Việt Nam ưu tiên phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp

Trần Quang Thứ tư, ngày 13/04/2022 17:56 PM (GMT+7)
Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến tại Diễn đàn trao đổi về vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển Hệ thống thực phẩm và nông nghiệp xanh, giảm phát thải khí nhà kính do Bộ NNPTNT phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế tại Việt Nam (IFC) tổ chức sáng 13/4.
Bình luận 0
Việt Nam ưu tiên phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp - Ảnh 1.

Diễn đàn trao đổi về vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển Hệ thống thực phẩm và nông nghiệp xanh, giảm phát thải khí nhà kính do Bộ NNPTNT phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế tại Việt Nam (IFC) tổ chức diễn ra vào sáng 13/4. Ảnh: TQ

Sản xuất và tiêu dùng xanh, ít phát thải sẽ chi phối thị trường nông sản và thương mại toàn cầu

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, trước tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, nông nghiệp Việt Nam đã và đang là trụ cột của nền kinh tế, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và giảm nghèo, góp phần ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp khoảng 15% GDP của quốc gia. 

Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 48,6 tỷ USD năm 2021.

Nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu mà còn là nguồn gây phát thải khí nhà kính đáng kể. 

Theo số liệu kiểm kê khí nhà kính năm 2016, sản xuất nông nghiệp chiếm 13,9% tổng lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia.

Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và hai cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp đó là: cam kết tham gia sáng kiến "Giảm phát thải khí mê tan toàn cầu", cam kết thực hiện "Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất". 

Hiện nay Bộ NNPTNT đang triển khai xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, bao gồm Kế hoạch "Giảm phát thải khí mê-tan trong lĩnh vực nông nghiệp đến 2030".

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 với mục tiêu "Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính… 

Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững. Phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, ít phát thải, thân thiện với môi trường và thích ứng với khí hậu...".

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, để thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và các cam kết quốc tế nói trên, Việt Nam cần có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. 

Đồng thời chuyển đổi mô hình sản xuất từ tăng trưởng về sản lượng, năng suất, sử dụng nhiều đầu vào, thâm dụng tài nguyên sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp xanh, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với phát triển bền vững, xu hướng sản xuất và tiêu dùng xanh, ít phát thải sẽ chi phối thị trường nông sản và thương mại toàn cầu. 

Do đó để có thể tham gia vào sân chơi chung của thế giới, chúng ta cần phải có những bước đi táo bạo và có tầm nhìn để chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm xanh, ít phát thải và bền vững.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp; thực hiện đồng hành và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số, sạch, hữu cơ.

 IFC cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp 

Theo nhiều đại biểu, với vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay cần rất nhiều bên tham gia không chỉ là khâu sản xuất mà còn tập trung vào khâu tiêu thụ sản phẩm. 

Để tạo thị trường bền vững cho các các sản phẩm từ các mô hình sản xuất nhỏ (đang rất nhiều ở Việt Nam), chúng ta cần phải có cơ chế thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với các sản phẩm từ các mô hình sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, mô hình hữu cơ.

Tiếp đó, một số đại biểu cho rằng cần có cơ chế để có được dữ liệu, số liệu để đo lường, giám sát để chúng ta biết được đầu tư vào khâu nào dọc theo chuỗi giá trị, hệ thống thực phẩm sẽ giảm phát thải hiệu quả nhất. 

Qua đó giúp chúng ta áp dụng theo quy trình smart để đo lường tạo sự thống nhất trong giám sát, cũng như sự minh bạch giữa các bên.

Ông Nguyễn Ngọc Luân, đại diện HTX nông nghiệp Lâm San (Đồng Nai) đề xuất cụ thể hơn trong việc hỗ trợ cơ chế, chính sách để các nông hộ nhỏ (người đóng góp lớn trong nền nông nghiệp Việt Nam) để chuyển đổi từ sản xuất nhỏ sang mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển nông nghiệp xanh.

Ông Alfonso Garcia Mora - Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính quốc tế Khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho hay: Thực hiện những cải cách và đầu tư đáng kể để khắc phục tình trạng sản xuất lúa gạo và chăn nuôi phát thải nhiều các-bon. Công cuộc chuyển đổi này đòi hỏi các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng phương thức kinh doanh xanh hơn, sạch hơn. 

Việt Nam ưu tiên phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp - Ảnh 3.

Các đại biểu trong nước và quốc tế trao đổi sôi nổi qua màn hình trực tuyến tại hội nghị. Ảnh: TQ

Do đó, IFC tin rằng ngành thực phẩm và nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng ngày càng vận dụng kiến thức chuyên môn và gia tăng giá trị hơn là theo hướng thâm dụng tài nguyên thiên nhiên và không ngừng tích luỹ sản lượng đầu ra.

Theo ông Alfonso Garcia Mora, để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất lương thực tại Việt Nam, đặc biệt trong canh tác lúa gạo, vốn chiếm lượng phát thải khí Metan cao và chăn nuôi gia súc cần có hướng dẫn rõ ràng về mục tiêu đề ra cũng như có các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp để áp dụng các thực hành mới theo hướng khử các-bon.

"Đối với nền nông nghiệp Việt Nam nơi các nông trại quy mô nhỏ chiếm ưu thế, việc hợp tác giữa các hợp tác xã, các công ty đầu ngành và các nông trại quy mô nhỏ để gia tăng quy mô nền sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và đẩy mạnh việc ứng dụng các công nghệ bền vững, chẳng hạn như canh tác lúa gạo bền vững sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi",Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính quốc tế Khu vực châu Á – Thái Bình Dương khẳng định.

Ông Alfonso Garcia Mora cho biết, IFC và Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ ngành nông nghiệp trong việc triển khai chương trình mới và thực hiện các khuyến nghị như: khuyến khích việc áp dụng các kỹ thuật thân thiện với môi trường, cải cách để triển khai các giải pháp kỹ thuật số trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng khả năng tiếp cận tài chính cho sản xuất công nghệ cao, quy mô lớn, áp dụng công nghệ bền vững và tiêu chuẩn quốc tế, ông Alfonso Garcia Mora cho biết.

Với "tư duy đổi mới" và "cùng hành động", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin rằng những nỗ lực của Chính phủ, sự chủ động của toàn ngành, sự đồng hành của khu vực tư nhân và cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác quốc tế… Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, và một nền nông nghiệp xanh - giảm phát thải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem