM (GMT+7)
Ngân hàng Thế giới (WB) ủng hộ và mong muốn đồng hành cùng với Việt Nam làm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Đây được coi là mô hình mẫu về sản xuất lúa giảm phát thải CO2e mà Việt Nam là nước đầu tiên triển khai trên thế giới.
Bình luận 0

Ngân hàng Thế giới ủng hộ và mong muốn cùng đồng hành

Liên quan đến Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao vùng ĐBSCL), ông Li Guo - Chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB tại Việt Nam cho biết, thời gian qua, Việt Nam có kinh nghiệm sản xuất lúa giảm phát thải từ dự án VnSAT (dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam) được làm trong nhiều năm qua.

Việt Nam trồng lúa giảm phát thải đầu tiên trên thế giới: Ngân hàng Thế giới cùng đồng hành (bài 4) - Ảnh 1.

Ông Animesh - Chuyên gia cao cấp về kinh tế nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới tại trụ sở Mỹ cho rằng, vấn đề rất quan trọng khi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL là giải quyết bài toán thu nhập của người nông dân và phát triển thị trường. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo ông Li Guo, dự án VnSAT là nền tảng rất tốt để Việt Nam thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Bởi dự án này đã rất nổi tiếng trên thế giới, rất nhiều quốc gia khác bày tỏ mong muốn được học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam. Đây là nội dung rất quan trọng trong chuyển đổi ngành nông nghiệp của Việt Nam.

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp chiếm phần lớn lượng phát thải khí nhà kính, trong đó có sản xuất lúa. Việc thay đổi cách thức sản xuất trong lĩnh vực lúa gạo khi đề án được triển khai, theo ông Li Guo, sẽ đóng góp rất lớn cho Việt Nam thực hiện cam kết của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính tại Hội nghị COP26. Và Ngân hàng Thế giới mong muốn đồng hành và phối hợp chặt chẽ với Bộ NNPTNT cũng như các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thúc đẩy quá trình thực hiện đề án.

Ông Animesh - Chuyên gia cao cấp về kinh tế nông nghiệp của WB tại trụ sở Mỹ thì cho rằng, bên cạnh thách thức về biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang sản xuất lúa chất lượng cao như đề án của Bộ NNPTNT đưa ra đối mặt với hai thách thức lớn khác là giải quyết bài toán thu nhập của người nông dân và phát triển thị trường.

Đối với thách thức về thu nhập, lúa là loại cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam, nhưng đáng tiếc việc sản xuất lúa chưa giúp mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Do đó, cần phải có sự thay đổi, tức nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đây là vấn đề rất quan trọng khi thực hiện đề án.

Đối với thách thức đề thị trường, Việt Nam cần đầu tư cho việc nghiên cứu nhu cầu thị trường và định vị thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường. Để làm điều này, Việt Nam ngay từ bây giờ phải nghiên cứu thị trường trong tương lai như thế nào, nhu cầu về giống lúa gì, hạt gạo có hương vị thế nào, các yếu tố khác liên quan đến hạt gạo...

Điểm mạnh của Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo đứng top đầu thế giới, cho nên ngay bây giờ có tầm nhìn, xây dựng chiến lược, định vị trên thị trường thông qua Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, tức Việt Nam đã đi trước các đối thủ, các quốc gia đang cạnh tranh. Liên quan đến việc này, WB sẽ ủng hộ.

Theo ông Animesh, thị trường lúa gạo có nhiều yếu tố tốt cho Việt Nam, nhất là ở Châu Phi. Đây là khu vực dân số tăng rất nhanh, nhưng lại không thể sản xuất lúa theo cách tự nhiên. Trong khi đó, Việt Nam lại có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để sản xuất lúa, bởi chủ động được nguồn nước, trong khi nhiều quốc gia không chủ động được vấn đề nguồn nước.

Lãnh đạo các địa phương ĐBSCL quyết tâm làm

Ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, hàng năm, diện tích gieo trồng cây lúa của tỉnh Hậu Giang đạt trên 180.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1,2 triệu tấn, năng suất trung bình đạt khoảng 6,8 tấn/ha.

Việt Nam trồng lúa giảm phát thải đầu tiên trên thế giới: Ngân hàng Thế giới cùng đồng hành (bài 4) - Ảnh 2.

ĐBSCL là 1 trong những nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu lại là quốc gia đầu tiên sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Huỳnh Xây

Những năm qua, Hậu Giang đã dịch chuyển cơ cấu giống lúa dần từ nhóm chất lượng thấp (IR 50404, OM 576…) sang các giống lúa chất lượng cao (OM 5451, OM 18, Jasmin 85, RVT, Đài Thơm 8, ST24…). Hiện giống chất lượng cao trên 95% tổng diện tích gieo trồng lúa của tỉnh, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Ông Thanh nhận định, Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao vùng ĐBSCL được coi là mô hình mẫu về sản xuất lúa giảm phát thải mà Việt Nam là nước đầu tiên triển khai trên thế giới. Khi triển khai, không chỉ hướng đến hiệu quả kinh tế, an ninh lương thực, tạo thu nhập cao hơn cho nông dân mà còn phải đảm bảo mục tiêu trong tình hình mới gồm: thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính do canh tác lúa gây ra, góp phần chuyển đổi tư duy sản xuất từ nâng cao chất lượng, tạo giá trị gia tăng.

"Đây là thời điểm buộc chúng ta phải làm và có quyết tâm. Hậu Giang đăng ký đến năm 2025 sẽ thực hiện 28.000ha , đến năm 2030, thực hiện 46.000ha. Địa phương rất cần sự quan tâm và hỗ trợ của các bên liên quan trong quá trình triển khai đề án, sao cho người nhân thấy rõ sự khác biệt, lợi ích của đề án so với các đề án và dự án trước đây" - ông Thanh nói.

Khi nói về đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, đề án cần chia rõ thêm, vùng nào đã đạt tiêu chí để thực hiện thì đầu tư gì, vùng nào chưa đạt thì đầu tư ra sao, chính sách gì phải làm, bởi nếu để chung chung rất khó triển khai và không làm nhanh.

Ngoài ra, ban đầu triển khai thực hiện, không phải tất cả các doanh nghiệp đều tham gia. Do đó, thời gian này, cần tăng nhanh diện tích thực hiện đề án (đã thực hiện được việc giảm giá thành sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính). Khi đó, sẽ có nhiều doanh nghiệp sẽ thấy lợi, thiết thực mà tham gia vào ngày càng nhiều. Nếu làm chậm thời gian đầu, các doanh nghiệp sẽ ít tham gia và nông dân cũng sẽ không thiết tha.

Thêm vào đó, theo ông Thiện, đối với vùng chưa có hạ tầng hoàn thiện cũng nên cho thực hiện đề án, sau này đầu tư, không nhất thiết phải đầu tư trước. "Đề án có 2 mục tiêu chính là giảm chi phí sản xuất lúa và giảm phát thải khí nhà kính, tôi nghĩ đề án sẽ thành công trong tương lai nếu bám sát theo mục tiêu" - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nói.

Ông Thiện lưu ý rằng, đề án đã tạo ra sự khác biệt khi vùng ĐBSCL vừa đảm nhận vai trò an ninh lương thực, vừa phải chịu trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết. Do đó, Bộ NNPTNT có thể yêu cầu các bên có liên quan đưa ra các chính sách đặc thù thật cụ thể thêm vào đề án.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, WB và các quốc gia khác trên thế giới đánh giá ĐBSCL là 1 trong những nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu lại là quốc gia đầu tiên sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính.

Tức ĐBSCL là vùng sản xuất lúa và sẽ tiếp tục sản xuất lúa trong tương lai nhưng không được phép gây phát thải khí nhà kính. Để làm được vấn đề này, theo ông Tùng, phải rất kỳ công và là thách thức đối với người dân. Tuy nhiên, phải đến lúc phải làm và thành công.

Ông Cao Thăng Bình - chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, có ba "lời nguyền" đối với ngành lúa gạo Việt Nam.

Trong đó, có hai "lời nguyền" đã vượt qua là từ chỗ không đủ lương thực đã vươn lên xuất khẩu khẩu đứng top đầu thế giới và gần đây đã vượt được Thái Lan về chất lượng gạo. Đây là điều mà trước đây chưa bao giờ nghĩ và bán được giá cao hơn. "Lời nguyền" thứ ba là đem lại thu nhập cho người trồng lúa được cao hơn thì chưa làm được, cộng thêm thách thức gần đây là biến đổi khí hậu càng làm cho mục tiêu này khó đạt. "Cho dù khẩu gạo thứ nhì thế giới đi nữa thì chúng ta vẫn còn nợ rất nhiều người nông dân đối với vấn đề thứ ba này" - ông Bình nói.

Vì vậy, theo ông Bình, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL sẽ giúp vượt qua "lời nguyền" thứ ba và đây là vấn đề khả thi.

Ông Bình mong muốn đề án không phải thực hiện trong vài năm mà cả một quá trình đầu tư chuyển đổi lâu dài. Qua đó, đề xuất xem đề án như là một phần của chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu của Chính phủ, cho ưu tiên vay vốn ODA và tiếp nhận vốn không hoàn lại, coi đây là một gói lớn.

"Về phía WB, chúng tôi mong muốn chính là thay đổi ngành lúa gạo của Việt Nam, chứ không phải là cho vay 1 dự án. Do đó, WB rất mong đợi Bộ NNPTNT nghĩ về hàng triệu người dân để làm, tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành có liên quan, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính. Và cuối cùng là sớm được Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện, không làm thất vọng đối với nông dân" - chuyên gia WB kỳ vọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem