Nhà nào nuôi con đặc sản này ở An Giang lại tấp nập người đến xem, nhìn là thấy ham

Thứ tư, ngày 13/04/2022 11:09 AM (GMT+7)
Chia sẻ thêm định hướng phát triển mô hình trong thời gian tới, anh Doanh, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn (An Giang) cho biết: “Với tình hình dịch bệnh COVID-19 vừa qua, một số nông dân ngán ngại nuôi lươn vì e ngại đầu ra không ổn định. Thế nhưng hiện nay, số lượng nông dân quay trở lại nuôi lươn...".
Bình luận 0

Chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi từ truyền thống sang hiện đại, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp để cải thiện đời sống người dân nông thôn là một trong những chỉ tiêu quan trọng mà huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) đang hướng đến. Điều này đòi hỏi người nông dân phải thay đổi tư duy, dám nghĩ, dám làm, nhất là thế hệ nông dân trẻ.

Nhà nào nuôi con đặc sản này ở An Giang lại tấp nập người đến xem, nhìn là thấy ham - Ảnh 1.

Mô hình nuôi lươn sạch của anh Trịnh Quốc Doanh, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn (An Giang).


Về thăm ấp Vĩnh An (xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), chúng tôi tiếp cận với mô hình nuôi lươn sạch của anh Trịnh Quốc Doanh, một nông dân trẻ thuộc thế hệ “8X”. 

Hướng dẫn chúng tôi tham quan trại lươn, anh Doanh khiêm tốn chia sẻ: “Tôi mới nuôi lươn gần đây, được 40 bồn lươn, tính toán hiệu quả thì vẫn chưa có con số cụ thể. Còn nhiều hộ ở các địa phương khác, họ nuôi nhiều hơn, kinh nghiệm nhiều hơn, cho năng suất thấy ham lắm”.

Nói là ít kinh nghiệm nhưng khi tham quan cùng Hội Nông dân xã Vĩnh Trạch, chúng tôi thấy mọi thứ khá chỉn chu, từ kỹ thuật thiết kế bồn lươn, hệ thống lọc nước tự động, lựa chọn nguồn thức ăn cho lươn đều được anh Doanh quan tâm đến từng chi tiết.

Để có thể làm được bước đầu khá tốt như vậy, tất cả đều xuất phát từ niềm đam mê, ấp ủ ý tưởng từ năm 2019, trong một dịp anh Doanh được tham quan mô hình tại một địa phương khác. Về nhà, anh tự tìm hiểu thêm và đến nay mới có đủ điều kiện thực hiện. Năm trước, anh tập nuôi 11 bồn lươn, thấy đạt hiệu quả anh mở rộng 40 bồn.

“Nuôi lươn sạch kiểu này, điều quan trọng nhất là nguồn nước vì lươn chịu nước sạch, con giống phải đảm bảo chất lượng. Do mình chủ động gầy con giống vừa để nuôi lươn thành phẩm, vừa bán lươn giống cho các hộ xung quanh nên yên tâm phần nào. 

Do chất lượng lươn giống tốt, đảm bảo nguồn nước sạch, tôi cho lươn ăn thức ăn với lượng vừa phải, nguồn nước được thay đổi thường xuyên, được dẫn ra bể lắng tạp chất và thức ăn thừa nên lươn ít bệnh lặt vặt, nhẹ công chăm sóc” - anh Doanh chia sẻ.

Khi được nhiều khách hàng đến mua lươn giống quan tâm, thăm hỏi về kỹ thuật và chi phí xây dựng mô hình, anh Doanh không ngần ngại hướng dẫn. 

Anh Doanh cho hay, tùy vào thời điểm lươn giống có hút hàng hay không, khi đầu tư mua lươn giống, làm bồn nuôi và các chi phí phát sinh khác, tính ra khoảng 18-20 triệu đồng/bồn, nếu không có đủ điều kiện mình có thể thay thế bằng vật liệu khác, nhưng tốt nhất vẫn là đảm bảo nguồn nước sạch và lưu chuyển thường xuyên.

Căn bản nuôi lươn với kỹ thuật này sẽ thu được lợi nhuận khá. Năm 2021, anh Doanh bán 200.000 con giống, số giống còn lại anh thả nuôi quay vòng trở lại để thành lươn thương phẩm cho 40 bồn lươn. Theo anh, thông thường lươn nuôi khoảng 11 tháng sẽ có trọng lượng mỗi con đạt 200gr (5 con/kg), được xem là lươn loại 1, thương lái hay chủ các vựa lươn đến thu mua thường xuyên.

Chia sẻ thêm định hướng phát triển mô hình trong thời gian tới, anh Doanh cho biết: “Với tình hình dịch bệnh COVID-19 vừa qua, một số nông dân ngán ngại nuôi lươn vì e ngại đầu ra không ổn định. Thế nhưng hiện nay, số lượng nông dân  quay trở lại nuôi lươn tại địa phương đã khá hơn nên dự đoán nguồn lươn giống sẽ thiếu hụt. 

Do vậy, tôi sẽ sản xuất thêm con giống, vừa bán ra, vừa để lại nuôi lươn thương phẩm. Do chưa phải là người có nhiều năm kinh nghiệm trên lĩnh vực mới này nên tôi nghĩ bản thân không ngừng học hỏi, bổ sung thêm kiến thức. 

Tôi rất mong được tham gia các lớp học, để học tập kỹ thuật cao hơn, tạo nên sản phẩm chất lượng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Đồng thời, tôi cũng rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ địa phương và ngành chức năng để có thêm nguồn vốn mở rộng quy mô sản xuất”.

Đánh giá về hiệu quả mô hình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Trạch Nguyễn Hữu Chí thông tin: “Thời gian qua, trên địa bàn xã có rất nhiều mô hình, như: Mô hình trồng màu, trồng cây ăn trái, các mô hình chăn nuôi bò, dê, lươn, cá, đặc biệt mô hình nuôi lươn trên địa bàn xã có rất nhiều hộ tham gia. 

Đa phần nuôi lươn cần nguồn vốn cao nên đối với việc nuôi trong bể bạt theo hướng công nghệ sẽ tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả, khả năng về lâu dài sẽ phát triển bền vững. 

Để đảm bảo phát triển kinh tế của địa phương và tạo điều kiện cho nông dân làm ăn thì tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành chức năng, cụ thể là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang), ngành chăn nuôi thủy sản mời gọi các nhà khoa học đến tư vấn, hỗ trợ nông dân thông qua các buổi hội thảo hoặc lớp tập huấn để đánh giá kỹ hơn và hướng dẫn kỹ thuật tốt hơn cho anh Doanh cũng như các hộ nông dân khác, tạo điều kiện mở rộng số hộ nuôi lươn tại địa phương”.

Trúc Pha (Báo An Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem